Tin tức
EU tổng điều tra độc quyền thương mại điện tử
21/06/2015

Ngày 11-6, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với mặt hàng sách điện tử (e-book) của nhà bán lẻ trực tuyến Amazon. Theo EC, Amazon bị nghi ngờ đã yêu cầu các nhà xuất bản e-book tạo điều kiện để hãng này giành được lợi thế hơn so với các đối thủ của mình - vi phạm các quy định chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU).

Đây không phải là cuộc điều tra đầu tiên của EU về vi phạm quy định chống độc quyền của các “ông lớn Mỹ” đối với mặt hàng e-book vốn ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Trước đó, năm 2012, EU cũng đã mở cuộc điều tra Apple cùng các nhà xuất bản đối tác gồm Simon & Schuster, HarperCollins, Hachette Livre và Macmillan đã bắt tay nhau, không cho những kênh phân phối đối thủ khác của Apple, như Amazon, có thể bán sách điện tử với giá thấp hơn, từ đó có thể bán e-book với giá cao hơn bình thường. Sau những lần đàm phán qua lại, đến tháng 7-2013, EU đã chấp nhận giải pháp mà Apple và bốn nhà xuất bản sách đưa ra, theo đó đồng ý cho phép các nhà bán lẻ như Amazon bán e-book với giá khuyến mãi trong vòng hai năm để tránh một án phạt mạnh tay.

Theo Reuters, nếu lần này EC phát hiện Amazon có những sắp xếp giới hạn sự cạnh tranh lành mạnh và làm giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng thì gã khổng lồ này sẽ bị phạt và buộc thay đổi hình thức kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện Amazon - nhà phân phối e-book lớn nhất châu Âu và sở hữu thiết bị đọc sách điện tử phổ biến Kindle - tuyên bố, họ tự tin rằng những thỏa thuận giữa họ và các nhà xuất bản là hợp pháp và vì lợi ích tốt nhất dành cho độc giả.

Cuộc điều tra mặt hàng e-book chỉ là một phần của cuộc tổng điều tra chống độc quyền của EU nhằm vào các ông lớn trong lĩnh vực internet và mua sắm trực tuyến như Google, Apple, Amazon…Tháng 4-2015, EU đã mở cuộc điều tra, nhắm đến các lĩnh vực: quần áo, điện tử, giày dép và các nội dung số... Apple thì bị điều tra cáo buộc thỏa thuận với các hãng thu âm để qua mặt các đối thủ khác và làm giảm hóa đơn thuế giả ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Google - kiểm soát khoảng 90% công cụ tìm kiếm web ở châu Âu - cũng vừa bị EU cáo buộc “lạm dụng quyền lực” để gian lận trong các kết quả tìm kiếm, vi phạm luật chống độc quyền và đối diện án phạt hàng tỷ USD. Facebook thì bị điều tra về cách mạng xã hội này thu thập dữ liệu từ người dùng ở châu Âu để phục vụ cho mục đích quảng cáo…

Trong khi chờ đợi kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố vào giữa năm 2016 và sẽ có kết luận cuối cùng vào tháng 3-2017, thì một cuộc tổng điều tra những gã khổng lồ công nghệ Mỹ được giới quan sát cho là nhằm thiết lập lại trật tự của EU trong lĩnh vực phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số mà bị cho là đang tụt hậu khá xa so với Mỹ, mà một trong những nguyên nhân là những quy định phức tạp giữa các quốc gia. Với người châu Âu, mua và bán hàng trực tuyến với những quốc gia không phải là thành viên EU, đặc biệt là với Mỹ, vốn chiếm đến hơn phân nửa nền kinh tế kỹ thuật số của EU, lại dễ dàng hơn với các quốc gia trong khối. Cuộc chiến  này còn cho thấy tham vọng của EU về hợp nhất thị trường kỹ thuật số trên toàn bộ 28 quốc gia thành viên trong bối cảnh kinh tế Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) vẫn tăng trưởng ì ạch. EU ước tính một thị trường như vậy có thể đóng góp cho nền kinh tế 415 tỷ EUR (466 tỷ USD)/năm và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm.

Ý kiến bạn đọc