Tin tức
Các bước triển khai Thương mại điện tử trong Doanh nghiệp Việt Nam
05/08/2012

Các bước triển khai Thương mại điện tử trong Doanh nghiệp Việt Nam

 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam muốn áp dụng Thương mại điện tử vào kinh doanh, cần tham khảo 5 bước bên dưới.

Trong đó, ba bước đầu rất cần thiết, hai bước sau tùy chọn, phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và của khách hàng của doanh nghiệp. Các bước đó là:

- Hiện diện trên mạng: có một website giới thiệu thông tin, hình ảnh, hàng hóa, dịch vụ...

- Quảng bá website (e-marketing)

- Hỗ trợ khách hàng qua mạng

- Thanh toán qua mạng: không nhất thiết phải thực hiện, nếu không thực sự có nhu cầu, hiện nay chỉ có nhu cầu nếu doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa ra nước ngoài.

- Đổi mới phương thức kinh doanh: dành cho doanh nghiệp “nghiêng” nhiều hơn về những mô hình kinh doanh trên mạng

Bước 1: Hiện diện trên mạng – Có một website trên mạng

Bước đầu tiên để tham gia Thương Mại Điện Tử là bạn phải xây dựng một website cho doanh nghiệp của mình.

Tùy theo đặc tính riêng của mỗi doanh nghiệp, website này có thể từ rất đơn giản như là một vài trang web tĩnh (tức thông tin trên trang web này không thường xuyên thay đổi) đến phức tạp gồm các cơ sở dữ liệu và các trang web động (tức thông tin trên trang web này thường xuyên thay đổi) cho phép tương tác với người sử dụng.

Nếu bạn chỉ muốn quảng cáo thông tin trên web của bạn, bạn có thể xây dựng vài trang, bao gồm: trang chủ, trang giới thiệu về doanh nghiệp, trang giới thiệu về sản phẩm hay dịch vụ, và nên có ít nhất một địa chỉ email để người quan tâm có thể liên hệ bạn dễ dàng.

Các trang web của bạn nên được viết bằng ngôn ngữ chung của đối tượng khách hàng của bạn, hiện giờ thông dụng nhất là tiếng Anh. Nếu đối tượng khách hàng của bạn là người Nhật, bạn cũng nên có một phiên bản tiếng Nhật song song với bản tiếng Anh hay tiếng Việt. Sau đây là các bước để có được một website cho doanh nghiệp của bạn:

· Mua tên miền (domain):

Có thể ở nhiều dạng như www.tenmien.com hay www.tendoanhnghiep.com.vn hay ở các dạng khác. Khi mua tên miền, có khả năng tên bạn chọn đã bị mua, nên bạn hoặc phải chọn tên khác, hoặc phải thương lượng mua lại tên bạn thích với giá cao. Bạn có thể kiểm tra tên miền bạn muốn mua đã bị ai mua chưa tại www.fiboweb.com.

Thông thường tên miền dạng www.abc.com sẽ có giá khoảng 10 đô-la Mỹ/năm. Bạn có thể mua trực tiếp trên mạng, song bạn phải có thẻ tín dụng để trả tiền, hoặc bạn nhờ dịch vụ thiết kế web mua tên miền cho bạn. Một website nhất định phải có tên miền.

· Mua dịch vụ lưu trữ trực tuyến (hosting):

Bạn phải trả tiền cho dịch vụ lưu trữ những trang web của bạn trên một máy chủ nào đó để đảm bảo rằng người ta có thể tải trang web của bạn về máy tính của họ để đọc vào bất kỳ lúc nào. Với nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, bạn có thể chỉ phải trả vài đô-la Mỹ mỗi tháng cho dịch vụ này.

Nếu website của bạn phức tạp hơn, số lượng file và cơ sở dữ liệu “nặng” hơn, bạn có thể phải trả vài chục đô-la Mỹ mỗi tháng cho dịch vụ hosting này. Để website hoạt động, nhất thiết bạn phải thuê hosting.

· Viết nội dung cho các trang web:

Bạn có thể tự mình viết nội dung cho các trang web của bạn, hoặc bạn có thể cung cấp các thông tin, hình ảnh cho một dịch vụ để họ viết nội dung cho bạn bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác. Lưu ý, nội dung cũng rất quan trọng trong việc thu hút và giữ khách hàng.

Nội dung phải được viết ngắn gọn, đầy đủ thông tin cần thiết, cách hành văn phải chuẩn mực, đặc biệt là không được sai văn phạm hay có lỗi chính tả. Hình ảnh phải rõ nét. Một trang web có nội dung viết cẩu thả với nhiều lỗi đánh máy, cấu trúc không đồng bộ sẽ gây ấn tượng xấu cho người đọc và gây phản tác dụng cho doanh nghiệp của bạn.

· Thiết kế web:

Sau khi có nội dung, bạn phải nhờ đội ngũ thiết kế web để họ làm thành những trang web cho bạn. Đây là chi phí phát sinh một lần, có thể vài chục đến vài trăm đô-la Mỹ, tùy theo độ phức tạp của hệ thống web của bạn.

Lưu ý, không nên dùng nhiều hình ảnh động trên web của bạn vì như thế sẽ làm chậm tốc độ tải xuống máy tính của người xem, dẫn đến họ bỏ đi vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Lý tưởng nhất là mỗi trang web của bạn không nặng hơn 100KB.

· Bảo trì web và cập nhật thông tin:

Qua các bước trên là bạn đã có một website cho doanh nghiệp của bạn rồi đấy! Tuy nhiên, công việc không dừng ở đây. Bạn phải quan tâm đến việc cập nhật thông tin và bảo trì web của bạn. Bảo trì bao gồm: thay đổi nhỏ trong thiết kế và trình bày, tăng thêm nội dung, loại bỏ những nội dung đã không còn phù hợp nữa v.v…

Tất cả đều nhằm mục đích tạo ra sự mới mẻ để tránh gây cho khách hàng sự nhàm chán. Lưu ý, không nên lạm dụng sự thay đổi mới mẻ này, đặc biệt là tái bố trí các công cụ, các nút (button) lệnh vì sẽ gây cảm giác lạ và không thân thuộc cho người xem, làm cho họ lúng túng không biết cách tìm ra điều họ muốn một cách dễ dàng.

Ý kiến bạn đọc