Tin tức
Hoạt động Thương mại điện tử năm năm qua
24/07/2015

Năm năm qua, hoạt động thương mại điện tử đã có bước phát triển khá nhanh, số lượng website thương mại điện tử tăng, doanh thu năm sau tăng cao so năm trước (1,4 tỷ USD năm 2012 và khoảng 4 tỷ USD năm 2015), lần đầu tiên tổ chức ngày mua sắm trực tuyến do Bộ Công Thương phát động (ngày 05/12/2014 – thứ sáu, tuần đầu tiên của tháng 12) và công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

 

Trong giai đoạn này, chứng kiến nhiều công ty lợi dụng thương mại điện tử, kẽ hở pháp luật để hoạt động bán hàng đa cấp trên mạng, với những chiêu thức dụ dỗ tinh vi, đánh vào tâm lý người tiêu dùng nhằm huy động một lượng tiền lớn để thu lợi bất chính, điển hình là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán các gian hàng ảo trên mạng giá trị hàng chục triệu USD như: Mua bán 24, Tâm Mặt Trời, Cộng đồng Việt,... và đã được các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý. Đặc biệt là sự điều chỉnh pháp luật của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương về lĩnh vực hoạt động thương mại điện tử (như ban hành Nghị định mới để điều chỉnh một cách toàn diện các hoạt động thương mại điện tử trong xã hội và đáp ứng nhu cầu quản lý của lĩnh vực này, hai lần ban hành thông tư hướng dẫn và bổ sung thêm nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong về lĩnh vực thương mại điện tử và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, và cấp phép trực tuyến tại địa chỉ http://online.gov.vn).

Trước sự phát triển mạnh về thương mại điện tử tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tại Bình Thuận năm năm qua, được sự quan tâm của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương đã hỗ trợ phần kinh phí tổ chức triển khai một số công việc nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, như: tổ chức các buổi hội thảo nhằm phổ biến tuyên truyền các văn bản pháp luật mới về TMĐT, giới thiệu các trang bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT (đã tổ chức 3 lớp với khoảng 200 học viên tham gia là CBCC-VC sở, ngành và các doanh nghiệp trong tỉnh); hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký, tham gia các sàn giao dịch, website xúc tiến thương mại quốc gia (10 doanh nghiệp); triển khai Đề án “Xây dựng website và hệ thống thông tin cho các cơ sở công nghiệp nông thôn” (10 cơ sở); biên soạn cuốn Sổ tay “Thương mại điện tử - Tập 1” và phát hành miễn phí nhằm cung cấp những quy định mới của nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực TMĐT. Cuối năm 2015, tiếp tục phối hợp Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương triển khai 01 lớp tập huấn dành cho đối tượng có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo khảo sát đánh giá của Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, tỉnh Bình Thuận đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. Trong khi đó, theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điển tử Việt Nam (Vecom) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT) - Bộ Công Thương, tỉnh Bình Thuận đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số TMĐT quốc gia. Qua đó có thể thấy rằng, Thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận phát triển chưa xứng tầm, có thể do một số nguyên nhân sau:

- Hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh có website riêng chỉ dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ qua mạng, một số ít doanh nghiệp hỗ trợ đặt hàng qua mạng và chưa có website nào cho phép thanh toán trực tuyến. Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích mà thương mại điện tử có thể mang lại, nên chưa sẵn sàng tham gia; sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về công tác hoạt động TMĐT chưa cao, chưa xem đây là một giải pháp để quảng bá thương hiệu trên môi trường mạng, đặt hàng, bán hàng trực tuyến, hỗ trợ cho khách hàng.

- Một số doanh nghiệp đã được tỉnh, Cục TMĐT&CNTT - Bộ Công Thương hỗ trợ phần kinh phí xây dựng website nhằm giới thiệu quảng bá, sản phẩm; quảng bá trên Cổng thông tin Thương mại điện tử Quốc gia (ECVN), nhưng nhìn chung, sau thời gian 1 năm hỗ trợ phát triển, quảng bá website, một số website của doanh nghiệp không duy trì hoạt động.

- Một số doanh nghiệp thụ hưởng các hỗ trợ một cách thụ động, như: được mời tham gia hội thảo, được bồi dưỡng những kiến thức về TMĐT, được thiết kế website miễn phí và nhiều chính sách ưu đãi khác, song vẫn đang ở trạng thái chưa sẵn sàng.

- Việc chấp hành pháp luật về thương mại điện tử (Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ) còn xem nhẹ. Đến nay vẫn còn doanh nghiệp, cá nhân (chủ website) hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa thông báo, đăng ký website bán hàng, cung cấp dịch vụ trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử - Bộ Công Thương (hiện chỉ có 16 website đã được Bộ Công Thương chấp thuận, khoảng 47 website đang chờ xét duyệt so với hơn 500 tên miền được đăng ký sử dụng của tỉnh).

- Vấn đề bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và thanh toán qua mạng còn nhiều hạn chế cho cả người mua và người bán; doanh nghiệp chưa được tư vấn tổng thể và đầy đủ để có định hướng đúng khi xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử phù hợp cho mỗi doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.

- Việc triển khai kế hoạch Thương mại điện tử trong các cơ quan nhà nước còn nhiều phân tán; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; ngân sách dành cho lĩnh vực vực hoạt động thương mại điện tử ít; nguồn nhân lực trong cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung.

Để tiếp tục phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2016-2020, thiết nghĩ tỉnh Bình Thuận cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT để tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân nhận thức và tham gia các hoạt động về phát triển TMĐT. Thứ hai, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website, ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như: khách sạn, vận tải, ngân hàng, siêu thị, trung tâm thương mại,…. Thứ ba, tiếp tục phát triển mở rộng các máy POS, ATM tại các điểm mới phục vụ nhu cầu người dân, khách du lịch, mở rộng thêm các dịch vụ khác như: quầy bán vé tham quan du lịch, vận chuyển hành khách trong và ngoài tỉnh …. Thứ tư, có chính sách hỗ trợ các sản phẩm lợi thế của địa phương quảng bá, kinh doanh qua môi trường mạng trực tuyến, trong và ngoài nước; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh thông tin đáp ứng tốt các dịch vụ được triển khai, như: bán hàng qua mạng, thanh toán qua thẻ, qua website thanh toán của doanh nghiệp, thủ tục hành chính “một cửa”, “một cửa liên thông”,…. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định hướng, giải quyết khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm hơn về kinh phí, nguồn nhân lực trong hoạt động thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước.

Ý kiến bạn đọc