Nhà sản xuất máy bay Airbus ngày 14/2 cảnh báo kế hoạch thu phí khí thải carbon (ETS) của Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn diện, tác động đến các thương vụ mua bán máy bay, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng nợ công gây tê liệt châu Âu.
Theo kế hoạch ETS được EU áp dụng từ tháng 1/2012, các hãng hàng không phải trả một mức phí đối với các chuyến bay vào khu vực EU dựa trên lượng carbon thải ra. Quy định áp dụng cho mọi hãng hàng không có chuyến bay đến các nước EU phải mua lại 15% lượng khí thải CO2 của mình (sẽ tăng lên 18% vào năm 2013). Hãng nào không chấp hành sẽ phải nộp phạt 100 euro cho mỗi tấn CO2 và bị cấm bay trên không phận 27 quốc gia thành viên EU.
26/36 thành viên ICAO phản đối
Trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012 thì thuế carbon đã trở thành “ứng viên sáng giá” để bảo vệ môi trường. Nhân loại đang nỗ lực giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2oC vào thế kỷ sau nên EU đã đưa ra luật này. Tuy nhiên, quyết định của EU đã bị 26/36 thành viên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phản đối quyết liệt, đặc biệt là Trung Quốc. Nước này hiện được xem là thị trường chiến lược quan trọng của 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Từ ngày 6/2, Chính phủ Trung Quốc đã cấm các hãng hàng không của họ không được tham gia vào kế hoạch ETS của EU và không cho phép các hãng này tăng phí hay thêm các khoản phí mới vì kế hoạch này. Các chuyên gia kinh tế tính toán rằng, nếu phải đóng thuế carbon thì ngành Hàng không Trung Quốc mất thêm 125 triệu USD/năm cho các chuyến bay đến châu Âu.
Con số này có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2020. Theo một quan chức của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, thuế carbon mới mà EU đưa ra đã vi phạm Công ước về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và nguyên tắc của ICAO. Hàng không Trung Quốc không ủng hộ kế hoạch này.
Ngoài ra, chính phủ các nước Mỹ, Canada... cũng cho rằng, EU đang vượt quá thẩm quyền pháp lý bằng cách tính toán chi phí carbon trên toàn bộ chuyến bay. Trước đó, các nhà đàm phán của lưỡng viện Mỹ cũng đồng ý về dự luật không chấp hành thuế carbon mới của EU. Theo dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dự luật này trong vài tuần tới.
Lo ngại xảy ra "ăn miếng trả miếng"
Theo tính toán của các hãng hàng không, luật thuế mới sẽ gây thiệt hại 23,8 tỷ USD trên toàn cầu cho ngành công nghiệp này trong vòng 8 năm tới. Hơn nữa, các nhà phân tích cho rằng, do các điều kiện không mấy khả quan của nền kinh tế toàn cầu và triển vọng bất ổn của vận tải, các hãng hàng không lo sợ kế hoạch này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới lợi nhuận của họ. “Hàng không đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bị ảnh hưởng nhiều do chi phí nhiên liệu tăng cao trong 2 năm qua và không ai muốn phải chi thêm các khoản phí nữa", ông Chris De Lavigne, chuyên gia hãng tư vấn Frost & Sullivan phát biểu trên hãng tin BBC.
Một số hãng hàng không châu Âu lo ngại ETS có thể làm họ bị ảnh hưởng nặng nề nếu các chính phủ nước ngoài trả đũa bằng cách hạn chế quyền tham gia vào thị trường vận tải hoặc áp các luật thuế theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Đặc biệt, động thái của chính quyền Trung Quốc có thể gây thêm phức tạp do EU sẽ phải đưa ra giải pháp ứng phó với vấn đề này.
Theo nhận định của ông Siva Govindasamy, chuyên gia của hãng tư vấn Flightglobal: “Vấn đề sẽ rất rắc rối. Các bạn sẽ phải chờ đợi và xem cách xử lý của EU. Họ sẽ có thể ngăn các hãng hàng không Trung Quốc bay vào khu vực EU và tiếp đó lại là những biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Tất cả sẽ không có lợi cho bên nào”.