Nông, lâm thủy sản
Nhiều lo ngại cho xuất khẩu cá ngừ
15/07/2014

Là nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất trong các nhóm hải sản xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang ngày càng sụt giảm mặc cho các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường.

5 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất sang được 86 thị trường, thêm 16 thị trường mới so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam giảm tới hơn 19% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 203,8 triệu USD.

Xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và ASEAN suốt từ cuối năm 2013 tới nay vẫn đang rất ảm đạm. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản và ASEAN giảm liên tục từ đầu năm 2014. Hiện tại, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ và ASEAN vẫn tiếp tục giảm qua các tháng, lần lượt là 26,5% và 29,5%. Còn tại thị trường Nhật Bản, mặc dù bước vào quý 2, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam của từng tháng so với cùng kỳ năm ngoái đã có sự tăng trưởng tuy nhiên vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm từ đầu năm nên tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang đây vẫn giảm hơn 60%.

Thị trường EU mặc dù vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng, nhưng sau 5 tháng 2014 tốc độ tăng trưởng đang ở mức rất thấp, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này khiến cho triển vọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam từ giờ tới cuối năm rất đáng lo ngại.

Theo các doanh nghiệp, các nguồn cá ngừ có chất lượng cao để sản xuất các mặt hàng sashimi đã có sự tăng đột biến trong năm 2012, khiến các nhà nhập khẩu bán hàng tồn kho, đẩy giá xuống thấp nên sức mua giảm xuống và năm 2013 lượng hàng tồn kho trước đó đã được tiêu thụ hết. Dự kiến năm 2014, nhu cầu nguồn cá này sẽ tăng trở lại. Cùng với đó, khối lượng khai thác cá ngừ vằn ở cả 3 ngư trường lớn trên thế giới đều tăng, dự kiến nguồn cá ngừ để xuất khẩu dưới dạng đông lạnh & đóng hộp cũng sẽ tăng trong năm 2014.

Tuy nhiên, những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm chủ yếu là do ngành hàng này đang chịu nhiều khó khăn và vướng mắc.

Cụ thể, về khai thác, các thị trường nhập khẩu lớn đang ngày càng quan tấm tới vấn đề IUU. Đây là vấn đề nổi cộm trong bối cảnh hiện nay, vì chứng từ IUU buộc phải có nhưng ‘thủ tục hành chính” của các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hoạt động này còn nhiều bất cập & tiềm ẩn những rủi ro. Hệ thống thu thập và cập nhật dữ liệu của Việt Nam đang làm còn thô sơ, không có dữ liệu cần thiết trong việc quản lý các tàu khai thác, kết quả đã không đạt như yêu cầu của EU (về IUU) và Mỹ. Nhiều cán bộ thực thi công tác IUU tại các địa phương không nhận thức rõ tính chất quan trọng của công việc. Trong khi ngư dân thì đa phần không hiểu hết và không ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác. Hiện trạng này sẽ làm các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ gặp khó khăn nếu EU áp dụng những biện pháp mạnh như hạn chế nhập khẩu khi Việt Nam không có sự thay đổi và cải tiến đáng kể, ít nhất theo 5 kiến nghị của DG-MARE đối với cơ quan quản lý của Việt Nam.

Đồng thời, các nước nhập khẩu cũng ngày càng thắt chặt các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) & kiểm soát biên giới. Như Mỹ đã có hệ thống điện tử cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ khi bị phát hiện vi phạm ATTP theo quy định của Mỹ, khi đó các doanh nghiệp sẽ bị liệt vào “danh sách đỏ” (không được phép nhập khẩu vào Mỹ). Và điều đáng quan tâm là danh sách này rất ít khi được trực tiếp Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) chủ động tháo dỡ kể cả khi doanh nghiệp không còn bị cảnh báo. Còn tại EU, nhất là Đức và Italia, sau các vụ gian lận thương mại các nước này đã tiến hành kiểm tra DNA nhiều lô hàng cá ngừ để xác minh loài cá này như là một biện pháp tăng cường kiểm soát về gian lận thương mại thời gian gần đây.

Ngoài những khó khăn tại thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước. Việt Nam vốn là nước có trữ lượng lớn về cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, đây là loài di cư xa, tốc độ di chuyển nhanh, nằm ở độ sâu lớn nên để khai thác được cá ngừ đại dương, cần phải có trình độ khoa học công nghệ nhất định mới có thể khai thác hiệu quả. Ở Việt Nam, tàu thuyền, ngư lưới cụ và công nghệ khai thác còn hạn chế. Cùng với đó, công tác dự báo ngư trường để hỗ trợ cho ngư dân chưa mang lại nhiều hiệu quả. Điều này đã làm cho sản lượng khai thác của chúng ta còn ở mức thấp và không bền vững.

Thêm vào đó, thời gian qua đã cho thấy chất lượng cá ngừ nguyên liệu khai thác trong nước có xu hướng giảm & không ổn định chất lượng, số nguyên liệu làm hàng chất lượng cao ngày càng ít, khiến các doanh nghiệp phải chuyển chủ yếu sang làm hàng “đông lạnh” thay vì các mặt hàng có giá trị cao như sashimi…. Nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng từ dưới 10%, và tối đa cũng chỉ 40% tổng khối lượng sản xuất là từ nguyên liệu trong nước, còn lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, cá ngừ của Việt Nam hiện nay chủ yếu được khai thác bằng hình thức câu vàng. Trong khi các nước trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn đang ngày càng quan tâm nhiều tới các sản phẩm cá ngừ câu tay, nhưng hiện Việt Nam không có chương trình quan tâm phát triển và hỗ trợ hình thức này cho ngư dân. Các khuyến nghị hoặc chính sách liên quan đến ‘chương trình bảo vệ cá heo” với việc không sử dụng lưới rê vẫn chưa được các cơ quan quản lý đưa ra biện pháp thực thi. Điều này đã ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường nhập khẩu.

Cũng theo doanh nghiệp, hiện tại các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cũng đang bị giảm năng lực cạnh tranh đáng kể. Nguyên nhân là do thuế nhập khẩu nguyên liệu cao. Hiện nay, với lượng nguyên liệu cá ngừ các loại cần nhập khẩu cho sản xuất xuất khẩu tới hơn 50%, thì chính sách áp dụng thuế nhập khẩu cao cho cá ngừ từ 10-24% đang tiếp tục tạo khó khăn & sức nặng tài chính cho các doanh nghiệp, khi thực tế vẫn phải “tạm nộp thuế nhập khẩu”.

Đánh giá riêng về năng lực cạnh tranh, có thể thấy hiện các nước sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đang ngày càng gia tăng sức cạnh tranh khi có được nhiều chính sách trong và ngoài nước tốt hơn và điều này đã gây khó khăn cho cá ngừ Việt Nam.

Ví dụ như Thái Lan là quốc gia truyền thông về thương mại cá ngừ rất mạnh. Khi Thái Lan không còn được ưu đãi khi xuất khẩu vào EU, vì đã thuộc nhóm các quốc gia phát triển, các nhà máy đóng hộp cá ngừ Thái Lan đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào thị trường Hoa kỳ. Năng suất lao động của các công ty Thái lan cao hơn nhiều so với các công ty Việt Nam. Tương tự vậy, Indonesia cao gấp 16 lần Việt Nam. 

Philippines hiện cũng đang tích cực đàm phán và có những dấu hiệu tốt về kết quả với EU. Thuế nhập khẩu cá ngừ Philippine vào EU chỉ còn 0%. Trong khi các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang chịu thuế suất khá cao (20,5% nếu có C/O form A GSP, và 24% nếu không có form A).

Một số nước khác như PNG, Ecuadore ...đều đã có thuế 0% khi xuất khẩu vào EU. Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam, hiện chính phủ nước này có chính sách hỗ trợ 13% thuế VAT cho các nhà sản xuất khi mua nguyên liệu từ nông-ngư dân.

Còn tại các thị trường khác như Nhật Bản, mặc dù có các thoả thuận thương mại song phương nhưng các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế cao hơn và bất lợi hơn các nước cạnh tranh như Thái Lan và Philippines. Và tại Canada, thuế suất cá ngừ trung bình vẫn là 8% trong khi nhiều nước Châu Phi khi xuất khẩu vào Canada được hưởng 0%.

Trong những năm gần đây, mặc dù ngành cá ngừ Việt Nam đang cố gắng hội nhập với thế giới, nhưng việc tham gia vào các tổ chức còn hạn chế. Ví dụ như việc tham gia vào Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC); cũng như các kết quả đàm phán các Hiệp đinh Thương mại tự do với các nước (như FTA với EU, TPP với Nhật Bản...) nếu không được tốt sẽ là một hạn chế đáng kể đối với ngành hàng cá ngừ của Việt Nam.

Vì qua cơ chế thành viên đầy đủ của WCPFC, Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để hội nhập, học hỏi cách làm, ví dụ như của PNG đã có thuế 0% khi xuất khẩu vào EU. Bên cạnh đó, chương trình “quan sát viên” cũng là 1 tiên quyết cho hướng đi bền vững.

Như vậy, có thể thấy nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm là do: 1) thiếu nguyên liệu, (2) do sự điều tiết tăng giảm của ngành hàng và thị trường tiêu thụ toàn thế giới, (3) cảnh báo chất lượng vệ sinh ATTP và còn các vướng mắc về thực hiện IUU cho xuất khẩu vào EU, (4) cạnh tranh của các nước có xuất khẩu cá ngừ.

Ý kiến bạn đọc