Sau khi đoạt giải Startup Weekend Singapore vào tháng 3 năm 2012, hơn một năm sau đó Carousell nhận được khoản đầu tư 800,000 đô-la Mỹ từ Rakuten, tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Nhật Bản. Trước đó, nhóm sáng lập Carousell cũng đã nhận đầu tư từ Golden Gate Ventures và 500 startup.
Cái tên Carousell không quá xa lạ với các trang web công nghệ ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn được đánh giá là startup hấp dẫn nhất trong thời gian vừa qua. Lấy ý tưởng là sàn mua bán C2C trên nền tảng di động, Carousell đã nhanh chóng thu hút được đông đảo người dùng Singapore. Ở Việt Nam, nhiều startup m-commerce đang phát triển sản phẩm có mô hình tương tự như Carousell để phục vụ thị trường trong nước.
Vì sao Carousell được đầu tư ?
Theo báo cáo “Social, Digital và Mobile Around the World” vào tháng 1/2014 của WeAreSocial, dân số Singapore hiện hơn 5,4 triệu người, 73% trong số đó sử dụng internet (tương đương 4 triệu dân) và có tới hơn 8 triệu người sử dụng internter từ di động. Trung bình mỗi người dân Singapore dùng hơn 5 giờ đồng hồ/ngày lên internet bằng máy tính và gần 2 giờ/ đồng hồ ngày trên di động.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có tới 70% dân số Singapore sử dụng mạng xã hội, 87% người dùng di động để tìm kiếm hàng hóa và có tới 44% mua hàng và thanh toán cũng từ di động.
Với môi trường thuận lợi như vậy, không quá khó để giải thích vì sao Carousell hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Chia sẻ trên trang web e27.co, tác giả Jacky Jap, một thành viên trong ban tổ chức Startup Weekend Singapore cho rằng có ba lý dẫn đến sự thành công của startup nói trên:
1 – Sản phẩm đáp ứng nhu cầu người mua-người bán và khai thác hiệu quả tính lan truyền trên các mạng xã hội.
2 – Tính thanh khoản cao.
3 – Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực m-commerce.
Khó cho Việt Nam
Cũng theo báo cáo của WeAreSocial vào tháng 1/2014, thị trường Việt Nam thậm chí còn nhiều chí còn ấn tượng hơn Singapore. Hiện dân số Việt Nam hơn 90 triệu người, hơn 36 triệu người sử dụng internet (chiếm 39%) và khoảng 134 triệu người dùng internet trên di động (145%).
Trung bình người Việt dùng 4,5 giờ/ngày lên internet bằng máy tính và 1 giờ 43 phút/ngày bằng di động. Khoảng 20% dân số Việt Nam có sử dụng mạng xã hội, 95% người sử dụng điện thoại di động tìm kiếm hàng hóa với tỷ lệ thanh toán lên đến 60%.
Với những con số như vậy, rõ ràng thị trường m-commerce Việt Nam rất hấp dẫn nhưng thực tế mọi thứ vẫn đang ở điểm bắt đầu. Theo các chuyên gia cho rằng, thông tin ở Việt Nam chưa đầy đủ và thanh toán trực tuyến chưa phổ biến nên báo cáo chỉ có tính chất tương đối chứ không chính xác như Singapore.
Anh Q., Nhà sáng lập một dự án m-commerce từ năm 2012, thời kỳ xu hướng điện thoại thông minh bắt đầu bùng nổ ở thị trường Việt Nam, cho biết anh đã chi hơn 2 tỷ đồng vào việc phát triển sản phẩm nhưng cho đến nay doanh thu từ dự án vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí đầu tư.
Q. cho biết anh đang tìm kiếm nhà đầu tư để đẩy mạnh khâu tiếp thị và nếu mọi chuyện suôn sẻ, khoảng 1,5 năm nữa doanh thu mới đạt mức huề vốn. 3,5 năm cho một dự án m-commerce thành công, một khoảng thời gian không dễ dàng đối với các startup.
Ở Việt Nam, các startup m-commerce phải đối mặt với hai vấn đề là đầu tư cho sản phẩm và tiếp thị. Để tiết kiệm chi phí tiết kiệm, nhiều startup đang chọn phương án khai thác từ khách hàng cũ.
Hiện khá nhiều các ứng dụng m-commerce có được cộng đồng người sử dụng sẵn từ các dự án trước đó của công ty mẹ như Kprice có hơn 250,000 người dùng cả nước từ các ứng dụng trước của KGP tương tự mRaovat cũng có gần 800,000 người sử dụng từ các ứng dụng cũ của LMS. Đa phần các nhà sáng lập đều kỳ vọng lượng người sử dụng này sẽ được chuyển đổi sang ứng dụng m-commerce bằng cách quảng cáo in-apps (hình thức quảng cáo bên trong ứng dụng) từ các dự án trước đó.
Tuy nhiên, theo anh Võ Duy Tuấn, Nhà sáng lập Spiral cho rằng phải cân nhắc yếu tố cost per install (tạm dịch là chi phí cài đặt) khi lựa chọn chiến lược này. Tuấn cho biết với gần 2 triệu người sử dụng của ứng dụng Karaoke Việt Nam trên điện thoại Android, anh đã từng thử quảng cáo dẫn về một ứng dụng game miễn phí của công ty.
Kết quả : Sau một tuần chỉ có 200 người cài đặt ứng dụng game, doanh thu quảng cáo từ Karaoke Việt Nam tuần đó không có (vì chỗ dùng để quảng cáo có thu phí đã được lấp bằng quảng cáo dẫn về ứng dụng game).
“Bên cạnh việc mất doanh thu từ quảng cáo startup còn phải tính đến hiệu quả từ người sử dụng. Chưa thể chắc chắn rằng những người chuyển đổi từ những ứng dụng trước đó sẽ thích mua sắm.”, Tuấn nói.
Đó là chưa kể sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các doanh nghiệp nước ngoài. Chotot.vn, ứng dụng m-commerce theo mô hình C2C của 701 Search là một ví dụ, doanh nghiệp này liên tục tiếp thị qua các kênh của giới trẻ như Facebook, trang web giải trí và mới đây là trên truyền hình. 701 Search đang muốn trở thành người dẫn đầu lĩnh vực C2C trên m-commerce của thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu vui cho các startup trong lĩnh vực m-commerce. Theo thông tin từ các đối tác của Twenty.vn, hiện có hơn hai nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm các dự án m-commerce ở Việt Nam để đầu tư. Vấn đề là các startup phải làm sao để có cộng đồng mua bán đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư này và sống sót cho tới lúc gọi được vốn.
Kết
Có thể nói sân chơi m-commerce hiện đã trở nên quá sức với các startup trong nước, nhất là các nhóm có đội ngũ nòng cốt mạnh về kỹ thuật. Sản phẩm tốt không phải là yếu tố quyết định, chỉ là yếu tố tối thiểu để tham gia thị trường mà thôi. Cơ hội sẽ dành cho những nhóm có chiến lược tiếp thị tốt, có định hướng phát triển rõ ràng mà trong đó phải thể hiện rõ việc nguồn thu từ ngắn hạn tới dài hạn từ đâu trong hai năm tới.
Nguồn tham khảo
http://e27.co/southeast-asia-25-internet-penetration-109-mobile-penetration
http://e27.co/why-i-will-put-my-money-on-carousell
http://wearesocial.net/tag/vietnam
Theo Twenty.vn