Tin tức
Làn sóng Thương mại điện tử trên thiết bị di động ở Đông Nam Á và ở Việt Nam
15/07/2014
 

Cơn sốt điện thoại thông minh và m-commerce nhanh chóng ảnh hưởng đến các quốc gia có dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng internet khá cao.

Như Thái Lan chẳng hạn, quốc gia có hơn 65 triệu người với khoảng 30% dân số sử dụng internet và 26% dân số sử dụng internet từ di động. Theo trang web e27.co, LINE, ứng dụng nhắn tin OTT (Over The Top) của Nhật Bản lần đầu công bố số lượng khách hàng và đơn hàng bán ra khá ấn tượng từ xu hướng này.

Theo đó, bắt đầu từ giữa tháng 12 năm 2013, LINE chạy 8 chương trình flashsale (mô hình bán hàng giảm giá trong thời gian ngắn), với tần suất mỗi tuần một sự kiện trong vòng hai tháng. Kết quả thu được theo công bố của hãng cho thấy 5,5 triệu người sử dụng LINE hưởng ứng các chương trình mua sắm này, tương đương 8,8% dân số Thái Lan.

Hơn 40% đơn đặt hàng đến từ bên ngoài thủ đô Bangkok, 37% người sử dụng có độ tuổi từ 25 đến 34. Không công bố giá trị các đơn hàng nhưng LINE khẳng định các mặt hàng có giá trị thấp như thực phẩm, nước giải khát bán ra dưới năm phút. Các mặt hàng thời trang cao cấp như Kiehl cũng có doanh số được cho là hấp dẫn và phù hợp với mô hình m-commerce.

Một quốc gia rất gần gũi về văn hóa với Việt Nam là Trung Quốc cũng có những dấu hiệu tích cực với làn sóng m-commerce. Với khoảng gần 1,34 tỉ người (wikipedia 2013), báo cáo hồi tháng 1/2014 của ChinaDailyaisa.com cho biết Trung Quốc có khoảng 618 người sử dụng internet và hơn 80% trong số đó sử dụng internet bằng di động, khoảng 500 triệu người. Theo trang web Huffingtonpost ước tính, vào cuối Quý 4 năm nay, m-commerce  tại thị trường Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 91,1%, tương đương 50 tỷ đô-la Mỹ doanh thu.

Con sốt m-commerce cũng nhanh chóng tác động tích cực đến những doanh nghiệp “nhạy” với thị trường, Taobao và Tmall, hai trong số các trang web thương mại điện tử (TMĐT) của Tập đoàn Alibaba chiếm 76,1% tổng chi tiêu trên điện thoại thông minh toàn thị trường Trung Quốc. Chỉ tính riêng “Singles Day”, ngày hội mua sắm hàng năm của Taobao vào tháng 11 năm ngoái, doanh thu đến từ thiết bị di động đã gần gấp ba so với ngày hội Cyber Monday của Mỹ, 5,6 tỷ đô-la Mỹ so với 2 tỷ đô-la Mỹ.

Nhìn về thị trường Việt Nam

Theo báo cáo tính đến cuối tháng 10/2012 của WeAreSocial, Việt Nam có khoảng 30,8 triệu người sử dụng internet, chiếm 30% dân số. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vào năm 2012, cả nước có hơn 16 triệu thuê bao di động sử dụng 3G, trong khi đó con số đăng ký thuê bao di động trên cả nước là hơn 120 triệu.

Giống như Trung Quốc, Thái Lan, các con số trên cho thấy Việt Nam là một quốc gia tiềm năng cho m-commerce. Và thực tế, thị trường trong nước đã có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác.

Như lĩnh vực thanh toán di động, có M-pay, momo (Vinaphone), Bankplus (Viettel)… Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn là một ẩn số ở thị trường Việt Nam vì theo trang web huffingtonpost, mặc dù có tốc độ phát triển rất ấn tượng về m-commerce nhưng thanh toán di động ở Trung Quốc vẫn ì ạch phía sau dù rằng các ông lớn trong lĩnh vực TMĐT ở Trung Quốc, như Alipay- một công ty con của Alibaba đổ hằng trăm triệu đô-la Mỹ hằng năm để thúc đẩy thị trường này đi lên.

Sôi nổi nhất phải kể đến lĩnh vực mua bán, Lazada của Rocket Internet cũng tham gia với ứng dụng B2C (Business to Customers) trên hệ điều hành Android, iOS. Chotot.vn, trang web theo mô hình C2C (Customers to Customers) của tập đoàn 701, công ty liên doanh giữa tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings Limited, tập đoàn truyền thông Schibsted và tập đoàn viễn thông Telenor cũng tham gia với ứng dụng trên ba nền tảng là iOS, Android và Windows Phone.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, ngoài các trang TMĐT hoạt động đã lâu như 123mua.vn, vatgia… đều có phát triển các ứng dụng trên di động, thị trường còn có sự tham gia của các startup như Canbanhnhanh của công ty Thương mại – Điện tử Quốc tế Mới, Kprice của KGP, mRaovat của LMS, Cholon++ của Mulodo Việt Nam. Hầu hết đều tập trung vào mô hình B2C2C.

Ý kiến bạn đọc