Dạo một vòng các website, diễn đàn bán hàng qua mạng hiện nay như Chợ điện tử, Lazada, Én bạc, Vật giá, 5giây... người tiêu dùng (NTD) dễ tìm được những sản phẩm có giá rẻ hơn nhiều so với khi mua tại các cửa hàng, đại lý. Một chiếc Samsung Galaxy Note 3 giá gần 15 triệu đồng ở các siêu thị, được bán với giá chưa tới 5 triệu đồng trên Chợ điện tử.
Nhiều sản phẩm khác như iPhone 5S, HTC One M8, Sony Xperia Z1… cũng được rao bán với giá chỉ bằng 1/3 hoặc một nửa so với hàng chính hãng. Rẻ tới mức, con chuột không dây Magic Mouse của Apple có giá 69 USD trên website của Apple lại được rao bán trên Vật giá... 99.000đ với chú thích hãng sản xuất là Apple và xuất xứ được ghi là “hàng công ty”. Thông tin giới thiệu chủ gian hàng - công ty Nhất Sơn - cho biết đó là một doanh nghiệp “Chuyên hàng chính hãng”.
Lượng thành viên khổng lồ của Facebook giúp trang này trở thành một kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả không kém bất kỳ sàn giao dịch thương mại điện tử nào. Ở đấy, người ta bán giày dép, thiết bị lưu trữ, nước hoa... cũng với đủ loại giá. Trên hai trang Facebook NuocHoaSingarore, nuochoakhuyenmai, khách hàng được giới thiệu các sản phẩm như Chanel Allure Homme Sport với giá chỉ 350.000đ/chai 100ml, Chanel Coco Noir giá 400.000đ/chai 100ml, Polo Black của Ralph Laurent giá 380.000đ/chai 125ml, Dior Hypnotic Poison giá 400.000đ/chai 100ml. Tất cả các sản phẩm kể trên, nếu là sản phẩm chính hãng, không thể có giá dưới 1,8 triệu đồng.
Các loại quần áo, đồng hồ, mắt kính... lại càng khó phân biệt thật giả và càng khó kiểm chứng giá khi người ta có thể gắn lên sản phẩm bất kỳ nhãn hiệu nào.
Lơ mơ trách nhiệm
Hàng Trung Quốc trong mắt NTD Việt nay đã “thất thế”. Người bán hàng cũng biết thế, nên khi giới thiệu với khách hàng thì mọi sản phẩm đều được giới thiệu là “xuất xứ Hồng Kông” để giải thích cho những dòng chữ Hoa trên sản phẩm. Thậm chí nếu trên sản phẩm không có dòng chữ “Made in China” hay “Made in PRC” (People’s Republic of China), người bán còn sẵn sàng khẳng định xuất xứ sản phẩm là ở Singapore, Malaysia.
Thật ra, ở các website bán hàng nước ngoài (đặc biệt là Amazon) vẫn thường xuyên có chương trình giảm giá, khuyến mãi - các chủ shop online ồ ạt trữ hàng. Nhưng lượng sản phẩm trong mùa khuyến mãi ấy chắc chắn sẽ không bao giờ nhiều đến mức NTD Việt mở mạng là gặp đồ hiệu giá rẻ.
Trong vai người bán hàng, chúng tôi liên hệ với sàn Vật giá và được biết, bất cứ ai cũng có thể đăng ký bán hàng và bán bất kỳ món hàng nào. Kể cả khi đăng ký một “gian hàng chuyên nghiệp”, ngoài việc phải đóng khoản phí từ 500.000đ - một triệu đồng và được đơn vị này tạo một giao diện bán hàng riêng, được đăng quảng cáo... thì chẳng ai kiểm soát những món sẽ bán.
Đáng chú ý là ngay trong phần Chính sách và quy định, mục đầu tiên, đơn vị này đã loại bỏ mọi trách nhiệm của mình khi tuyên bố tất cả các giao dịch mua hàng hóa, thông tin, sử dụng dịch vụ sẽ được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán; Vật giá sẽ không chịu trách nhiệm gì về tranh chấp xảy ra giữa các bên. Tương tự, khi chúng tôi gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Lazada, câu trả lời nhận được là Lazada chỉ cho thuê gian hàng online, việc mua bán, bảo hành đều do bên thuê đảm nhận.
Trường hợp khách hàng gặp may, mua được sản phẩm thật thì cũng chưa chắc mua được hàng giá rẻ bởi hầu hết các sản phẩm được bán đều là hàng trôi nổi hoặc xách tay và không được bảo hành chính hãng. Các sản phẩm bán trên sàn thường được ghi chú thời hạn bảo hành từ 3 tháng đến 12 tháng so với hạn bảo hành thông thường là 12 - 24 tháng.
Song ngay cả trong trường hợp NTD được bảo hành thì sự bảo hành cũng chỉ tại nơi bán, tức chính phía người bán sẽ sửa chữa chứ không phải tại trung tâm bảo hành của hãng. Mặt khác, thời gian bảo hành 12 tháng thường chỉ áp dụng đối với phần mềm của sản phẩm, còn phần cứng thì khoảng ba tháng.
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Giám đốc một đơn vị cho thuê gian hàng nói: “Chúng tôi chỉ “xây chợ”, “cho thuê sạp” và đảm bảo việc thanh toán an toàn. Còn về chất lượng hàng hóa thì người mua phải tìm hiểu, kiểm tra trước khi mua”.
Về phía cơ quan chức năng, một cán bộ thuộc Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết, vấn đề kiểm tra, kiểm soát hàng “xách tay” trên các sàn giao dịch phải chờ thông tư hướng dẫn. Phóng viên đã liên hệ với ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin để trao đổi về biện pháp quản lý loại hàng này, song sau hơn một tuần gửi câu hỏi qua email (theo yêu cầu của ông Linh), chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Cuối cùng thì NTD phải tự bảo vệ mình: luôn tra cứu thông tin sản phẩm từ các nguồn khác nhau, đối chiếu với sản phẩm gốc trên web chính thức của nhà sản xuất, kiểm tra cẩn thận sản phẩm hoặc nhờ người có chuyên môn kiểm tra giúp. Bên cạnh đó, cần yêu cầu người bán cam kết về chế độ bảo hành, đổi, trả... Một mẹo nhỏ khác là sử dụng Google tìm thông tin của người bán, xem lịch sử giao dịch của họ cũng như phản ảnh của các khách hàng trước khi quyết định mua hàng.