Hiện Hàn Quốc, Nhật Bản và EU vẫn là 3 nước nhập khẩu hàng đầu mực, bạch tuộc từ Việt Nam.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cả 3 thị trường này là đều tăng trưởng nhập khẩu trong các tháng gần đây. Nếu như trong 6 tháng đầu năm nay, cả Nhật Bản và EU đều giảm nhập khẩu thì đến 10 tháng đầu nhập khẩu của 2 thị trường này đã tăng trưởng dương.
Hàn Quốc vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu số 1 đối với mực, bạch tuộc của Việt Nam với giá trị tháng 10/2016 đạt 18,08 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015, lũy kế 10 tháng đạt 128,8 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản trong tháng 10 đạt 9,2 triệu USD, lũy kế 10 tháng đạt 85,2 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Nhật Bản hiện chiếm 24,9% tỷ trọng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. EU hiện nhập khẩu đứng thứ 3, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Xuất khẩu sang ASEAN trong tháng 10 đạt giá trị 5,1 triệu USD, tăng 5,8%, lũy kế 10 tháng đạt 40,5 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015. ASEAN vẫn là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 nhưng tỷ trọng trong 10 tháng đã giảm so với tỷ trọng trong 6 tháng đầu năm nay, từ 13% tỷ trọng trong 6 tháng đầu năm đã giảm xuống còn 11,8% tỷ trọng trong 10 tháng đầu năm nay.
Tính đến nay tỷ lệ mực xuất khẩu vẫn nhiều hơn so với mặt hàng bạch tuộc. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực đạt giá trị 198,4 triệu USD, chiếm 58,04% tổng giá trị xuất khẩu, xuất khẩu bạch tuộc đạt giá trị 143,4 triệu USD, chiếm 41,9% tổng giá trị xuất khẩu.
Trong nhóm hàng mực thì mực sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) có giá trị đạt cao nhất 115,5 triệu USD, tiếp đến là mặt hàng mực khô, nướng, (thuộc mã HS03) đạt 70,9 triệu USD và cuối cùng là mặt hàng mực chế biến khác (thuộc mã HS16) đạt 12,05 triệu USD.
Đối với nhóm hàng bạch tuộc thì bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) đạt giá trị 113,6 triệu USD, tiếp đến là bạch tuộc chế biến (thuộc mã HS16) đạt 29,8 triệu USD.
Nguồn: Doanh Nghiệp Việt Nam