Tin tức
Đo lường lợi ích của kinh doanh TMĐT như thế nào?
29/08/2016
Chúng ta có thể dễ dàng đo lường một số lợi ích hữu hình của dự án TMĐT, ví dụ như tăng doanh số bao nhiêu hoặc giảm chi phí như thế nào. Nhưng dự án TMĐT cũng có những lợi ích vô hình và khó đo lường, như giúp khách hàng hài lòng hơn. Khi xác định các mục tiêu lợi ích, nhà quản lý cần đặt các mục tiêu có thể đo lường được, cho dù đó là mục tiêu về lợi ích vô hình. Ví dụ, kết quả của việc khách hàng hài lòng hơn cần thể hiện qua con số khách hàng quay lại mua hàng sau giao dịch đầu tiên.
Một số công ty tạo ra trang Web để xây dựng thương hiệu và trợ giúp cho chương trình tiếp thị hiện tại. Những công ty này có thể đặt mục tiêu để tăng nhận thức thương hiệu, và đo lường bằng các cuộc khảo sát thị trường và trưng cầu ý kiến khách hàng. Các công ty bán hàng hoá và dịch vụ trực tuyến có thể đo lường doanh số theo số lượng hoặc theo doanh thu. Tuy nhiên có một vấn đề phức tạp khi đo lường là có thể những hiệu quả đó do những hoạt động khác của công ty diễn ra cùng thời điểm hoặc do nền kinh tế tăng trưởng tốt. Khi đó một nhân viên marketing giỏi hoặc một công ty tư vấn có thể giúp bạn lọc ra những hiệu quả thực sự của các chương trình bán hàng và tiếp thị. Doanh nghiệp có thể cần các nhóm này giúp đặt và đánh giá những mục tiêu cho dự án TMĐT.
Với công ty muốn sử dụng trang Web để nâng cao dịch vụ khách hàng hoặc hỗ trợ sau bán hàng có thể đặt mục tiêu nâng cao sự hài lòng của khách hàng hoặc giảm chi phí dịch vụ khách hàng. Ví dụ công ty Philips Lighting muốn sử dụng Web để cung cấp một hệ thống đặt hàng cho các khách hàng của họ mà không sử dụng trao đổi dữ liệu điện tử (EDI).
Mục tiêu chủ yếu của ý tưởng này là giảm chi phí xử lý các đơn hàng nhỏ. Philips đã thấy việc trả lời điện thoại của khách hàng về tình trạng hàng tồn kho và tình trạng đơn hàng chiếm hơn nửa thời gian và chi phí xử lý các đơn hàng. Khách hàng đặt đơn hàng thường gọi điện và gửi fax để hỏi các thông tin này.
Philips đã xây dựng thử một trang Web và mời một số khách hàng thử nghiệm. Kết quả là số lượng cuộc gọi từ nhóm khách hàng đó đến phòng dịch vụ khách hàng giảm 80%. Dựa trên kết quả như vậy, Philips đã quyết định đầu tư thêm phần cứng và nhân sự để vận hành trang Web nhằm giải quyết nhu cầu của tất cả các khách hàng của mình. Vậy các đầu tư bổ sung của Philips nhằm đến mục tiêu giảm chi phí xử lý các đơn hàng.
Các công ty có thể sử dụng một loạt các đo lường tương tự để đánh giá lợi ích của các ý tưởng TMĐT khác. Những người quản lý mạng lưới cung cấp có thể đo lường mức giảm chi phí cung cấp, nâng cao chất lượng hoặc giao hàng nhanh hơn. Các trang đấu giá có thể đặt mục tiêu tăng số lượng đấu giá, tăng số người đấu giá và người bán, tăng doanh số bán, tăng số hàng bán, hoặc tăng số người tham gia. Chức năng đo lường các số liệu này cần tích hợp sẵn vào phần mềm trang đấu giá. Cộng đồng ảo và cổng thông tin Web có thể đo lường số người vào thăm và đo lường chất lượng các lần lướt trang của họ.
Ngoài ra một số trang Web có sử dụng những bản điều tra trực tuyến để thu thập dữ liệu khách hàng, nhưng những dữ liệu trong thời gian dài vẫn quan trọng hơn, như khách có thường xuyên quay lại trang web ko? Dưới đây là bảng tổng hợp các lợi ích và những đo lường mà công ty có thể thực hiện để đánh giá giá trị của những lợi ích đó:
Dự án TMĐT Đo lường lợi ích.
Xây dựng thương hiệu Điều tra hoặc thăm dò ý kiến về nhận thức thương hiệu Trợ giúp các chương trình tiếp thị hiện tại.
Thay đổi trong số lượng sản phẩm bán ra.
Nâng cao dịch vụ khách hàng Khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng, số lượng những khách hàng khiếu nại.
Giảm chi phí hỗ trợ sau bán hàng Số lượng và loại các hoạt động hỗ trợ (điện thoại, fax, email).
Nâng cao hiệu quả của mạng lưới cung cấp.
Chi phí, chất lượng và thời gian giao hàng.
Tổ chức đấu giá Số lượng các đấu giá, người đấu giá, người bán, sản phẩm được bán, người tham gia, doanh số bán.
Tạo cổng thông tin và cộng đồng ảo.
Số khách xen, số khách quay lại và thời gian của các lần xem.
Chi tiết hơn nữa, doanh nghiệp có thể chuyển đổi những đo lường này sang một số tiền tương ứng. Sau đó doanh nghiệp so sánh giữa lợi và thiệt để thấy được số lợi ròng, đồng thời so sánh lợi ròng của dự án này với dự án khác. Cho dù mỗi hoạt động thường mang lại một giá trị nào đó cho công ty nhưng rất khó để đo lường giá trị đó ra tiền tương ứng, vì vậy các con số trên hoàn toàn chỉ tương đối.
Đo lường chi phí của kinh doanh TMĐT như thế nào?
Mọi người thường nghĩ việc xác định và tính toán chi phí có vẻ dễ hơn việc đặt các mục tiêu lợi ích ở trên. Tuy nhiên nhiều nhà quản lý lại cho rằng chi phí của các dự án CNTT lại khó tính toán và kiểm soát giống như phần đo lường lợi ích của các dự án này. Vì khi phát triển Web, chúng ta phải sử dụng các công nghệ phần cứng và phần mềm và các công nghệ này thay đổi nhanh hơn các công nghệ đã sử dụng trong các dự án trước đó, khi đó kinh nghiệm không giúp được gì trong việc tính toán chi phí. Thông thường giá cả phần cứng thường giảm theo thời gian, nhưng do phần mềm ngày càng phức tạp và yêu cầu nhiều phần cứng hơn, hoặc phần cứng cấu hình cao hơn nên tổng chi phí thường tăng theo thời gian.
Ngoài chi phí phần cứng và phần mềm, ngân sách dự án cũng cần cả chi phí thuê, đào tạo và trả cho nhân sự thiết kế trang Web, viết hoặc chỉnh sửa phần mềm, tạo nội dung, duy trì hoạt động của trang. Tổng chi phí thường bao gồm:
- Chi phí phần cứng (máy chủ, máy tính, router, tường lửa,..)
- Phần mềm (hệ điều hành, phần mềm Web server, phần mềm cơ sở dữ liệu và các phần mềm ứng dụng)
- Công việc thiết kế thuê ngoài,
- Lương và thù lao cho nhân viên dự án
- Chi phí duy trì trang khi nó hoạt động
Một bản tổng chi phí tốt cần tính đến cả chu kì bao lâu thì trang Web cần thiết kế lại. Bạn có thể biết thêm về cách tính tổng chi phí bằng cách truy cập vào trang…
Tuy nhiên không chỉ có một phương án chi phí. Ngoài phương án sử dụng các nguồn lực độc lập ở trên, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí triển khai TMĐT bằng cách dùng dịch vụ thuê hosting của bên thứ 3, kết hợp với phần mềm TMĐT trọn gói, hoặc tham gia vào một sàn giao dịch TMĐT.
Chỉ số nào giúp quyết định có nên triển khai kinh doanh TMĐT hay không?
Bạn cần so sánh giữa các lợi ích và chi phí như nêu trên để quyết định việc kinh doanh hay không? Điều quan trọng là cần lượng hoá được những lợi ích và chi phí đó thành những con số cụ thể để so sánh.
Một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá là ROI (return on investment). Chỉ số này tính bằng công thức: thu nhập/chi phí đầu tư. Thông thường nếu ROI lớn hơn 1 thì dự án đó có triển vọng thu được lợi nhuận. Tuy nhiên để quyết định có đầu tư hay không thì doanh nghiệp cần so sánh ROI của dự án này với dự án khác, hoặc với các phương án đầu tư khác.
Ngoài ra cũng có nhiều doanh nghiệp không tính toán đến chỉ số ROI khi đầu tư vào TMĐT, vì họ cho rằng TMĐT là hướng đi tất yếu của mình và lợi ích dài hạn mới là điều họ quan tâm. Điển hình là các website về báo chí. Trong thời gian đầu rất nhiều báo trực tuyến không có nguồn thu, nhiều toà soạn phải lấy nguồn thu từ báo giấy để bù cho báo trực tuyến. Nhưng đích mà các báo này nhắm đến là số lượng độc giả ngày càng tăng trên Internet sẽ thu hút các quảng cáo trực tuyến về cho báo và tương lai kinh doanh các nội dung khác.
Vì vậy khi tính toán chỉ số ROI, doanh nghiệp rất cần lưu ý đến các nguồn thu hoặc lợi ích trong tương lai. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần tính đến các lợi ích vô hình, khó tính toán ra con số cụ thể. Ví dụ công ty Cisco Systems đã tạo ra một diễn đàn trực tuyến cho khách hàng để khách hàng thảo luận với nhau về các vấn đề sản phẩm. Mục đích chính của diễn đàn này là giảm chi phí hỗ trợ khách hàng và tăng sự hài lòng của khách hàng khi họ có thể tiếp cận thông tin và đánh giá sản phẩm. Nhưng sau đó, diễn đàn này còn giúp các kỹ sư Cisco nhận được các đánh giá về sản phẩm mới mà họ đang phát triển, qua đó ngày càng hoàn thiện sản phẩm hơn. Như vậy lợi ích mới đã phát sinh và khó đo lường trước được.
Kế hoạch triển khai gồm những mục gì?
Kế hoạch triển khai dự án TMĐT cần có những mục sau:
1. Xác định phạm vi triển khai
2. Xác định các kết quả cần đạt được
3. Lên danh sách các công việc cần thực hiện để đạt các kết quả đó
4. Xác định nguồn lực triển khai
5. Lên kế hoạch thời gian biểu triển khai
Dưới đây là những mẫu lên kế hoạch cho một dự án TMĐT cụ thể về thiết kế một trang web cho doanh nghiệp.
1. Xác định phạm vi triển khai:
- Trang home giới thiệu những thông tin cơ bản về doanh nghiệp và những đường liên kết đến các trang khác có các thông tin về sản phẩm và địa chỉ liên lạc.
- Một trang mô tả các sản phẩm của doanh nghiệp bao gồm cả hình ảnh
- Một trang có thông tin về doanh nghiệp như lịch sử hình thành, vị trí, tin tức mới, bao gồm cả những hình ảnh hoạt động.
- Một trang thông tin về địa chỉ liên lạc và một mẫu online để khách hàng gửi các câu hỏi về theo email.
2. Lên danh sách các kết quả cần đạt được:
3. Lên danh sách các công việc thực hiện
Kết quả Tasks
Bố cục và giao diện trang web - Xây dựng bố cục và giao diện trang web
Ngôn từ trên trang web - Xây dựng nội dung trên trang web
Hình ảnh trên trang web - Thu thập hình ảnh công ty và các sản phẩm
- Xử lý hình ảnh để đưa lên trang web
Hệ thống mạng - Cài đặt kết nối Internet
Cài đặt phần cứng - Cài đặt phần cứng máy chủ web
Cài đặt phần mềm máy chủ web - Cài đặt phần mềm máy chủ web
Khả năng duy trì nội dung trang web
- Cài đặt phần mềm quản lý nội dung trang web
- Thiết lập bộ máy nhân sự đảm bảo duy trì nội dung thông tin trang web
Khả năng duy trì dịch vụ trang web
- Thiết lập bộ máy đảm báo duy trì dịch vụ trang web
Khả năng giao tiếp với khách hàng nước ngoài
- Xây dựng quy trình giao tiếp với khách hàng nước ngoài
- Xây dựng các mẫu hội thoại, thư từ liên lạc với khách hàng nước ngoài
- Thiết lập nhân sự đảm bảo giao tiếp với khách hàng nước ngoài.
4. Xác định nguồn lực
Thông thường có 2 lựa chọn nguồn lực: nguồn lực trong công ty và nguồn lực thuê ngoài.
Nếu sử dụng nguồn lực trong công ty, bạn cần xác định rõ có thể sử dụng nguồn lực hiện tại hay phải mua thêm, tuyển thêm.
Triển khai trang web TMĐT
Trang web TMĐT
Điều kiện nhân lực
Giao diện Nội dung Hạ tầng dịch vụ trang web HT mạng Máy chủ web
Cài đặt phần cứng
Cài đặt phần mềm
Ngôn từ trên web
Hình ảnh trên trang web
Khả năng vận hành TMĐT
Khả năng giao tiếp với khách hàng nước ngoài
Khả năng duy trì nội dung trang web
Khả năng duy trì những dịch vụ web
Bạn cần lập một đội dự án chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch TMĐT. Đội này cần có những người có đủ kiến thức về Internet và công nghệ để biết dùng loại nào là phù hợp.
Các thành viên của đội phải là những người có suy nghĩ sáng tạo và quan tâm đến việc đưa công ty vươn lên. Một số công ty đã sai lầm khi cử một chuyên gia công nghệ làm đội trưởng dự án này, vì chuyên gia này thường không biết nhiều về kinh doanh, thương mại và ít được biết đến trong toàn công ty. Những kỹ năng cần có cho nhân sự dự án TMĐT là: kiến thức kinh doanh, khả năng sáng tạo, và niềm tin của toàn công ty. Trưởng nhóm dự án cần có cảm nhận tốt về mục tiêu của công ty và văn hoá quản lý, triển khai hiệu quả.
Ngoài ra trong giai đoạn triển khai và giai đoạn vận hành có thể dùng các nguồn lực khác nhau. Ví dụ như giai đoạn triển khai, bạn có thể thuê một công ty ngoài thực hiện, nhưng trong giai đoạn vận hành, bạn cần sử dụng nguồn lực trong công ty, qua một quá trình đào tạo. Cho dù bạn có thuê ngoài thực hiện một số công đoạn công việc, nhưng cần có quy trình để chuyển giao quản lý và giấy tờ công đoạn đó cho công ty bạn.
Công việc Nguồn nhân lực Kỹ năng cần có
- Xây dựng bố cục và giao diện trang web
- Thuê ngoài - Thiết kế trang web
- Xây dựng nội dung trang web - 1 nhân viên trong công ty – 2 giờ/ngày, làm việc trong vòng 3 tháng
- Khả năng tiếng Anh, hiểu biết về lịch sử công ty, sản phẩm và dịch vụ.
- Thu thập hình ảnh của công ty và các sản phẩm.
- 1 nhân viên của công ty - Chụp hình
- Xử lý hình ảnh để đưa lên trang web
- Thuê ngoài - Thiết kế trang web
- Kết nối Internet - Thuê ngoài - Mạng dữ liệu
- Cài đặt máy chủ web (phần cứng)
- Thuê ngoài - Cài đặt phần cứng
- Cài đặt phần mềm máy chủ web
- Thuê ngoài - Cài đặt và chỉnh cấu hình máy chủ web
- Cài đặt phần mềm quản lý nội dung
- Thuê ngoài - Quản lý nội dung
- Phát triển nhân lực công ty để duy trì nội dung trang web
- Thuê chuyên gia đào tạo - Quản lý nội dung
- Phát triển nhân lực công ty để duy trì dịch vụ trang web
- Tuyển nhân viên mới - Vận hành dịch vụ trang web
- Xây dựng quy trình giao tiếp với khách hàng nước ngoài
- Nhân viên của công ty – 1 giờ/ngày, sẵn sàng trong thời gian triển khai dự án.
- Quản lý khách hàng, hiểu biết quy trình nội bộ công ty
-Xây dựng các mẫu hội thoại, thư từ để liên lạc với khách hàng nước ngoài
- Nhân viên của công ty – 1 giờ/ngày, sẵn sàng trong thời gian triển khai dự án.
- Quản lý khách hàng
-Thiết lập nhân sự giao tiếp với khách hàng nước ngoài
- Tuyển nhân viên mới - Quản lý khách hàng
5. Lên kế hoạch thời gian
Cơ sở quan trọng trong việc triển khai chính là quá trình lập kế hoạch thời gian.
Để lập kế hoạch thời gian, bạn nên bắt đầu từ danh sách các công việc và đặt chúng theo thứ tự, xác định những việc cần làm trước và các việc liên quan cần làm tiếp theo. Có thể tiến hành một vài việc song song, và một số việc không liên quan đến việc khác thì có thể tiến hành trong bất cứ giai đoạn nào của dự án. Kết quả cuối cùng là một danh sach thời gian cho từng công việc theo thứ tự, từ việc đầu đến cuối.
Khi đã có danh sách đó rồi, việc tiếp theo là xác định khoảng thời gian thực hiện mỗi việc. Với những việc do nhân viên công ty thực hiện, bạn nên xem khả năng làm việc của nhân viên đó để xác định thời gian triển khai. Bạn cũng nên linh động hơn với khoảng thời gian dành cho công việc do thuê ngoài thực hiện.
Cuối cùng bạn có một kế hoạch thời gian cơ bản bao gồm tổng thời gian thực hiện ước tính. Nếu một công việc bị trì hoãn thì hàng loạt các công việc tiếp theo cũng chậm lại. Vì vậy đội dự án cần rất tập trung vào thực hiện các công việc đã liệt kê để tránh những chậm trễ không cần thiết trong dự án.
Công việc Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
1 Xây dựng nội dung trang web
2 Thu thập hình ảnh của công ty và các sản phẩm.
3 Xử lý hình ảnh để đưa lên trang web
4 Xây dựng bố cục và giao diện trang web
5 Kết nối Internet
6 Cài đặt máy chủ web (phần cứng)
7 Cài đặt phần mềm máy chủ web
8 Cài đặt phần mềm quản lý nội dung
9 Phát triển nhân lực công ty để duy trì nội dung trang web
10 Phát triển nhân lực công ty để duy trì dịch vụ trang web
11 Xây dựng quy trình giao tiếp với khách hàng nước ngoài
12 Xây dựng các mẫu hội thoại, thư từ để liên lạc với khách hàng nước ngoài
13 Thiết lập nhân sự giao tiếp với khách hàng nước ngoài
Tôi cần có các dự trù gì khác trong bảng tổng hợp kế hoạch kinh doanh?
Về cơ bản, bạn đã gần hoàn thành một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, các phần còn lại cần có gồm:
- Kế hoạch mua sắm, trang bị
Nếu bạn đã xác định những nguồn lực bên ngoài cần có để triển khai dự án, thì giai đoạn này bạn cần chuẩn bị khảo sát để mua sắm và trang bị. Kế hoạch này bao gồm những công nghệ hiện có cần mua/thuê và các công ty có thể cung cấp các công nghệ đó.
Để lên kế hoạch bạn cần biết cơ bản về những cái cần mua và khi nào thì mua.
- Kế hoạch ngân sách
Kế hoạch này nhằm xác định chi phí của dự án và lên kế hoạch ngân sách.
Chi phí cho nhân viên trong công ty cũng nên tính vào chi phí của dự án. Tuy nhiên điều này tuỳ thuộc vào hệ thống kế toán của mỗi công ty. Đôi khi chi phí dành cho nhân viên trong công ty được tính vào “chi phí kinh doanh” và không phải là chi phí mới cho dự án.
Chi phí cho các nguồn lực bên ngoài thường được tính vào chi phí dự án.
Một phần quan trọng triển khai là xác định ngân sách của dự án, xác định chi phí dự tính, thường trên cơ sở hàng tháng. Kế hoạch ngân sách này là cơ sở chi phí cho dự án và cùng với kế hoạch thời gian của công việc, nó được dùng là công cụ theo dõi quá trình triển khai.
- Bản tổng hợp kế hoạch dự án:
Kế hoạch dự án là bản tổng hợp của tất cả các kế hoạch đã xây dựng ở trên: phạm vi dự án, kế hoạch mua sắm, kế hoạch thời gian và kế hoạch ngân sách. Kế hoạch này mô tả một dự án sẽ triển khai thế nào và nó được dùng làm công cụ hướng dẫn cho đội dự án.
Tài liệu này cũng bao gồm:
- Kế hoạch quản lý thay đổi: Mô tả quy trình cần theo nếu thay đổi phạm vị của dự án
- Kế hoạch liên lạc: mô tả kế hoạch liên lạc trong đội dự án với các nhà quản lý. Đây là việc rất quan trọng vì không có liên lạc thường xuyên sẽ dễ dẫn đến thất bại của dự án. Kế hoạch liên lạc cần tính đến các kênh phù hợp để chuyển thông tin tình trạng dự án đến các nhà quản lý cũng như các thông tin họ cần.
- Kế hoạch quản lý rủi ro: đó là quy trình để đội dự án cùng với các nhà quản lý xác định những rủi ro của dự án và xác định các hành động để tránh rủi ro đó. Dự án không nên thực hiện nếu xác định được những rủi ro nhưng không có cách để tránh nó.
- Kế hoạch đo lường kết quả: xác định những kết quả đạt được của dự án có đáp ứng mục tiêu ban đầu đặt ra không? Như: sự hài lòng của khách hàng, số lượng đơn hàng, giảm thời gian xử lý đơn hàng... Nhiều nhà tư vấn khuyên công ty nên dành từ 5-10% ngân sách để đo lường kết quả và giá trị của dự án.
Nên chọn dịch vụ Hosting nào?
Công ty cần chọn dịch vụ hosting từ một nhà cung cấp dịch vụ (ISP) có uy tín, có thể trong hoặc ngoài nước. Các yếu tố để đánh giá một dịch vụ hosting bao gồm:
- Độ ổn định và tin cậy
- Khả năng băng thông và khả năng mở rộng của máy chủ
- Độ an toàn và bảo mật
- Khả năng lưu trữ và khôi phục lại dữ liệu.
- Chi phí
Các nhà cung cấp dịch vụ hosting trong nước có uy tín bao gồm:
- VDC (www.vdc.com.vn)
- FPT (www.fpt.vn)
- SPT (www.spt.com.vn)
- PA (www.pavietnam.net)
- Trung tâm Internet Việt nam (www.vnnic.net.vn)
Ngoài ra các doanh nghiệp có thể tham khảo một số nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như:
- http://www.hostingpackage.com
- www.Managed.com
- www.servermatrix.com
- www.nocster.com
- www.theplanet.com
Cần lưu ý gì khi quản lý quá trình triển khai?
Cách tốt nhất để quản lý quá trình triển khai TMĐT là sử dụng các kỹ thuật quản lý như sau: quản lý dự án, quản lý danh mục dự án, phân công cụ thể, và đo lường sau triển khai:
a. Quản lý dự án:
Quản lý dự án là tập hợp các kỹ thuật để quản lý và điều hành các hoạt động để đạt được mục đích cụ thể. Quản lý dự án bao gồm các tiêu chí về chi phí, thời gian và thực hiện. Gần đây các doanh nghiệp thường xử dụng các phần mềm quản lý dự án như Microsoft Project hoặc Primavera Project Planner với các công cụ có sẵn giúp quản lý nguồn lực và thời gian. Các phần mềm này có thể tạo các bảng biểu đê cho biết như: phần nào của dự án cần triển khai sớm, phần nào có thể hoãn lại mà không ảnh hưởng đến tiến độ dự án và cần bổ sung nhân sự vào phần nào để thúc đẩy dự án.
b. Quản lý danh mục dự án:
Các công ty lớn thường có nhiều dự án CNTT triển khai cùng một lúc, một số trong đó có thể là dự án TMĐT. Một số giám đốc CNTT (CIO) của các công ty lớn dùng kỹ thuật quản lý danh mục dự án trong các việc này. Quản lý danh mục dự án là kỹ thuật giám sát mỗi dự án như một khoản đầu tư trong danh mục tài chính. Các CIO ghi lại các dự án vào danh sách (thường sử dụng các trang excel hoặc phần mềm quản lý dữ liệu) và cập nhật danh sách này thường xuyên về tình trạng của mỗi dự án.
c. Phân công nhân lực TMĐT
Cho dù công ty có thuê ngoài thực hiện một số công việc triển khai, dự án TMĐT vẫn xác định vai trò cụ thể của các nhân lực triển khai dự án. Tuỳ theo quy mô dự án lớn hay nhỏ mà có các nhân lực liên quan đến dự án TMĐT gồm:
Phụ trách dự án: là người xác định mục đích dự án, chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch dự án và đạt được các mục tiêu đặt ra.
Phụ trách accout: là người theo dõi nhiều trang web đang dùng trong dự án hoặc nhiều dự án. Trong các dự án lớn, trang Web thường có phiên bản thử nghiệm, phiên bản demo và phiên bản sản xuất. Phiên bản thử nghiệm là phiên bản “đang xây dựng” của trang web, giúp công ty kiểm tra các chức năng và nội dung trước khi đưa ra chính thức cho khách hàng. Phiên bản demo là phiên bản đã được thử nghiệm xong, và đưa ra cho nội bộ công ty đánh giá. Phiên bản sản xuất là phiên bản đã hoàn tất cuối cùng, đưa ra cho người dùng và khách hàng sử dụng. Phụ trách account sẽ giám sát vị trí của các trang web cụ thể và các phần mềm cài đặt liên quan khi họ chuyển từ phiên bản thử nghiệm sang demo hay phiên bản thực tế. Trong các dự án nhỏ thì cán bộ phụ trách dự án sẽ làm các việc này.
Chuyên gia ứng dụng: là người duy trì và quản lý các phần mềm ứng trong dự án như: Quản lý catalgoue, quy trình thanh toán, và các ứng dụng liên quan dự án. Cho dù các phần mềm này có thể mua ngoài nhưng dự án cần có người đảm bảo hoạt động của nó về lâu dài.
Lập trình viên về Web: là người thiết kế và viết các mã để xây dựng lên trang web Thiết kế Web: là chuyên gia để thiết kế các vấn đề đồ hoạ của trang web, là người được đào tạo về nghệ thuật, bố cục, hiểu về cách xây dựng trang Web.
Nhân viên phụ trách nội dung: nội dung trang web cần luôn cập nhật, đổi mới phù hợp với đối tượng xem trang web. Vì vậy cần có một nhân viên phụ trách chuyên nội dung cho trang web Người quản lý và biên tập nội dung
Nhân viên dịch vụ khách hàng: người thiết kế và thực hiện các hoạt động quản lý quan hệ khách hàng trong dự án TMĐT. Ví dụ, họ có thể lập và quản lý các mật khẩu, thiết kế các chức năng giao diện khách hàng, giải quyết các email và điện thoại yêu cầu của khách hàng, thực hiện tiếp thị qua điện thoại.
Quản trị viên hệ thống: là người hiểu về phần cứng và hệ điều hành máy chủ, người chịu trách nhiệm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và an toàn. Nếu bạn thuê của một nhà cung cấp dịch vụ máy chủ thì họ sẽ làm việc này.
Nhân viên vận hành mạng: là người giám sát, kiểm tra hoạt động thường xuyên của hệ thống mạng, phát hiện các lỗi có thể xảy ra, thiết kế và triển khai các công nghệ chống lỗi.
Quản trị viên cơ sở dữ liệu: là người quản lý cơ sở dữ liệu để hỗ trợ các hoạt động giao dịch như: xử lý giao dịch, nhập đơn hàng, quản lý hỏi hàng hoặc vận chuyển hàng
d. Đánh giá kết quả sau triển khai
Sau khi trang TMĐT được khai trương, phần lớn nhân lực của dự án được dồn vào việc duy trì và nâng cao hoạt động của trang. Tuy nhiên ngày càng nhiều công ty nhận ra giá trị của việc đánh giá kết quả sau triển khai. Đó là một bản tổng kết chính thức của dự án sau khi nó hoạt động. Đây là cơ hội giúp các nhà quản lý kiểm tra lại các mục tiêu, các thông số hoạt động, chi phí ước tính và kế hoạch thời gian đã được đặt ra trước kia so với thực tế triển khai. Bản đo lường kết quả này không phải dùng để chỉ trích ai đã làm sai, làm chậm mà để sử dụng cho việc lên kế hoạch trong tương lai, cũng như là kinh nghiệm cho những người tham gia dự án.
Bản đánh giá cần nghiên cứu hoạt động tổng thể của dự án, dự án được quản lý như thế nào, liệu cấu trúc tổ chức có phù hợp với dự án không và kết quả cụ thể của từng thành viên đội dự án. Mỗi phần của báo cáo cần so sánh giữa kết quả thực tế và mục tiêu của dự án. Nhiều công ty đã sửa lại cấu trúc tổ chức quản lý dự án của họ sau khi hoàn thành mỗi dự án dựa trên bản đánh giá này.
Sotaytmdt
 
Ý kiến bạn đọc