Tin tức
Thương mại điện tử theo mô hình B2B - Quy trình hoạt động
29/07/2016
Thương mại điện tử B2B là quá trình thực hiện việc mua và bán trực tuyến trên mạng giữa các công ty với nhau”. Ngoài việc mua và bán, thương mại điện tử B2B còn có nhiều hoạt động khác giữa các công ty với nhau trong đó có việc quản lý dây chuyền cung ứng, từ nhà cung cấp đến công ty và từ công ty tới khách hàng.
Xét về hoạt động chức năng, mô hình thương mại điện tử B2B được chia thành hai loại liên quan đến hoạt động kinh doanh của các công ty tham gia:
1. Các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ của các công ty thông qua mô hình Internet với hai phần riêng biệt:
- Mua nguyên liệu thô hay các thành phần khác của sản phẩm từ các công ty đối tác để phục vụ sản xuất. (B2B)
- Bán các thành phẩm cho các nhà bán buôn và bán lẻ hay bán trực tiếp tới người
tiêu dùng. (B2B + B2C)
2. Cung cấp dịch vụ cơ bản cho giao dịch TMĐT như tài chính, hệ thống đặt hàng và thanh toán, bảo mật hệ thống, thuê chỗ đặt web, vận chuyển và giao nhận etc.
Điểm chính trong cả hai loại hình thương mại điện tử B2B kể trên là tất cả các giao dịch đều được tiến hành qua hệ thống mạng tích hợp, bao gồm cả hệ thống mạng nội bộ và hệ thống mạng liên kết lập giữa công ty và các đối tác để trao đổi thông tin kinh doanh.
Ngoài ra các giao dịch được tiến hành trong mô hình B2B còn yêu cầu sử dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử (EDI - Electronic Data Interchange) để thiết lập kênh thông tin giao dịch giữa các đối tác.
Những điểm khác biệt chính giữa B2C và B2B
Ngoài sự khác biệt hết sức rõ ràng về loại khách hàng của hai mô hình B2B và B2C: khách hàng là công ty và khách hàng là cá nhân, còn có vài sự khác biệt lớn nữa đó là:
Quá trình đàm phán: Trong thương mại điện tử B2B, bán hàng cho một doanh nghiệp khác bao gồm cả việc đàm phán giá cả, các điều kiện giao hàng, yêu cầu về đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, và hoàn toàn không đơn giản như việc bán hàng cho người tiêu dùng. Điều này giải thích tại sao các công ty bán lẻ có thể đưa catalog sản phẩm lên mạng trực tuyến dễ dàng hơn so với các công ty triển khai B2B. Đó cũng chính là lý do tại sao những ứng dụng B2B đầu tiên thường chỉ áp dụng cho quá trình mua bán hàng hoá mà khâu mô tả và định giá là tương đối đơn giản.
Trong khi Trọng tâm của TMĐT B2C chú trọng tới việc tiếp thị trên mạng và các dịch vụ đi kèm thì B2B chú trọng tới giao dịch và hoạt động của các đối tác tham gia. Tổng kết cho thấy giao dịch thương mại trong mô hình B2B thường lớn hơn từ 6 đến 20 lần trong mô hình B2C. Với số lượng giao dịch lớn như trên, lợi nhuận của từng đơn vị sản phẩm là nhỏ nhưng được mua bán với số lượng rất lớn. Sản phẩm được giao dịch là những sản phẩm cụ thể trong từng ngành nghề rõ ràng.
Điểm khác biệt thứ ba là quá trình Chuẩn bị, Đáp ứng và Tích hợp trong mô hình B2B. Các công ty tham gia vào thị trường B2B phải có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, hiểu biết sâu sắc về phương thức kinh doanh và thị trường mà họ tham gia. Ngoài ra công ty cần tích hợp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho sản xuất kinh doanh với các công ty cung cấp các ứng dụng và dịch vụ phụ trợ liên quan.
Trong mô hình B2B phần lớn các công ty bán hàng cho các doanh nghiệp đều phải tiến hành tích hợp hệ thống của mình với hệ thống của doanh nghiệp đối tác vì hệ thống của họ phải có khả nǎng giao kết với hệ thống của khách hàng mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người. Với General Electric, sự tích hợp giữa hệ thống máy tính của công ty và các đối tác thông qua các ứng dụng liên quan đến việc quản lý dây chuyền cung ứng (Supply Chain Management - SCM), quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management - CRM) và kế hoạch hóa nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resources Planning - ERP) là vô cùng quan trọng giúp cho GE giảm được giá thành sản phẩm trong khi có thể tăng lợi nhuận, quản lý dây chuyền sản xuất tốt hơn
Những lợi ích của B2B
Nhìn tổng quan TMĐT B2B có thể giúp cho doanh nghiệp:
• Quản lý hệ thống cung cấp hàng hoá hiệu quả hơn: thông qua mạng lưới tích hợp giữa doanh nghiệp và mạng lưới cung cấp sẽ giảm thời gian và chi phí giao dịch.
• Điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng nhanh chóng hơn: khi doanh nghiệp kết nối với đối tác mua sản phẩm và dịch vụ thì các yêu cầu của đối tác sẽ được doanh nghiệp nhanh chóng tiếp nhận và điều chỉnh đáp ứng khách hàng.
• Đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh hơn: xét về đầu ra thì TMĐT B2B giúp doanh nghiệp cắt giảm các khâu phân phối trung gian để tiếp cận đến nhà bản lẻ tại thị trường khu vực. Vì vậy thời gian đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.
• Giảm chi phí đi lại giao dịch: với các công cụ như thư điện tử, hệ thống mạng tích hợp, trao đổi dữ liệu điện tử, …. sẽ giúp các doanh nghiệp giảm các chuyến đi gặp gỡ giao dịch.
• Giảm chi phí thu mua đầu vào: thông qua giao dịch B2B, doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp tốt hơn với giá thành đầu vào rẻ hơn.
• Giảm chi phí tiếp thị và phân phối: ví dụ khi một doanh nghiệp sản xuất đưa bộ giới thiệu sản phẩm lên mạng Internet, doanh nghiệp này có thể tiếp cận đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên thế giới và thu hẹp các bước phân phối truyền thống để tiếp cận nhà bán lẻ ngay.
Các mô hình hoạt động B2B
Internet phát triển mạnh mẽ trong những năm giữa thập kỷ 90 là động lực cho các mô hình kinh doanh điện tử nở rộ. Khởi đầu là các trung tâm thông tin điện tử (Information Electronic Hub), nơi các ngành công nghiệp cung cấp thông tin thị trường như dự báo chiến lược phát triển, nghiên cứu, báo cáo hay các tạp chí chuyên ngành về kinh doanh thương mại. Tiếp theo là các dịch vụ kinh doanh tích hợp thêm như: sàn đấu giá điện tử hoặc sàn giao dịch (e-marketplace) hoạt động trên nền tảng Internet. Quá trình bổ xung và tích hợp dịch vụ trên đều biến các trung tâm thông tin điện tử thành các trung tâm giao dịch hay sàn giao dịch TMĐT. Mô hình này hoạt động như điểm tiếp xúc cho các bên tham gia vào giao dịch hay cung cấp môi trường cho các giao dịch thương mại điện tử giữa thành viên của các ngành công nghiệp. Các trung tâm giao dịch hoạt động theo phương thức trên thường chỉ phục vụ cho một ngành công nghiệp riêng rẽ. Ví dụ điển hình cho các cổng giao dịch điển tử loại này là www.chemconnect.com. Trang web này chuyên cung cấp các dịch vụ và giao dịch cho các thành viên của ngành công nghiệp hóa chất. Sau đó các trung tâm giao dịch điện tử cung cấp các giao dịch và dịch vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau đã ra đời. Ví dụ điển hình cho loại hình kinh doanh này là www.mro.com. Trang web này cung cấp các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phục vụ cho cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, dựa trên các đặc thù riêng của từng ngành. Đây chính là cơ sở cho sự phát triển của các chợ ảo hay sàn giao dịch TMĐT hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau sau này.
Sàn giao dịch TMĐT B2B
Về cơ bản, sàn giao dịch TMĐT B2B (B2B e-marketplace) là một website mà ở đó
nhiều công ty có thể mua bán hàng hoá trên cơ sở sử dụng chung một nền tảng công nghệ.
Sàn giao dịch B2B còn cung cấp những dịch vụ hỗ trợ như thanh toán hay vận chuyển, giao nhận để các công ty có thể hoàn thành giao dịch. Ngoài ra sàn giao dịch cũng có thể hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp như cung cấp những thông tin về các lĩnh vực ngành nghề, tạo các diễn đàn trực tuyến và cung cấp các bản nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu của khách hàng cũng như các dự báo công nghiệp đối với các mặt hàng cụ thể.
Tại sao nên có sàn giao dịch điện tử?
Câu trả lời chính xác cho vấn đề này thuộc về lĩnh vực kinh doanh. Trong xu thế
toàn cầu hóa thương mại, việc quy tụ, sáp nhập, liên kết lại với nhau để cùng phát triển là chuyện cần phải làm, do đó trong kinh doanh thương mại trên internet cũng như vậy. Một công ty nếu đứng độc lập để quảng bá, chào hàng, tìm kiếm đối tác, giao dịch trên Internet sẽ gặp khó khăn về kinh phí và chuyên môn. Sàn giao dịch TMĐT B2B là nơi quy tụ một cộng đồng các doanh nghiệp sẽ giúp mỗi công ty thuận lợi hơn khi triển khai TMĐT.
Một lý do khác chính vì sự bùng nổ website trên thế giới và thông tin phong phú trên internet nhiều khi khiến người dùng thiếu kinh nghiệm đi lạc hàng giờ, hàng ngày liền mà không thể tìm thấy những gì cần tìm. Đây là một trong những nguyên nhân cho sự ra đời của các cổng thông tin điện tử và sàn giao dịch điện tử.
Trong thương mại truyền thống, các công ty phải thực hiện yêu cầu chào mua, chào bán trên tivi, báo đài, hoặc gửi fax cho các công ty khác. Chi phí lớn là một rào cản khi thực hiện các biện pháp marketing này. Sự phát triển của Internet đã giải quyết căn bản vấn đề này, tạo điều kiện cho các công ty nhỏ và vừa có thể góp mặt cùng với các “đại gia” trên thị trường. Câu chuyện về sự thành công của Alibaba.com dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiệu quả của sàn giao dịch điện tử.
Câu chuyện thành công của Alibaba.com
Được đánh giá như một địa chỉ “môi giới hôn nhân” trong lĩnh vực thương mại, mạng Alibaba.com là một trong những mạng thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay.
“Aliaba thành công nhờ nối kết các công ty tiến tới các cuộc hôn nhân thương mại”, theo như cách nhận xét của Stephen McKay, giám đốc thương mại điện tử, công ty tư vấn Adersen Cosulting ở Hồng Kông.
Lúc ban đầu Alibaba chỉ là công ty Internet nhỏ, trụ sở chính đặt tại Trung Quốc. Nhưng sau đó, trong khi các công ty dot.com vẫn lao đao và chưa tìm lối thoát cho mình trong cuộc khủng hoảng dot.com thì Alibaba đã nhanh chóng phát triển thành hệ thống mạng điện tử rất thành công. Alibaba.com kết nối hàng nghìn công ty nhỏ và vừa ở khắp mọi nơi trên thế giới, giúp họ bán được hàng hoá từ thiết bị công nghiệp nặng đến quần áo, giày dép thời trang, máy vi tính, thiết bị điện gia dụng, đồ chơi,…cho các tập đoàn lớn như Kmart, Toys “R” Us, Hoem Depot, Tandy Radio Shack hay Texas Instrument.
Giờ đây, với Alibaba.com, ngồi trong văn phòng của mình tại London, Paris hay
NewYork, một giám đốc công ty đã đăng ký làm thành viên Alibaba.com có thể sử dụng máy vi tính truy nhập vào mạng Alibaba để thực hiện một cuộc “viếng thăm ảo” cơ sở sản xuất của nhiều công ty nhỏ và vừa rải rác khắp châu Á. Qua màn hình, vị giám đốc ấy có thể xem xét mẫu mã nhiều loại mặt hàng, giá cả, thủ tục thanh toán, xuất cảng và thời gian vận chuyển. Bớt tốn kém chi phí đi lại, ăn ở tại khách sạn và đỡ tốn công sức lẫn thời gian mà hiệu quả nhanh, đó là một trong những lợị thế mà Alibaba mang lại cho khách hàng của mình.
Với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 12 triệu USD và hệ thống được xây dựng trên database do Oracle thiết kế, phát triển và được truyền đi qua một server Sun Microsystem đặt tại Singapore, năm 2004 tổng doanh thu của Alibaba là 2,1 tỷ USD trong đó có 780 triệu USD đến từ nguồn Alibaba thương mại điện tử.
(Theo BwPortal.com/Tokyo Times)
Những đặc điểm của sàn giao dịch
Về cơ bản, các đặc điểm chính của sàn giao dịch (e-marketplace) có thể được tóm
lược lại bằng bốn ý chính dưới đây.
- Địa điểm để người mua và bán trên khắp thế giới gặp nhau
- Tập trung các mối quan hệ giữa cá nhân, tổ chức và chính phủ
- Là nền tảng cho các hoạt động thương mại, bản thân e-marketplace không mua
bán hàng hoá, dịch vụ mà chỉ những người tham gia thực hiện các giao dịch tại đây
- Có ít nhất một trong các chức năng thương mại
Những đặc điểm trên cũng là những yếu tố chính để phân biệt sàn giao dịch với các
website khác bổ xung thêm các yếu tố sau:
- Chỉ cung cấp thông tin thị trường hay cung cấp danh mục các công ty
- Là website của một công ty lập ra để bán các sản phẩm của công ty đó
- Chỉ cung cấp các giải pháp về Thương mại điện tử
Hiện tại có các mô hình sàn giao dịch B2B đang được sử dụng
Hiện nay có ba mô hình sàn giao dịch B2B phổ biến là:
• Sàn giao dịch B2B của một công ty: là một sàn giao dịch B2B trực tuyến do một
công ty điều hành. Đây có thể là sàn dành cho bên mua hoặc cho bên bán giao dịch
với một công ty, trong đó:
Sàn giao dịch dành cho bên bán là nơi một công ty bán các sản phẩm tiêu chuẩn
hoặc sản phẩm thiết kế riêng cho các công ty khác.
Sàn giao dịch cho bên mua là nơi một công ty mua hàng từ các nhà cung cấp.
• Sàn giao dịch chuyên ngành (ví dụ Boeing và Hàng không toàn cầu) là nơi các
công ty lớn tạo ra một sàn giao dịch cho một ngành hàng nào đó để tạo lên một
mạng lưới cung cấp.
• Sàn giao dịch B2B tự do: là một thị trường dành cho doanh nghiệp, thường do một
đơn vị độc lập sở hữu và quản lý. Sàn giao dịch này bao gồm nhiều người mua và
nhiều người bán.
Sàn giao dịch điện tử là hình thức kinh doanh hứa hẹn nhiều triển vọng, với phương thức giao dịch giống như thị trường chứng khoán NASDAQ hay CBOT. Sàn giao dịch điện tử là những nơi bạn có thể tiến hành việc thoả thuận giá cả, các điều kiện mua hàng, hoặc mua trước hàng mẫu (sample).
Dịch vụ của các sàn giao dịch TMĐT bao gồm: danh bạ các doanh nghiệp, các bộ
catalogue sản phẩm trực tuyến, các dịch vụ thương mại và giao dịch. Do vậy các chức năng thường có của sàn giao dịch TMĐT là: đấu giá, catalogue, quảng cáo, đặt hàng trực tuyến, hỏi hàng, hỏi giá, danh bạ nhà cung cấp, tích hợp hệ thống và các dịch vụ mời thầu. Catalog tự động hoá là hình thức phổ biến nhất của sàn giao dịch điện tử vì đây vừa là phương thức vừa hữu ích vừa mạo hiểm đối với khả năng thu lợi nhuận của các công ty tham gia. Từ góc độ của người mua, đây là một giải pháp tuyệt vời. Chỉ cần một vài cái nhấn chuột, người mua có thể tìm thấy danh sách nhiều nhà cung cấp để chọn lựa cho mình sản phẩm có mức giá thích hợp nhất cũng như những điều kiện thuận tiện nhất cho bất kỳ thứ gì mà họ cần mua. Trước đây, giá cả được ghi trong các catalog dày hàng nghìn trang, và việc so sánh giá cả của từng cửa hàng đã gây rất nhiều phiền toái cho khách hàng do tốn quá nhiều thời gian. Nhưng ngày nay, bạn có thể tìm kiếm được cùng một lúc hàng tá các nhà cung cấp ngay trong chốc lát thông qua các tiện ích được các sàn giao dịch điện tử cung cấp, tiết kiệm được thời gian và tối ưu hoá quá trình thu mua.
Câu chuyện về sự thành công của Grainger.com có trụ sở ở Lake Forest, Illinois, là một công ty chuyên về bảo trì, sửa chữa và cung cấp dịch vụ vận hành là một trong những ví dụ đáng quan tâm. Grainger.com là một nhà phân phối trực tuyến chuyên về những sản phẩm dùng cho bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành (MRO). Mô hình kinh doanh của công ty vừa có những yếu tố của thương mại điện tử song phương vừa có những yếu tố của thương mại trên thị trường B2B. Trong một cuốn catalog dày tới 4.000 trang vốn được coi là cuốn "kinh thánh" của ngành MRO ở Mỹ, W.W.Grainger, công ty mẹ của Grainger.com đã liệt kê tới 80.000 sản phẩm. Tuy nhiên, trang Web Grainger.com hoạt động suốt 24/24 giờ lại trình bày được tới những 200.000 mặt hàng dưới dạng dễ tìm kiếm. 1/4 số đơn đặt hàng mà trang Web này nhận được là vào sau giờ làm việc thông thường. Một khách hàng có thể là một thợ bảo trì đang tìm kiếm gấp một bộ phụ tùng thay thế thông thường với giá rẻ nhất. Trên trang Grainger.com, người thợ máy đó có thể so sánh các đơn chào hàng, giá cả và thời hạn giao hàng của nhiều nhà cung cấp khác nhau; trang Web này có thể hoàn thành bất kỳ một đơn đặt hàng nào trong vòng 24 giờ nhờ có cơ sở hạ tầng sẵn có của công ty mẹ. Hơn nữa, giống như bất kỳ một nhà phân phối nào khác, Grainger giúp người mua và người bán không phải mất công tự so sánh và sắp xếp và những đơn đặt hàng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Với tổng doanh thu năm 1999 tăng 17% so với năm trước đó, danh tiếng của W.W.Grainger đã nổi như cồn. Để đưa ra giá cả thấp nhưng đồng thời cũng cung cấp được dịch vụ với chất lượng cao, các nhà phân phối trực tuyến có thể kết hợp nhiều đặc trưng của 2 mô hình khác với nhau. Mặc dù chuyên về lĩnh vực phục vụ những khách hàng mà đơn đặt hàng có tầm vóc quá nhỏ so với mối quan hệ song phương đã được thiết lập, những người bán hàng có thể thực hiện công việc của mình một cách rất tiết kiệm bởi lợi nhuận của họ được tạo ra từ những món tiền lãi trên các dịch vụ mà họ thực hiện.
Trong khu vực này, những nhà phân phối trực tuyến không phải lo ngại gì về sự cạnh tranh từ thị trường B2B, nơi mà hoạt động phụ thuộc vào việc thu một số lượng rất lớn những khoản phí giao dịch nhỏ lẻ.
(Theo www.chungta.com)
Ảnh hưởng của các sàn giao dịch điện tử B2B đối với các bên tham gia vào giao
dịch Sàn giao dịch điện tử sẽ rất tốt khi bạn là người mua, còn nếu bạn là người bán, thị trường này có thể là một nơi ẩn chứa sự cạnh tranh rất mạnh. Bởi vì ở đó việc tìm ra các thương vụ tốt hơn hoặc thay đổi nhà cung cấp là quá dễ dàng, vì thế sự trung thành của khách hàng cũng rất khó kiểm soát. Thị trường kinh doanh điện tử đã tạo ra một sân chơi nơi các nhà cung cấp nhỏ có thể cạnh tranh tốt với những công ty lớn. Tuy nhiên, không phải mọi người bán đều muốn có sự bình đẳng của sân chơi. Tham gia vào sân chơi này, các nhà cung cấp nhỏ có thể có thể tăng được số lượng sản phẩm nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ phải cạnh tranh khốc liệt về mặt giá cả. Vì danh mục mặt hàng của các công ty đều có tính khả thi như nhau, nên giá cả có xu hướng bị đẩy xuống mức thấp nhất. Chính vì thế, lợi nhuận ròng thường thấp và các nhà cung cấp nhỏ vẫn không thể tồn tại được.
Thị trường kinh doanh điện tử buộc bạn phải cạnh tranh và cạnh tranh một cách có hiệu quả để phát triển.
Theo báo cáo của Hãng nghiên cứu Forrester Research: “Mạng kinh doanh điện tử sẽ cuốn trôi những người chơi không có khả năng và loại bỏ họ, chẳng hạn những nhà đại lý không có khả năng phản hồi thông tin của khách hàng ngược trở lại cho nhà sản xuất. Để phát triển, các công ty sẽ cần phải xuất sắc để đạt được mục tiêu kinh doanh cốt lõi và hoạt động kinh doanh phải luôn đạt hiệu quả cao”. Hiện nay, thị trường điện tử đang tạo ra một rào cản ngày càng lớn, buộc chất lượng kinh doanh phải ngày càng được cải thiện nếu không bạn phải chịu thất bại một cách nhanh chóng.
Sotaytmdt
 
Ý kiến bạn đọc