VASEP dự báo xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam trong năm nay sẽ tăng mạnh đạt kim ngạch 45 triệu USD, tăng 32% so với năm 2015 đồng thời tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.
Đại diện VASEP cho biết, xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam trong những năm qua có xu hướng tăng trưởng tích cực, đặc biệt có giai đoạn tăng trưởng 76%-265%.
Thị trường nhập khẩu cá rô phi Việt Nam cũng tăng mạnh, từ 8 thị trường năm 2005 đã lên tới 68 thị trường trong năm 2015. Trong đó, Mỹ , Colombia và EU là 3 thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất của Việt Nam.
Hiện tại Mỹ đang đứng đầu danh sách những thị trường nhập khẩu cá rô phi Việt Nam, chiếm khoảng 23% tỷ trọng xuất khẩu. Việt Nam cũng là nguồn cung lớn thứ 3 của thị trường này chỉ sau Trung Quốc và Đài Loan, chiếm 10% thị phần.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá rô phi sang thị trường này đạt hơn 2 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cá rô phi tươi/ướp lạnh phile (mã HS 0304) được nhập khẩu nhiều nhất sang thị trường này, chiếm 74-84% giá trị nhập khẩu; tiếp đó là cá rô phi đông lạnh nguyên con.
Cá rô phi đang đứng thứ 4 trong tốp 10 loại thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ. Riêng ở Colombia, Việt Nam là nguồn cung số 1 về cá rô phi ở thị trường này, chiếm 53-63% thị phần, với thế mạnh là cá rô phi nguyên con đông lạnh. Ngoài ra, EU, châu Phi và Nam Mỹ cũng là thị trường tiềm năng cho mặt hàng thủy sản này.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam sang các thị trường đã tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 triệu USD. Các dự báo khác cũng cho thấy, tiêu thụ cá rô phi đang tăng trưởng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Nhìn lại cơ cấu tổng giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng cá rô phi mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn, thế nhưng ngành hàng này đang có nhiều tiềm năng cả về dư địa nuôi trồng và tiêu thụ để trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng thủy sản, tính đến cuối năm 2015, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước trên 25.700ha với sản lượng đạt 187.000 tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. Cá rô phi thuộc họ thịt trắng, dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn lại không đòi hỏi chất lượng cao và giá thành sản xuất thấp.
Bên cạnh đó, với hệ thống sông, hồ chứa trải rộng khắp cả nước và nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu còn lớn thì cá rô phi đang được định hướng phát triển thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi giai đoạn 2020, định hướng 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng cá rô phi của cả nước sẽ đạt khoảng 300.000 tấn, trong đó có khoảng 50-60% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành hướng dẫn áp dụng VietGap vào nuôi cá rô phi để ổn định chất lượng sản phẩm ngay từ những ngày đầu phát triển. Hiện có 4 dự án đầu tư vùng nuôi rô phi tập trung để phục vụ cho xuất khẩu tại Quảng Ninh, Đắc Lắk, Kiên Giang và Sóc Trăng đang được xây dựng thực hiện.
Trong bối cảnh ngành thủy sản còn nhiều khó khăn, thách thức ở nội tại ngành thì việc đa dạng hóa các sản phẩm nuôi trồng sẽ giảm thiểu rủi ro cho người nông dân.
Và rõ ràng, để hiện thực được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp cũng phải khắc phục những khó khăn, hạn chế về mặt chất lượng giống, khâu tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu, công tác tác quản lý thức ăn, thuốc thú y; vấn đề an toàn thực phẩm từ sản xuất đến chế biến…/.
Nguồn: TTXVN