Rào cản thương mại
Các rào cản kỹ thuật đối với trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước
03/10/2015
 Hiện cả nước có khoảng 775.500 ha diện tích đất cây ăn quả phân bố đều trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với sản lượng gần 3,9 triệu tấn /năm. Nhiều tỉnh, thành phố có lợi thế về cây ăn quả đang tiếp tục mở rộng diện tích, tập trung chủ yếu là các loại trái cây như: thanh long, xoài, bưởi, vải, nhãn, sầu riêng … Theo định hướng của Bộ Nông Nghiệp và PTNT để phát triển mặt hàng trái cây phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông Nghiệp và PTNT sẽ rà soát quy hoạch phát triển từng loại cây, xác định cụ thể diện tích cần tái canh, trồng mơi, cải tạo, thay thế bằng cây giống mới cũng như diện tích cần chuyển đổi sang cây trồng khác. Dự kiến, sản lượng trái cây cả nước sẽ được nâng lên 11,3 triệu tấn vào năm 2020 và 17,7 triệu tấn ( trong đó xuất khẩu từ 800 nghìn đến 1 triệu tấn) vào năm 2030.
          Tính đến thời điểm hiện nay, Việt nam có tới 40 loại trái cây tươi đã xuất khẩu đến thị trường của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu trái cây các loại của nước ta năm 2014 đã đạt tổng kim ngạch là 1,477 tỷ USD (tăng hơn 37% so với năm 2013). Trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của nước ta, tiếp đến là Mỹ, Hà Lan. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm sau khi vải và nhãn Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
          Theo chỉ đạo của Bộ Nông Nghiệp Và PTNT, thời gian qua Cục Bảo vệ thực vật đã khẩn trương thực hiện đàm phán, xúc tiến thương mại với Hoa Kỳ và các thị trường có yêu cầu Kiểm dịch thực vật khắt khe khác như Nhật bản, Úc, Newzealand, Hàn Quốc … để gỡ bỏ hàng rào kỹ thuật cho trái cây Việt Nam.
          Với thị trường Mỹ - thị trường khó tính nhất thì năm 2008, trái cây đầu tiên là thanh long đã chính thức được xuất vào Hoa Kỳ. Đến nay tính riêng thị trường Hoa Kỳ đã có 04 loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào Hoa Kỳ: thanh long, chôm chôm, nhãn và vải.
          Hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đã và đang tiến hành công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho một số loại nông sản và trái cây của Việt Nam, nhằm mục đích xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng như:
          Thị trường Hoa kỳ: Cơ quan kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất báo cáo PRA của xoài và vú sữa, yêu cầu Hoa Kỳ sớm cho phép nhập khẩu xoài và vú sữa và đang trong quá trình chờ phản hồi từ phái bạn;
          Thị trường Úc: Phía Úc sẽ thực hiện các bước để mở cửa thị trường cho quả thanh long, vải và xoài. Đối với vải, ngày 8-9/12/20014, Úc đã cử đoàn chuyên gia sang kiểm tra các nhà máy chiếu xạ của Việt Nam và Cục đang tích cực thúc đẩy vấn đề này để bạn sớm mở cửa cho trái vải của Việt Nam vào thị trường Úc.
          Thị trường Nhật Bản: Cục Bảo vệ thực vật đã gửi kế hoạch cũng như đề cương thí nghiệm kiểm chứng xử lý diệt trừ ruồi đục quả để gửi cho phía Nhật và đàm phán để sớm hoàn tất thủ tục cho phép nhập khẩu xoài của Việt Nam.
          Thị trường Đài Loan: Tháng 10/2013, phía Đài Loan đã cử đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật sang kiểm tra đánh giá thí nghiệm xử lý và cơ sở xử lý thanh long. Trên cơ sở thí nghiệm đó, Cục bảo vệ thực vật gửi công văn đề nghị Đài Loan sớm mở cửa thị trường cho trái thanh long Việt Nam.
          Thị trường Ấn Độ: Đã chính thức mở cửa cho thanh long Việt Nam, hiện đã có 6 doanh nghiệp (công ty TNHH TMDV Ánh Dương Sao, Công ty TNHH TM Giao nhận vận tải HNT, Công ty TNHH Hoàng phát Fruit, Công ty TNHH TM quốc tế Nguyễn Việt, Công ty TNHH Giao nhận XNK Thông Phương Thắng, Công ty TNHH Việt Hỉ) xuất khẩu được hơn 230 tấn thanh long sang thị trường này.
          Thị trường Argentina: Tháng 11/2014, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ kỹ thuật và đề nghị bạn thực hiện các thủ tục cần thiết để mở cửa thị trường cho thanh long, nhãn, vải, xoài của Việt Nam.
·   NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Điều kiện nhập khẩu khắt khe: Phía Hoa kỳ vẫn chưa đồng ý cho phép nhập xoài và măng cụt mặc dù phía Việt Nam đã nhiều lần đề nghị và nỗ lực thúc đẩy vấn đề này. Quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu vào Úc rất khắt khe, thời gian phân tích nguy cơ dịch hại dài (từ 2-3 năm).
Thiếu nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật nhằm mở cửa thị trường xuất khẩu cho rau, quả tươi, đặc biệt là kinh phí để triển khai thí nghiệm và đón chuyên gia các nước vào kiểm tra theo yêu cầu của nước nhập khẩu trước khi cho phép nhập khẩu trái cây của Việt Nam.
Vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật: Hiện nay, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA). Đạo luật này có hiệu lực từ 04/01/2011 quy định chặt chẽ và kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên hàng nhập khẩu. Đặc biệt là quy định đối với các sản phẩm rau, quả tươi không được sản xuất tại Hoa Kỳ, nước xuất khẩu phải xây dựng mức dư lượng tối đ cho phép đối với các hóa chất và bảo vệ thực vật và gửi hồ sơ kỹ thuật cho phía Hoa Kỳ xem xét chấp nhận. Điều này gây khó khăn cho các sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ (thanh long, chôm chôm). Hiện nay, nếu thanh long nhập khẩu vào Hoa kỳ nếu phát hiện các hóa chất Difenoconazole, carbendazim, iprodione, cyperme-thrin và chlorothalonil sẽ bị từ chối cho phép nhập khẩu.
Năm 2015 tiếp tục hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp về xuất khẩu vải, nhãn đi Hoa Kỳ.Làm việc với Nhật bản để thúc đẩy vấn đề xuất khẩu xoài của Việt Nam đi Nhật. Tiếp tục đàm phán với Úc về mở cửa thị trường cho thanh long, vải, xoài của Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ hoàn tất 6 bộ hồ sơ kỹ thuật đối với các loại quả tươi: thanh long, vải, nhãn, xoài, chôm chôm và vú sữa để gửi các nước đề nghị mở cửa thị trường, trong đó chú trọng các thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các nước khu vực Mỹ la tinh.
·   RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG XUẤT KHẨU TRÁI CÂY.
          An toàn thực phẩm trong xuất khẩu trái cây là yếu tố ảnh hưởng thương mại giao lưu buôn bán hàng hóa giữa các quốc gia trên thế giới, Hoa Kỳ, liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc … đã đưa ra những yêu cầu về an toàn thực phẩm rất ngặt nghèo đối với các nông sản và trái cây của nước ta đã bị từ chối nhập hoặc trả lại do vi phạm những quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề hết sức quan trọng nếu không chủ động tháo gỡ thì trái cây Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị cấm xuất khẩu tại nhiều quá gia trên thế giới.
·   QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI TRÁI CÂY NHẬP KHẨU CỦA EU: Trái cây muốn nhập khẩu vào thị trường EU phải phù hợp với các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế Codex. EU đã quy định mức dư lượng tối đa (MRL) có trong và trên các loại thực phẩm nói chung và trên nhãn, vải tươi nói riêng. Các sản phẩm này nếu chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép thì sẽ bị buộc rút khỏi thị trường EU.
Các văn bản và chỉ thị liên quan đến an toàn thực phẩm của EU
Đối tượng
Văn bản
Luật thực phẩm Châu Âu
Quy định (EC) 178/2002
Vệ sinh thực phẩm, bao gồm phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)
Quy định (EC) 852/2004; 853/2004; 854/2004
Chất gây ô nhiễm trong thực phẩm
Quy định (EC) 1881/2006
Mức quy định tối đa đối với axit eruxic trong các loại dầu và chất béo
Chỉ thị 76/621/EEC
Mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu trong thực phẩm
Quy định (EC) 396/2005
Ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm
Quy định (EC) 2073/2005
·   QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI TRÁI CÂY NHẬP KHẨU CỦA HOA KỲ: Theo yêu cầu của Luật hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA), sản phẩm nhập khẩu vào Hoa kỳ đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Theo đó, mọi sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Hoa Kỳ, gọi là các Hạn mực dư lượng tối đa (MRL). Nếu có vấn đề xảy ra về kiểm dịch hoặc an toàn thực phẩm thì cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ có khả năng truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm tới tạn người trồng, nơi trồng hoặc lô hàng.
-         Các cơ quan/tổ chức quản lý vấn đề an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ.
-         Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA)
-         Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)
-         Cơ quan kiểm dịch và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS)
-         Cơ quan kiểm dịch Thực Động vật Hoa Kỳ (EPA)
-         Bộ y tế và dịch vụ Con người Hoa Kỳ (DHHS)
·   QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI TRÁI CÂY NHẬP KHẨU CỦA TRUNG QUỐC: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của trái cây tươi Việt Nam (chiếm khoảng 80% trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam). Việt nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định kiểm dịch động thực vật vào năm 2008. Quy định an toàn thực phẩm đối với trái cây nhập khẩu của Trung Quốc: chất 2,4-diclo-rophenoxy axetic axid (tác dụng chống thối), lượng sử dụng tối đa 0.01g/kg, dư lượng ≤ 2.00mg/kg. Các hợp chất: sunfur dioxide, potassium metabisulphite, sodium metabisulphite, sodium hydrogen sulfite, sodium hypo – sulfite sử dụng đối với hoa quả tươi qua xử lý bề mặt, lượng sử dụng tối đa 0.05g/kg. Các hợp chất: sunfur dioxide, potassium metabisulphite, sodium metabisulphite, sodium hydrogen sulfite, sodium hypo – sulfite sử dụng đối với hoa quả khô, lượng sử dụng tối đa 0.1g/kg.
·   KIỂM DỊCH THỰC VẬT ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU TRÁI CÂY
          Là việc sử dụng những rào cản kỹ thuật, những biện pháp xử lý nhằm mục đích ngăm chặn những loại dịch hại nguy hiểm (dịch hại KDTV) có khả năng đi theo các sản phẩm xuất khẩu vào trong nước nhập khẩu.
Dựa vào các Tiêu chuẩn Quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPMs) để xây dựng những rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và yêu cầu các biện pháp xử lý cho từng đối tượng dịch hại theo từng mặt hàng xuất khẩu.
·   YÊU CẦU NHẬP KHẨU TRÁI CÂY CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
          Các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật thông thường: Trung quốc, các nước ASEAN; Canada; Các nước khu vực Trung đông; Các nước Đông Âu.
Các thị trường có yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe như: Hoa Kỳ: đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn và vải (yêu cầu chiếu xạ); Nhật Bản: đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng (Xử lý bằng hơi nước nóng tối thiểu ở nhiệt độ 46.5° C trong vòng 40 phút); Hà Quốc: đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ và xoài (Xử lý bằng hơi nước nóng tối thiểu ở nhiệt độ 46.5° C trong vòng 40 phút); Chi lê: thanh long ruột trắn, đỏ (chiếu xạ); Newzealand: xoài, thanh long ruột trắng và đỏ (Xử lý bằng hơi nước nóng tối thiểu ở nhiệt độ 46.5° C trong vòng 40 phút).
Đối với các loại quả tươi khi xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc, bên cạnh yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật khắt khe, các lô hàng xuất khẩu phải thực hiện chương trình tiền chứng nhận (preclearance) theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Ý kiến bạn đọc