Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu điện thoại giảm, kéo xuất khẩu tháng 9 giảm mạnh
27/10/2016
Xuất khẩu cả điện thoại di động và linh kiện, dệt may, cà phê đều giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 9/2016 giảm khá mạnh. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tháng 9/2016, ước kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD, giảm 6,8%, tương đương giảm 1,1 tỷ USD so với tháng 8.



Nguyên nhân là do, trong tháng này, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm. Chẳng hạn, điện thoại và linh kiện giảm 17,4% (tương đương 506 triệu USD); giày dép giảm 18,2% (200 triệu USD); dệt may giảm 7,1% (175 triệu USD); cà phê giảm 21,4% về lượng và 19,5% về trị giá, tương đương 33.000 và 57 triệu USD…

Thậm chí, Tổng cục Thống kê cho rằng, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 giảm so với tháng trước là do trong tháng 8, Samsung có ra mắt sản phẩm Galaxy Note7 nên kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng mạnh. Tuy nhiên, do sản phẩm bị lỗi pin nên trong tháng 9, Samsung phải thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố, do vậy, kim ngạch xuất khẩu đã bị ảnh hưởng.

Tính chung, 9 tháng qua, cả nước xuất khẩu ước đạt 128 tỷ USD, tăng 6,7% (8,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, khu vực đầu tư trong nước ước đạt 37 tỷ USD tăng 5,0% (1,8 tỷ USD); khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 91,1 tỷ USD tăng 7,4% (6,3 tỷ USD). Như vậy, ở cả hai khu vực kinh tế này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều còn cách khá xa mục tiêu điều hành (tăng 10%).

Trong 9 tháng đầu năm, một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô xuất khẩu giảm. Chẳng hạn, gạo giảm 16,3% về lượng và 12,4% về trị giá, tương đương 735.000 tấn và 235 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 11,4% về lượng và 24,8% về trị giá, tương đương 364.000 tấn 251 triệu USD; dầu thô giảm 25% về lượng và 43,3% về trị giá, tương đương 1,7 triệu tấn và 1,3 tỷ USD - do giá bình quân xuất khẩu giảm 31,5%.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay tăng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu bình quân giảm 3,14%, trong đó nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 5,8%, nhóm hàng nhiên liệu tới 29,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 10,2% so với cùng kỳ 2015 thay vì chỉ là 6,7%.

Trong khi đó, cũng theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% (1,7 tỷ USD).

Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 74 tỷ USD, tăng 0,9% (626 triệu USD), khu vực đầu tư trong nước đạt 51,4 tỷ USD, tăng 2% (1 tỷ USD).

Như vậy, tính đến hết tháng 9/2016, cả nước ước xuất siêu 2,7 tỷ USD. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu cao với 14,4 tỷ USD.

“Tuy nhập siêu của khu vực trong nước vẫn ở mức cao, nhưng xuất khẩu của khu vực này đã có xu hướng tích cực hơn, tăng nhẹ với 5,0% trong khi cùng kỳ 2015 giảm 3,3%. Ngoài ra, nhập khẩu đã tăng trở lại so với cùng kỳ cho thấy sản xuất tiếp tục có dấu hiệu phục hồi”, Tổng cục Thống kê nhận xét.

Nguồn: Báo Đầu Tư
Ý kiến bạn đọc