Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2014 được xem là năm bản lề đối với ngành TMĐT. Đây cũng chính là năm mà các doanh nghiệp (DN) trong nước chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các công ty nước ngoài khi họ đang tìm cách xâm nhập thị trường trong nước.
Ông Christopher Beselin, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết: Mặc dù kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn sơ khai và non trẻ. Trong khi đó, theo công bố mới nhất từ Bộ Công Thương, tỉ lệ dân số Việt Nam truy cập Internet lên đến 34 triệu người, chiếm 36%. Đặc biệt, có khoảng 57% số người truy cập Internet có tham gia mua sắm online. Điều này cho thấy, tiềm năng kinh doanh TMĐT tại Việt Nam là rất lớn. Dự báo trong 5 năm tới, thị phần này sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay.
Thực tế trong 2 năm trở lại đây, kinh doanh TMĐT ở nước ta đã có sự chuyển biến rõ nét theo hướng chuyên nghiệp hơn. Nguyên nhân chính là do có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ “nhảy” vào thị trường TMĐT Việt Nam, như: Lazada, Google, eBay, Amazon, Alibaba, Rakuten, Rocket Internet… Trong đó, Alibaba của Trung Quốc là một trong những công ty hoạt động tích cực nhất. Còn Rocket Internet của Đức cũng ra mắt các website TMĐT Lazada, Zalora và FoodPanda. Amazon và Rakuten thì đang dò tìm cơ hội hợp tác hay mua lại một đối tác trong nước. Chính vì thế, các DN TMĐT trong nước buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để cạnh tranh thị phần.
Ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc 123Mua.vn – Công ty CP VNG cho rằng, đây là xu hướng tích cực bởi sự xuất hiện của các DN nước ngoài trong thời gian vừa qua đã giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với việc mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, DN trong nước vẫn có những thế mạnh riêng. Họ có thể xây dựng được các kênh quảng bá và thu hút người dùng khá hiệu quả với chi phí vận hành cỗ máy ở mức thấp và chiến thuật quản lý và marketing hợp lý.