Rào cản thương mại
Chủ động nắm bắt cơ hội trong năm 2015
30/09/2015
 Mục tiêu lớn
 
Theo ông Nguyễn Trọng Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội: DN kì vọng nhiều vào năm 2015 nhưng trong năm nay, các DN vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, đặc biệt khi nền kinh tế hội nhập sâu hơn. Đó là bởi, trong quá trình hội nhập quốc tế, khi các hàng rào thuế quan bị phá bỏ, các DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài, những đơn vị vốn rất có lợi thế về vốn và công nghệ. Nếu không cạnh tranh nổi, không ít DN Việt Nam rất có thể sẽ thua trên chính “sân nhà”.
 
Thời gian tới, để hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các cơ quan Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ DN nhiều hơn về nguồn vốn đầu tư với lãi suất hợp lý cũng như các chính sách nhằm phát triển thị trường.
 
2015 được coi là một năm đặc biệt đối với nền kinh tế của đất nước nói chung và đại bộ phận DN nói riêng. Đây là năm theo dự báo Việt Nam sẽ hoàn thành nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Đứng ở góc độ DN trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà đánh giá, 2015 là một năm không ít thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội mở ra đối với DN, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập AEC vào cuối năm. Ông Lê Vĩnh Sơn lý giải, khi Việt Nam gia nhập AEC, các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ sẽ giúp cho DN đẩy mạnh XK, cắt giảm chi phí NK, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, thương mại nội khối cũng sẽ được củng cố, tạo điều kiện cho DN chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa cũng như thị trường XK.
 
Đứng trước những cơ hội lớn mở ra trong năm 2015, không ít DN đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết: FMC đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2015 tăng 30%, lợi nhuận bằng 150% so với năm 2014. Thực tế, ngay trong tháng đầu năm, FMC đã có sự khởi đầu khá thuận lợi khi chế biến được 710 tấn tôm đông lạnh các loại, đạt doanh số tiêu thụ 11,6 triệu USD, bằng 122% so cùng kỳ năm 2014.
 
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong cũng chia sẻ, tiếp nối thành công trong năm 2014, trong năm 2015, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu sẽ đạt 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 340 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 218 tỷ đồng.
 
Chủ động nắm bắt
 
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, để đón những cơ hội trong năm 2015 nói chung và việc Việt Nam gia nhập AEC nói riêng, Tập đoàn Sơn Hà đã chủ động cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, DN cũng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước với hàng ngoại nhập trên cơ sở các DN cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, làm tốt dịch vụ hậu mãi, bảo hành…, để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời cố gắng đảm bảo các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan…
 
Đối với Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, DN này đã có sự chuẩn bị từ trước. Ông Hồ Quốc Lực cho biết, trong năm 2014, FMC đã xây thêm xưởng chế biến thủy sản và trong năm 2015 sẽ đi vào hoạt động với sản phẩm chủ yếu là hàng đông rời. Thị trường mà Công ty “nhắm” tới là Mỹ và EU.
 
Ngoài ra, nhận định tôm Thái Lan sẽ hết được ưu đãi thuế quan vào EU từ năm 2014, FMC đã khởi động mở rộng thị trường này từ năm 2013 và mục đích hướng đến là phân khúc thị trường cao cấp, thâm nhập các hệ thống phân phối thủy sản có tiếng tăm. Hai năm qua, FMC đã phần nào tạo dựng được nền tảng vững chắc trong việc thực hiện ý định đề ra. Đồng bộ với sách lược này, một xưởng chế biến hàng tinh chế sẽ tiếp tục được DN triển khai trong năm 2015 tại khuôn viên đất đã thuê tại Khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng).
 
“Ngoài các hoạt động trên, giữa năm 2014, xưởng hàng chiên của Công ty đã nâng công suất lên 50%, nhưng cuối năm xưởng này hoạt động quá tải, phải tăng ca. Trong năm 2015 xưởng này cũng sẽ được cải tạo, thêm một lần tăng công suất nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu khách hàng”, ông Hồ Quốc Lực khẳng định.
 
Riêng đối với Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong, ông Trần Bá Phúc chia sẻ: Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm, DN dự kiến sẽ thực hiện nghiêm túc các qui trình đảm bảo thiết bị vận hành ổn định, an toàn, sản phẩm đạt chất lượng và năng suất cao. Bên cạnh đó, Công ty sẽ áp dụng và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện định mức tiêu hao nguyên vật liệu, phụ liệu, hóa chất, thực hành tiết kiệm tối đa trong sản xuất kết hợp với tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, tích cực áp dụng các sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu tối đa thời gian dừng máy.
 
“Tổ chức tốt công tác theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường và tình hình tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác dự báo, nghiên cứu phân tích thị trường nhựa thế giới và trong nước để điều hành sản xuất kinh doanh theo sát sự biến động của thị trường cũng là những giải pháp đã và đang được Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong tích cực triển khai”, ông Trần Bá Phúc nói.
Ý kiến bạn đọc