Những thông tin đưa ra tại Hội thảo thương mại điện tử trên nền tảng Magento đầu tiên ở châu Á diễn ra ở Hà Nội mới đây cho thấy, dự báo doanh số mua bán qua mạng năm 2015 ở Việt Nam đạt khoảng 400.000 USD, so với tổng doanh số của thị trường bán lẻ vẫn khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp làm thương mại điện tử thành công ở Việt Nam không nhiều, riêng một mình Lazada đã chiếm 60% tổng giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam.
Vào năm 2020 giao dịch thương mại điện tử Việt Nam được dự báo đạt khoảng 20 tỷ USD. Do đó, tương lai thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng tốc rất nhanh trong vòng 5 năm tới.
Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương), hơn 50% trong số 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có trang web riêng, trong số này có khoảng 50 - 60% trang web hoạt động thương mại điện tử, có tích hợp tính năng mua hàng và thanh toán online
Câu hỏi đặt ra là, những doanh nghiệp bước chân vào thương mại điện tử phải làm gì để có thể thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, tăng cường mối quan hệ với bạn hàng và khách hàng?
Thương mại điện tử không được phép... nghỉ
Theo ông Jerry Smith, CEO OgilvyOne Asia Pacific: “Thương mại điện tử phải theo nguyên tắc liên tục, không ngừng”.
Các nhà bán hàng trực tuyến cần nhớ rằng người mua rất dễ dàng tìm thấy các nhà bán lẻ trực tuyến, do đó phải luôn luôn tương tác với khách hàng theo thời gian thực, chia sẻ những hình ảnh hấp dẫn, đưa ra nhiều cơ hội cho khách hàng tiếp cận để tạo nhu cầu mua thêm, mua chéo, bán chéo, khai phá nhu cầu mới của khách hàng không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.
Các nhà bán hàng trực tuyến phải luôn đặt câu hỏi: người dùng đang tìm kiếm gì trên mạng? Nếu khách hàng muốn mua hàng nhưng không được phục vụ tới nơi tới chốn sẽ có người khác phục vụ ngay. Ngoài kia đang có nhiều đối thủ đợi chúng ta mắc lỗi, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, chúng ta sẽ mất khách trong chớp mắt. Khách hàng sẽ tới cửa hàng sau khi tìm hiểu trên mạng, khi đó người bán phải bày sẵn các sản phẩm khác, để nếu khách hàng không mua sản phẩm này sẽ có sản phẩm kia. Không bao giờ dừng lại việc bán hàng bởi người dùng không bao giờ dừng mua sắm.
Giao diện thanh toán đừng để người mua chán nản
Ông Alan Pigott, Giám đốc kinh doanh của IPGPAY chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thanh toán tiện lợi cho người mua có tác động rất lớn tới giao dịch online thành công hay không.
Không ít khách hàng lên trang web có thể xem được các sản phẩm cụ thể, chọn màu, chọn kích cỡ nhưng khi chuyển sang trang thanh toán họ bắt đầu chán nản. Bởi nếu trang thanh toán có màu sắc không bắt mắt, không hiển thị logo loại hàng khách hàng định mua, không nhìn thấy sản phẩm định mua sẽ làm giảm tin tưởng của khách hàng, dẫn đến việc họ ngừng giao dịch.
Ông Alan Pigott cũng nhấn mạnh, giao diện thanh toán không nên bắt khách hàng phải khai báo quá nhiều thông tin không cần thiết khiến họ ngại và không muốn mua hàng.
IPGPAY đang cung cấp giải pháp thanh toán dễ hàng tích hợp với nền tảng Magento đáp ứng chuẩn thanh toán PCI-DSS. IPGPAY sử dụng thanh toán nhiều loại tiền tệ khác nhau, chỉ dẫn những thông tin rất rõ, quá trình tích hợp đơn giản, sử dụng tích hợp thanh toán trên nhiều phương tiện: máy tính, máy tính bảng hay điện thoại. Các chi tiết giao dịch được lưu trữ trong hệ thống Magento để người mua hàng dễ dàng xem được thông tin.
Không thể thiếu nền tảng trên di động
Ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp mới khởi nghiệp thương mại điện tử nên dựa trên nền tảng nào: Tự xây dựng nền tảng riêng hay mua một nền tảng có sẵn?
Ông Ngô Trung, CEO Magestore.com (công ty Magento lớn thứ 2 ở Việt Nam) cho rằng, khi một doanh nghiệp quyết định phát triển nền tảng riêng, họ sẽ thuê một công ty làm, chi phí đắt, thời gian lâu nhưng ưu điểm là họ có thể thiết kế riêng, làm gì trên đó cũng được. Nếu dùng giải pháp có sẵn thì nhanh hơn, rẻ hơn, cần khoảng 500-800 USD để mua một nền tảng ứng dụng, trong 1-2 tuần là ứng dụng được. Trong khi nếu tự làm nền tảng riêng có khi mất đến 150.000 USD, ít nhất 14-18 tuần mới xong và phải duy trì đội ngũ hùng hậu để vận hành.
Thêm vào đó, các nhà bán hàng trực tuyến phải nghĩ tới việc phát triển ngay nền tảng cho di động. Thực tế cả Lazada và Zalora đều công nhận di động là nền tảng quan trọng, số lượng người mua hàng ngay trên App di động ngày càng tăng lên.
“Tôi đã nói chuyện với CEO của Lazada và Zalora họ đều khẳng định chắc chắn điều đó là đúng”, ông Ngô Trung nói.
Ông Trung cũng chia sẻ, có tới 90% người dùng điện thoại thông minh đã từng mua sắm bằng điện thoại. Có khi đến cửa hàng trên phố, họ vẫn thích dùng điện thoại để mua sắm, xem giá, dùng đánh giá tại chỗ mới quyết định mua.