Nông, lâm thủy sản
Giá điều nhân tăng cao trên thị trường quốc tế
28/11/2016

Sự ưa chuộng trên toàn cầu đối với hạt điều đang tăng nhanh hơn bất cứ loại hạt nào - ngay cả so với hạnh nhân. Kể từ năm 2010 đến nay, nhu cầu hạt điều toàn cầu đã tăng vọt 53% và vượt sản xuất trong ít nhất 4/7 năm vừa qua. Năm 2016, hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 1 thế kỷ tại Việt Nam, nhà xuất khẩu lớn nhất, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Thị trường hạt điều toàn cầu hiện có giá trị 5,2 tỷ USD.


 

Thiếu mưa tại miền Nam Việt Nam đã làm giảm sản lượng của một loạt các loại nông sản xuất khẩu chính, bao gồm gạo, hạt điều, cà phê và thủy sản. Sản lượng hạt điều năm 2016 của Việt Nam giảm 11% và giá nội địa tăng 30% lên mức cao kỷ lục. Giá hạt điều tăng gây ra vấn đề cho những người mua tại Mỹ, nước nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam.

“Chưa từng có năm nào như năm nay”, theo ông Nguyễn Đức Thành, chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết. Giá có thể sẽ duy trì ở mức cao cho tới tận vụ thu hoạch tới vào đầu năm 2017.

Trong khi lạc cho tới nay là loại hạt phổ biến nhất thế giới, hạt điều đã vượt hạt óc chó và hồ trăn trong những năm gần đây và theo sát hạt hạnh nhân trên thị trường các loại hạt có giá trị 30 tỷ USD. Theo dữ liệu gần đây nhất, tiêu dùng hạt điều toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 716.682 tấn năm 2014, tăng từ mức 469.241 tấn trong năm 2010.

Nhu cầu tăng, bao gồm từ Trung Quốc và một phần châu Âu, đã giúp xuất khẩu hạt điều toàn cầu tăng mạnh 70% trong năm 2014 lên 503.713 tấn. 25% tổng xuất khẩu điều toàn cầu có điểm đến là Mỹ làm đồ ăn vặt hoặc sử dụng làm đầu vào sản xuất protein bars và sữa hạt điều. Ấn Độc chiếm khoảng 1/3 tiêu dùng điều toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới. Bờ Biển Ngà đứng thứ 2 về sản xuất, sau Việt Nam,

Cây điều thường phát triển tại những nơi có nhiều mưa và thời tiết ấm áp quanh năm, như miền Đông Nam bộ của Việt Nam, Nhưng trong năm 2016, đợt khô hạn bất thường đã khiến 2 triệu người Việt Nam lâm vào cảnh thiếu nước và 18/63 tỉnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp tính đến tháng 5, theo UN FAO. Thiệt hại trong nông nghiệp, một nguồn doanh thu xuất khẩu quan trọng, có thể khiến nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng chính phủ đề ra cho năm nay.

Tại tỉnh Bình Phước, thủ phủ của ngành điều Việt Nam, nông dân 45 tuổi Hoàng Thuy Dương cho biết ông chỉ thu hoạch được 8 tấn điều trong năm nay, so với sản lượng trung bình 11 tấn. Hạn hán khiến cây điều kém ra hoa hơn so với thông thường. Ông Dương đã gắn bó với ngành điều hơn 2 thập kỷ với diện tích trồng điều 4ha.

Giá điều thô nội địa đã tăng mạnh lên 52.000đ/kg, tương đương 2,33 USD/kg, mức giá cao kỷ lục, so với mức giá 38.000đ/kg hòi đầu năm, theo Hiệp hội điều cho biết.

Để đảm bảo nguồn cung, các nhà chế biến điều Việt Nam không thể chỉ dựa vào nguồn điều thô nguyên liệu tại địa phương. Khoảng 2/3 lượng điều chế biến – xuất khẩu hàng năm là từ nguồn nhập khẩu. Tây Phi chiếm khoảng 46% sản lượng điều thô toàn cầu năm 2015, và hầu hết lượng điều thô sản xuất tại khu vực này được chế biến tại Ấn Độ, Việt Nam hoặc Brazil.

Chế biến điều rất thâm dụng lao động. Cây điều sản xuất ra loại quả hình oval với chỉ 1 hạt duy nhất lộn ra ngoài vỏ. Một khi được thu hoạch, vỏ quả điều được làm mềm ra bằng hơi nước và tách bằng tay. Điều nhân được sấy khô, bóc vỏ, phân loiaj theo kích cỡ và chất lượng. Công nhân thường phải bôi một lớp dầu lên tay để hạn chế sự tiếp xúc của da với chất nhựa quả.

Mặc dù sản lượng nội địa giảm, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có thể vẫn tăng trong năm nay, một phần do những thay đổi tại Bờ Biển Ngà. Việt Nam có thể nhập khẩu khoảng 800.000 tấn điều thô nguyên liệu gấp đôi sản lượng điều thô nội địa. Việt Nam chiếm khoảng 15% sản xuất toàn cầu, nhưng cung ứng đến 58% xuất khẩu hạt điều toàn cầu.

Hiệp hội Điều Việt Nam ước tính xuất khẩu điều nhân năm 2016 đạt 300.000 tấn, tăng từ 286.000 tấn trong năm 2015. Thị trường Mỹ chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 2,33 tỷ trong tổng giá trị xuất khẩu 144 tỷ USD của Việt Nam, cho thấy sự tăng về lượng và cả giá xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu cả năm 2016 được Hiệp hội dự đoán đạt 2,7 tỷ USD.

Trong khi sản lượng tăng từ châu Phi có thể bù đáp nguồn cung giảm từ Việt Nam, nhu cầu tăng vẫn đang tiếp tục tác động lên thị trường điều nhân, Theo Bộ Công thương, giá xuất khẩu điều nhân trung bình tăng 22% trong năm 2016 lên 7.809USD/tấn trong tháng 8. Giá xuất khẩu trung bình đạt 9.000 USD/tấn, FOB tại thành phố Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi dự đoán nhu cầu toàn cầu tăng ở mức thấp 1 con số trong năm 2016 do nguồn cung được dự báo ngang hoặc thấp hơn năm ngoái”, ông Amit Khirbat, phó chủ tịch cấp cao Olam nói, “Giá cao trong năm 2016 có thể ảnh hưởng đến nhu cầu chung trong năm 2017.

Theo Agweb

Ý kiến bạn đọc