Công nghiệp chế biến
Dệt may tăng thị phần ở các thị trường xuất khẩu
28/07/2013

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt và đã dần khẳng định được sự cạnh tranh khi thị phần dần lớn lên ở các thị trường chủ lực.

Ngày 9-7, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức họp báo sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm 2013. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD tăng 14,5% so với 6 tháng đầu năm 2012. Các thị trường xuất khẩu chính đều có mức tăng đáng kể.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 3,94 tỷ USD chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, còn thị trường Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5% kim ngạch xuất khẩu, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với khối EU, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 1,29 tỷ USD. Theo nhận định của vị lãnh đạo Vinatex, nếu sự hồi phục kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng được cải thiện thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ giữ được mức tăng trưởng trên 18%.

Cùng thời điểm này, thị trường Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD.

Riêng Vinatex, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 1,281 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2012, bằng 50% kế hoạch cả năm. Doanh thu ước đạt 20.227 tỷ đồng, tăng 11%, doanh thu nội địa ước đạt 10.079 tỷ đồng, tăng 11%.

Theo phân tích của ông Trường, nếu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dệt may của thị trường Mỹ chỉ đạt 3% thì tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 12%. Trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của thị trường EU là 8,5% thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 14,7%, còn ở thị trường Nhật Bản tỷ lệ này tương ứng 9,8% và 12,5%. "Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường chính đều cao hơn rất nhiều so với nhập khẩu của họ chứng tỏ chúng ta đã khẳng định được sức cạnh tranh", ông Trường nói.

Hơn nữa, thị phần hàng dệt may Việt Nam đều có tiến bộ theo hàng năm. Ví dụ như tại thị trường Mỹ, trong 51 tỷ USD nhập khẩu dệt may của Mỹ, chúng ta có 3,9 tỷ USD, chiếm gần 7,8% thị phần (con số này của năm 2012 là 6,8%).

Ông Trường cho biết thêm, khi chưa có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dệt may Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất tốt. Nếu TPP sớm được ký kết thì xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ có thêm "cú hích" để bật mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ TPP, cần phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu trong đó một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia vào TPP.

Ý kiến bạn đọc