Công nghiệp chế biến
Nhiều thị trường xuất khẩu gỗ có dấu hiệu phục hồi
29/07/2013

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 2,46 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012, tăng mạnh nhất là thị trường Mỹ, Nhật và Trung Quốc.

Ông Đặng Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) - phân tích: 6 tháng đầu năm, sản phẩm gỗ đã có dấu hiệu phục hồi ở thị trường Mỹ và hy vọng tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm, riêng thị trường Mỹ có thể đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2013. Thị trường Nhật cũng có dấu hiệu phục hồi tốt.

Riêng thị trường Trung Quốc, dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu cũng tăng mạnh do đồ gỗ Việt Nam đang có giá cạnh tranh hơn trước nhờ vào phí vận chuyển giảm. Hiện chi phí 1 container đến Thượng Hải chỉ còn 80 USD (trước tới 800 USD) vì tàu hàng Trung Quốc tăng chuyển hàng sang Việt Nam nên chuyến về nhận chở hàng giá thấp. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc thường nhập sản phẩm có giá trị thấp, chủ yếu là dăm gỗ. Dự báo Trung Quốc sẽ nhập khoảng 800 triệu USD dăm gỗ trong năm 2013.

Với thị trường EU, ông Nguyễn Tôn Quyền- Tổng Thư ký - Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) - cho biết, các đơn hàng đồ gỗ ngoài trời sẽ tiếp tục giảm. Dù vậy, Luật Fleght có hiệu lực từ tháng 3/2013 sẽ không gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp (DN) gỗ nội thất do việc chứng minh gỗ có nguồn gốc hợp pháp đã quen thuộc. Nhưng để hỗ trợ các hội viên đang có hàng xuất khẩu vào thị trường EU, trong tháng 7, HAWA phối hợp với Tổ chức TFT thực hiện dự án đào tạo trực tiếp tại các DN quy trình giải trình, chứng minh nguồn gốc gỗ CoC-FSC.

Hawa cho biết, hầu hết các DN chế biến gỗ vẫn tiếp tục gặp không ít khó khăn do phí đầu vào tăng (xăng, vận chuyển, nguyên liệu đầu vào...) khiến giá thành sản phẩm tăng, trong khi giá bán tăng không tương xứng, dẫn đến nhiều DN sẽ lỗ, thậm chí phải ngừng hoạt động. Biến động đầu vào đã khiến nhiều DN dù có ký hợp đồng với khách hàng trị giá sản phẩm giao động 5% vẫn ngán ngại sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, những DN lớn trang bị được máy móc, thiết bị hiện đại vẫn có thể sản xuất do giảm được phí nhân công.

Tuy khó khăn, song nhiều DN vẫn nỗ lực trong xuất khẩu năm 2013. Ông Trần Văn Đá- Giám đốc Công ty CP chế biến gỗ Thuận An - cho hay, năm 2013, công ty sẽ ưu tiên sản xuất hàng xuất khẩu, tăng cường tìm kiếm khách hàng mới, đa dạng hóa nguyên liệu sản xuất để đáp ứng nhu cầu... Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng lạc quan: Những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật đang trên đà phục hồi.

Để hỗ trợ DN vượt khó các tháng cuối năm, theo các DN, Chính phủ nên hỗ trợ hơn nữa về lãi vay để đổi mới, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ do hiện nay có rất nhiều thiết bị, công nghệ được bán rẻ từ EU nhưng vì lãi vay ngân hàng còn cao nên DN chưa mạnh dạn đầu tư. Mặt khác, với tiêu chí DN báo cáo lỗ, có nợ quá hạn không được hỗ trợ tiếp trong vay vốn từ các tổ chức tín dụng đang khiến DN thật sự khó khăn về vốn.

Chính phủ cũng nên xem lại tiền thuê đất. Vì nếu tăng tiền thuê đất theo quy định mới thì DN rất khó khăn do giá trị đất tăng nhưng giá trị sản xuất trên mảnh đất đó không thể tăng. Giá thuê đất rẻ sẽ khiến các nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư ban đầu để tập trung đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại.

Ý kiến bạn đọc