Nông, lâm thủy sản
Tình hình thị trường nông sản và phân bón tháng 11/2016
30/11/2016
* Xuất khẩu nông lâm và thủy sản

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 năm 2016 ước đạt 2,69 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 0,8% với cùng kỳ năm 2015.

Kết quả cụ thể một số mặt hàng chủ yếu như sau:

Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2016 ước đạt 353 nghìn tấn với giá trị đạt 156 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 450 USD/tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 36% thị phần. Mười tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,51 triệu tấn và 678,7 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Gana – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 11,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 10 tháng đầu năm 2016 đạt 442,2 nghìn tấn và 217,1 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 33,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 7,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,6 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và tăng 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Hoa Kỳ (28,3%) và Hồng Kông (7,7%).

Cà phê: Xuất khẩu cà phê trong tháng 11 năm 2016 ước đạt 101 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,6 triệu tấn và 2,98 tỷ USD, tăng 36,1% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 1.817 USD/tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với thị phần lần lượt là 15,2% và 13,2%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu năm 2016 ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ thị trường Tây Ban Nha có giá trị giảm (giảm 6,3%) so với cùng kỳ năm 2015. Mười tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh là Philippin (78,2%), Angiêri (66,2%), Trung Quốc (50%), Hoa Kỳ (46,7%),, Đức (41,4%), Nga (17,7%) và Nhật Bản (16,2%).

Cao su: Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11 năm 2016 đạt 117 nghìn tấn với giá trị đạt 165 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,1 triệu tấn và 1,43 tỷ USD, tăng 12,3% về khối lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 1.267 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ân Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016, chiếm 66,1% thị phần. Mười tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt là 21,6% và 10,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 11 năm 2016 ước đạt 12 nghìn tấn với giá trị đạt 21 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 11 tháng đầu năm 2016 đạt 118 nghìn tấn và 197 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá chè xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 1.656 USD/tấn, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm 2016, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 33,5% thị phần – tăng 1,8% về khối lượng nhưng giảm 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè tăng mạnh là Trung Quốc (gấp 2,09 lần), Indonesia (gấp 2,01 lần) và Malaysia (tăng 44,7%).

Hạt điều. Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 11năm 2016 ước đạt 29 nghìn tấn với giá trị 257 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 11 tháng đầu năm 2016 đạt 320 nghìn tấn và 2,59 tỷ USD, tăng 6,2% về khối lượng và tăng 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 8.033 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 34%, 14,2% và 13,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Mười tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Israel (49,6%), Đức (47,5%), Trung Quốc (25,2%), Hà Lan (23,2%), Anh (23,1%) và Italia (19,4%).

Tiêu. Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 11 năm 2016 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 78 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 170 nghìn tấn và 1,37 tỷ USD, tăng 36,7% về khối lượng và tăng 15,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 8.102 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Đức với 41,8% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Pakixtan (gấp 3,5 lần), Philippin (gấp 3,1 lần), Hoa Kỳ (35,3%), Ai Cập (23,1%), Ấn Độ (tăng 14,4%) và Tây Ban Nha (12,9%).

Gỗ và sản phẩm gỗ. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2016 đạt 597 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2016 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 – chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (14,2%), Anh (10,1%), Trung Quốc (8,5%) và Úc (8,1%).

Thuỷ sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2016 ước đạt 661 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2016 đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016, chiếm 54,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (47,7%), Hà Lan (16,1%), Hoa Kỳ (13,1%) và Thái Lan (12,6%).

Sắn và các sản phẩm từ sắn. Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2016 ước đạt 294 nghìn tấn với giá trị đạt 80 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các phẩm từ sắn 11 tháng đầu năm đạt gần 3,3 triệu tấn và 896 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng và giảm 24,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính trong 10 tháng đầu năm 2016 chiếm tới 86,2% thị phần, giảm 15,4% về khối lượng và giảm 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm 2016, giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam hầu hết đều giảm ngoại trừ thị trường Hàn Quốc có giá trị tăng (11,3%) so với cùng kỳ năm 2015.

Nhập khẩu một số mặt hàng chính

Kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản tháng 11 năm 2016 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính ước đạt khoảng 16,11 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tình hình nhập khẩu của một số mặt hàng chính như sau:

Phân bón: Ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 11 năm 2016 đạt 290 nghìn tấn với giá trị 73 triệu USD, đưa khối lượng phân bón nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 3,66 triệu tấn với giá trị đạt 992 triệu USD, giảm 9,4% về khối lượng và giảm 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 562 nghìn tấn với giá trị đạt 128 triệu USD, tăng 6,3% về khối lượng nhưng lại giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; phân SA ước đạt 891 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 105 triệu USD, giảm 6,4% về khối lượng và giảm 21,8% về giá trị so với năm 2015. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc với 41,1% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này. Trong 10 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phân bón từ thị trường này tuy giảm 16% về khối lượng và giảm 29,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam. Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Israen (tăng 71,4%) và thị trường Malaixia (tăng 29,8%). Các thị trường còn lại đều có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thị trường có giá trị giảm mạnh nhất là Nhật Bản (giảm 52,4%), tiếp đến là thị trường Hàn Quốc (giảm 39,1%), Nga (giảm 26,1%), thị trường Belarut (giảm 18,6%) và Lào (giảm 21,3%). Trong 10 tháng đầu năm 2016 khối lượng nhập khẩu phân bón của Indonesia và Canada tuy có tăng nhưng giá trị nhập khẩu lại giảm lần lượt là 12,3% và 0,3%.

Thuốc trừ sâu và nguyên liệu: Ước giá trị nhập khẩu trong tháng 11/2016 đạt 77 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm đạt 652 triệu USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 10 tháng đầu năm 2016 chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới 47,5% tổng giá trị tổng giá trị nhập khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2016 giá trị nhập khẩu từ thị trường này giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Pháp (75,2%), Đức (48,5%), Indonesia (29,8%) và thị trường Smgapo (4,6%). Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất là Hàn Quốc (giảm 26,9%), tiếp đến là Trung Quốc (giảm 11,2%) so với cùng kỳ năm 2015.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Uớc giá trị nhập khẩu tháng 11/2016 đạt 176 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,62 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này là Trung Quốc và Hòa kỳ chiếm khoảng 27,3% thị phần. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 15,1%, trong 10 tháng đầu năm 2016, giá trị khẩu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này có mức tăng trưởng dương là 4% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng tại một số nước nhập khẩu khác như: Đức (21,7%) và Niuzilan (1,9%). Các thị trường còn lại đều có giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ giảm, trong đó Lào và Campuchia vẫn tiếp tục giảm mạnh, mức giảm lần lượt là 75,6% và 54,2%.

Lúa mì: Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 11/2016 đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 99 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu lúa mì 11 tháng đầu năm 2016 đạt 4,5 triệu tấn với giá trị đạt 948 triệu USD, tăng hơn 95,2% về khối lượng và tăng 60,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Úc – thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 10 tháng đầu năm 2016, chiếm tới 38,1% thị phần, tăng 35,9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp theo là Brazil chiếm 7,6% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này, với tổng khối lượng nhập khẩu đạt 336,5 nghìn tấn và 64,25 triệu USD, tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Canada (giảm 81,3% về khối lượng và giảm 80,1% về giá trị).

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước tính trong tháng 11/2016 ước đạt 255 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2016 đạt 3,04 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm 2016 là Achentina, Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 46%, 10,8% và 8,2%. Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là TVQ Arap Thống Nhất (tăng 54,8%), Trung Quốc (tăng 47,3%), Indonesia (tăng 13,8%), Đài Loan (tăng 13,1%), Áo (tăng 10,6%) và Achentina (tăng 7%). Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu giảm, trong đó Brazil (giảm 50%), Ấn Độ (29,4%), Hoa Kỳ (18,5%), và Thái Lan (15,8%).

Cao su: Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 11/2016 đạt 44 nghìn tấn với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2016 đạt 387 nghìn tấn với giá trị đạt 604 triệu USD, tăng 10,9% về khối lượng và tăng 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 10 tháng đầu năm 2016 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Đài Loan, chiếm 55,7% thị phần. Trong 10 tháng đầu năm 2016, khối lượng cao su ở hầu hết các thị trường nhập khẩu đều tăng trừ thị trường Nga. Về giá trị, các thị trường hầu hết có giá trị nhập khẩu cao su tăng trong 10 tháng đầu năm 2016 ngoại trừ thị trường Nga, Nhật Bản và Campuchia với mức giảm lần lượt là 22,5%, 2,4% và 9,8%.

Thủy sản: Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 11/2016 đạt 98 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2016 đạt 972 triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2016 là Ấn Độ (chiếm 25% thị phần) tiếp đến là Đài Loan, Nauy, Nhật Bản và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 9,7%, 9,4%, 6,2% % và 6,1%. Các thị trường có giá trị tăng so với cùng kỳ năm 2015 là Indonesia, Nauy, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản với giá trị tăng lần lượt là 61,5%, 29%, 17,5%, 16,6%, 9% và 2,3%. Các thị trường có giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Chi Lê (giảm 26,2%), Ấn Độ (giảm 24,6%), Hoa Kỳ (giảm 24,3%) và Hàn Quốc (giảm 16,8%).

Hạt điều: Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 11/2016 ước đạt 52 nghìn tấn với giá trị đạt 95 triệu USD, đưa tổng khối lượng điều nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 948 nghìn tấn với giá trị đạt 1,47 tỷ USD, tăng 16,9% về khối lượng và tăng 39,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Đậu tương: Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 11/2016 đạt 42 nghìn tấn với giá trị 21 triệu USD, đưa tổng khối lượng đậu tương nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,34 triệu tấn với giá trị đạt 570 triệu USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Ngô: Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 11/2016 đạt 882 nghìn tấn với giá trị đạt 179 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu ngô 11 tháng đầu năm 2016 đạt 7,64 triệu tấn với giá trị đạt 1,51 tỷ USD, tăng 13,4% về khối lượng và tăng 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm 2016, Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt là 45,9% và 44% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng. Thị trường có khối lượng và giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Campuchia tăng 80,9% về khối lượng và tăng 67,7% về giá trị. Thị trường có khối lượng và giá trị giảm mạnh là Ân Độ, giảm tới 99,5% về khối lượng và giảm 94,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Thị trường trong nước

Trong tháng 11/2016, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) biến động trái chiều, với xu hướng tăng nhẹ chiếm ưu thế. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn.

Giá cà phê giảm do điều kiện thời tiết thuận lợi tại Brazil và triển vọng lạc quan của vụ thu hoạch cà phê tại Việt Nam bởi các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa khô. Giá cùng nhu cầu tiêu trên thị trường thế giới giảm đã tác động đến thị trường trong nước, kéo giá tiêu tại Việt Nam giảm mạnh trong thời gian qua.

Thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng này có xu hướng chững lại cả về sức mua và giá cả do các doanh nghiệp sau khi đã gom đủ lượng hàng cung cấp theo hợp đồng tiêu thụ dịp Noel, Tết dương lịch ở một số thị trường Âu – Mỹ và xuất bán qua Trung Quốc đã giảm thu mua. Giá tôm nguyên liệu trong tháng 11 tiếp tục tăng so với tháng trước do nguồn cung ít và nhu cầu thu mua của các nhà máy chế biến xuất khẩu cao. Giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai tăng do Trung Quốc nhập lợn trở lại.

Tình hình thị trường các mặt hàng chủ yếu như sau:

Lúa gạo: Giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 11/2016 biến động trái chiều, với xu hướng tăng nhẹ chiếm ưu thế. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhưng hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL cụ thể như sau: tại An Giang, lúa IR50404 giảm 300 đ/kg, từ 4.500 đ/kg xuống còn 4.200 đ/kg; lúa chất lượng cao OM 2514, OM 1490 ổn định ở mức 4.700 đ/kg. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa của Công ty Lương thực tỉnh tăng nhẹ, chủng loại OM 5451 từ 5.600 đ/kg lên 5.700 đ/kg (lúa khô); chủng loại OM 4900 từ 5.700 đ/kg lên 5.800 đ/kg (lúa khô). Tại Kiên Giang, giá lúa tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại, với lúa tẻ thường tăng mạnh 800 đ/kg, từ 4.400 đ/kg lên 5.200 đ/kg; lúa dài tăng 400 đ/kg, từ 5.500 đ/kg lên 5.900 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa khô IR50404 không đổi ở mức 5.000 đ/kg.

Cà phê: Thị trường cà phê trong nước sau khi tăng mạnh trong tuần đầu tiên đã biến động giảm trong thời gian còn lại của tháng 11/2016. So với cuối tháng 10/2016, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.400 – 1.700 đ/kg xuống còn 42.800 – 43.600 đ/kg. Giá cà phê giảm do điều kiện thời tiết thuận lợi tại Brazil và triển vọng lạc quan của vụ thu hoạch cà phê tại Việt Nam khi các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa khô.

Cao su: Trong tháng 11/2016, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến tăng tích cực, cùng với xu hướng tăng giá trên thị trường cao su thế giới. Cụ thể, cao su SVR3L tăng gần 8.000 đ/kg, từ 33.800 đ/kg (1/11) lên 41.700 đ/kg (22/11); cao su SVR10 tăng 5.600 đ/kg, từ 34.100 đ/kg lên 39.700 đ/kg. Tuy nhiên, hệ thống cung cấp giá tại địa phương ghi nhận giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước lại quay đầu giảm sau hai tuần đầu tháng tăng giá, từ 9.280 đ/kg xuống còn 8.960 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.

Chè: Thị trường chè nguyên liệu Thái Nguyên và Lâm Đồng trong tháng 11/2016 tiếp tục duy trì ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô hiện vẫn ở mức 100.000 đ/kg, chè cành chất lượng cao 180.000 đ/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 130.000 đ/kg. Tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 ổn định ở mức 7.500 đ/kg, chè nguyên liệu sản xuất chè đen 3.500 đ/kg.

Hồ tiêu: Giá thu mua hạt tiêu đen trong nước tháng 11/2016 tiếp tục giảm so với tháng trước và hiện nay đang ở mức thấp của tháng 3 đầu năm nay. Tính trung bình trong tháng 11/2016, giá thu mua tiêu đen xô tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm Gia Lai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai lần lượt ở mức 128.000 đ/kg, 132.000 đ/kg, 129.000 đ/kg, 129.900 đ/kg, giảm khoảng 10.000 đ/kg so với trung bình tháng trước. Nguyên nhân khiến giá tiêu trong nước giảm là do giá tiêu và nhu cầu tiêu trên thị trường thế giới giảm mạnh trong thời gian qua với lượng tiêu bán ra lớn trên thế giới trong thời gian chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới.

Điều: Tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều khô đạt mức cao kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây là 52.000 đ/kg, hiện nguồn hàng tại địa phương đã cạn kiệt, nông dân không còn điều để bán. Tại Đồng Nai, hiện hạt điều khô đang được các thương lái thu mua với mức giá 55.000 – 60.000 đ/kg, tăng 20.000 – 25.000 đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái và là mức giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh trong khi lượng điều thô trong dân không còn nhiều bởi vài tháng nữa mới đến vụ hoạch 2017.

Thủy sản: Thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 11/2016 có xu hướng chững lại cả về sức mua và giá cả do các nhà máy thu mua chậm lại, sản xuất ở mức cầm chừng sau khi đã cơ bản gom đủ lượng hàng cung cấp theo hợp đồng tiêu thụ dịp Noel, Tết dương lịch ở một số thị trường Âu – Mỹ và Trung Quốc. Hiện giá cá tra (750-950g/con) dao động trong khoảng từ 21.000-23.000 đ/kg.

Giá tôm nguyên liệu trong tháng 11/2016 tiếp tục tăng so với tháng trước do nguồn cung ít và nhu cầu thu mua của các nhà máy chế biến xuất khẩu cao. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg hiện ở mức 220.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 10/2016; tôm sú cỡ 40 con/kg tăng 2.000 đ/kg, hiện ở mức 180.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg ổn định ở mức 195.000 đ/kg.

Thịt: Trong tháng 11/2016, tại Đồng Nai, do việc vận chuyển lợn qua Trung Quốc không thực hiện bởi khó khăn từ lũ lụt tại miền Trung, giá thịt lợn đã giảm sâu xuống chỉ còn 35.000 – 37.000 đ/kg. Trong khi giá lợn hơi tại Đồng Nai đang nhích nhẹ thì giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh ĐBSCL khá ổn định. Theo đó, lợn hơi tại An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu đang được các thương lái thu mua với mức giá lần lượt là 39.000 đ/kg; 41.500 đ/kg và 38.000 – 43.000 đ/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, do không có đột biến về sức mua nên giá gà ta đang khá ổn định. Giá thu mua gà ta tại Đồng Nai đang duy trì mức 65.000 – 67.000 đ/kg; Vĩnh Long 75.000 đ/kg; An Giang 90.000 đ/kg (bán buôn). Còn tại các tỉnh phía Bắc, giá gà có xu hướng ngược với xu thế thường niên với mức là 75.000 – 80.000 đ/kg, giảm từ 20 -30% so với hai, ba tháng trước.

Rau quả: Trong tháng 11/2016, những đợt mưa lũ kéo dài trên diện rộng trong ở Khánh Hòa đã làm cho chuối của địa phương trở nên khan hiếm. Do lượng chuối hiện không đủ cung cấp cho các khách hàng nên kể cả loại mã xấu vẫn đắt hàng. Giá thu mua hiện tại loại 1 dao động từ 160.000 – 200.000 đ/buồng, chuối loại 2 từ 100.000 – 150.000 đ/buồng, giá tăng từ 30.000 – 50.000 đ/buồng so với trước thời điểm mưa lũ.

Trong tháng, mưa gió kéo dài khiến nhu cầu sử dụng chanh của người dân giảm làm cho giá chanh nhanh chóng giảm mạnh. Tại TP HCM, nếu cách đây 2 tháng giá chanh tươi ở mức 25.000-30.000 đ/kg thì nay chỉ còn khoảng 10.000-12.000 đ/kg.

Trong tháng 11/2016, tại Lâm Đồng, thị trường rau củ có xu hướng hạ nhiệt so với thời điểm cuối tháng trước do nguồn cung đã tăng nhẹ. Cụ thể, giá hoa lơ xanh đã giảm xuống còn 20.000 đ/kg so với mức giá của cuối tháng trước là 24.000 đ/kg, hoa lơ trắng giảm xuống mức 12.000 đ/kg.
 Nguồn Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc