Rào cản thương mại
Loại bỏ rào cản để doanh nghiệp phát triển
04/05/2016

Cần rà soát, điều chỉnh, giảm nhẹ gánh nặng thuế - phí, chi phí đầu vào cũng như các chi phí hành chính, loại bỏ thủ tục, giấy phép con… là những kiến nghị khẩn thiết mà cộng đồng DN gửi tới Chính phủ và các cấp, các ngành nhân Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2016 diễn ra cuối tuần qua.

Giấy phép con vẫn “hành” doanh nghiệp

Giấy phép con bấy lâu nay vẫn là chiếc “vòng kim cô” trói buộc các DN, vì thế trong phần đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các DN đã thẳng thắn đưa ra các kiến nghị, đề xuất với mong muốn được Chính phủ tháo gỡ trực tiếp. Theo phản ánh của ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi đã ban hành hơn 10 tháng nhưng tới nay vẫn chưa có hướng dẫn. Đề nghị của vị doanh nhân này là dưới luật chỉ nên có nghị định, không nên có thông tư và cần phải có cơ chế giám sát và xử lý mạnh mẽ cán bộ nhũng nhiễu người dân, DN.

Xóa bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động.    Ảnh:  Thanh Hải

Xóa bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động. Ảnh: Thanh Hải

Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu vấn đề: “Chính phủ cũng cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật, thực hiện đúng yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư và Luật Ban hành văn bản pháp luật theo hướng chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các điều kiện và giấy phép kinh doanh hạn chế quyền kinh doanh, chấm dứt ngay tình trạng tiếp tục giao quyền các bộ, ngành ban hành thông tư, quyết định xác lập điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh như quy định tại một số luật chuyên ngành hiện nay”.

Đồng quan điểm, bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bày tỏ mong muốn: “Chính phủ hãy coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý”. Bà Liên cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, bỏ bớt giấy phép con không cần thiết, các quy định cấp phép phải rõ ràng, hạn chế ban hành nghị định bổ sung giấy tờ cho DN. Đồng thời, nâng cao tính liên thông giữa các bộ, ngành trong cấp phép đầu tư, rà soát lại thủ tục hải quan để các cơ quan có liên kết chặt chẽ khi xử lý hồ sơ của DN... Trong phần kiến nghị của mình, đại diện Vinamilk còn đề nghị các cơ chế chính sách đã được DN thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho DN.

Đại diện cho một DN tư nhân tham gia thị trường vận tải hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet Air cũng mong mỏi được tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng hàng không, tiếp cận các dịch vụ về hạ tầng cảng vụ, bảo đảm kỹ thuật, cải tạo hạ tầng sân bay...

Ở góc nhìn khái quát hơn, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn cho rằng, các DN Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và phi chính thức. Trước tiên là các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng. Để phục hồi và phát triển DN, cải cách thể chế, cải cách hành chính cần đóng vai trò là mũi đột phá dẫn đường để vừa bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN. Theo đại diện VCCI, trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1/7/2016 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về DN theo quy định của Luật DN và Luật Đầu tư để mọi người dân, DN biết và tuân thủ. “Ngày 25/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có mệnh lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư, không cho phép các bộ bàn lùi. Tôi hy vọng mệnh lệnh quan trọng này của Thủ tướng sẽ được các vị bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng, chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của DN, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó” – ông Lộc nhấn mạnh.

Thuế - phí chiếm 40,8% lợi nhuận DN

Câu chuyện của ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (TP Cần Thơ) là một ví dụ. Ông Quang bức xúc cho hay, một con cá tra mà DN này nuôi phải “cõng” đến 5 - 6 loại phí trong khi giá thức ăn cho cá lại cao ngất. Rõ ràng, thuế - phí đang là gánh nặng của các DN, khiến họ không dám nghĩ tới chuyện mở rộng thị phần ở nước ngoài mà ngay tại sân nhà cũng khó lòng cạnh tranh với các đối thủ cùng khu vực. Một con số được VCCI công bố tại hội nghị khiến nhiều người giật mình, đó là các khoản thuế, phí ở Việt Nam đang chiếm tới 40,8% lợi nhuận của DN. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực. Do đó, VCCI đề nghị Chính phủ xem xét cải cách theo hướng cắt giảm thuế và phí, bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Đại diện VCCI cho rằng, mặc dù ngân sách hiện nay đang khó khăn, nhưng chủ yếu là do chi thường xuyên tăng mạnh chứ không phải do mức thu thuế thấp. Thời gian tới, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính để cắt giảm chi tiêu, tuyệt đối tránh tình trạng tận thu để bảo đảm tăng chi. Thay vào đó, một số chính sách miễn giảm, hoãn, giãn thuế hợp lý cho DN nên được tiếp tục để phục hồi và phát triển DN, nuôi dưỡng nguồn thu sau này. “Phải ngăn chặn việc đặt ra các loại phí sai quy định tại nhiều địa phương hiện nay. Các khoản phí cầu đường, giao thông… cũng cần được quản lý chặt chẽ” – ông Lộc lưu ý.

Tổng hợp từ VCCI trước thềm Hội nghị “Diên Hồng” lần này còn cho thấy khó khăn chung của nhiều DN các địa phương hiện nay là giá thuê đất quá cao. Đơn cử như trường hợp Công ty CP Tam Kỳ (tỉnh Thái Bình), giá thuê đất của công ty này năm 2015 là 10.000 đồng/m2 thì năm 2016 là 33.600 đồng/m2 (tăng 3,36 lần). Hay Công ty CP Điện tử Thái Bình năm 2015 nộp 226 triệu đồng, năm 2016 tăng lên 618 triệu đồng (tăng 2,7 lần). Một DN khác cho biết giá thuê tăng từ 4 - 5 lần so với năm 2015.

Trong khi đó, các DN ở Hà Tĩnh phải chịu mức giá thuê đất tăng 5 lần trong vòng 5 năm qua (2010 - 2015). Các DN phân tích: Môi trường kinh doanh ở Hà Tĩnh nói riêng, ở Việt Nam nói chung chưa có cải thiện đột biến để tăng giá thuê đất 5 lần trong vòng 5 năm trong lúc kinh tế thế giới khủng hoảng. Hơn nữa, mức giá nêu trên được cho là vượt xa các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình... Và mức tăng hợp lý và vừa sức chịu đựng của DN là tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2010. Chung quan điểm, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình đề nghị, khi thực hiện tăng giá thuê đất cần có lộ trình cụ thể và có mức trần không vượt quá 2 lần so với giá năm 2010, như tinh thần Nghị quyết 02/2013/NQ/CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Cũng liên quan tới nội dung này, Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho xem xét, sửa đổi thuế đất hoặc miễn giảm thuế đất trong một thời hạn nhất định đối với các DN sản xuất trong nước nói chung và DN cơ khí nói riêng. Bởi, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi thi hành còn nhiều khó khăn vướng mắc cho các DN sản xuất, nhất là các DN cơ khí do diện tích đất dùng để sản xuất sản phẩm cơ khí thường là rất lớn nên tại thời điểm khó khăn hiện nay khiến nhiều DN cơ khí “không thể chịu đựng nổi”. Mặt khác, do chính sách thu hút đầu tư, tại thời điểm này, nhiều DN FDI được miễn giảm thuế đất, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN.

Có thể thấy, qua nhiều năm, thuế đất vẫn là nỗi bức xúc của nhiều DN, đặc biệt là các DN bất động sản. Đăng đàn tại hội nghị gặp Thủ tướng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh không ngần ngại đề cập tiền sử dụng đất luôn là gánh nặng của DN. Quá trình thẩm định nhiêu khê đẻ ra cơ chế xin - cho. Kiến nghị từ Hiệp hội là xem xét thay tiền sử dụng đất bằng một sắc thuế để hạn chế cơ chế xin - cho.

DN “khát” vốn rẻ

Ghi nhận từ thực tế hiện nay, các DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà DN Việt Nam đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ví dụ như lãi suất thực của Philippines là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm. Các DN trong nước đang phải gánh chịu chi phí từ cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Trước thềm Hội nghị Thủ tướng gặp DN 2016, nhiều DN đã lên tiếng phản ánh với mức lãi suất cho vay hiện hành thì các DN trong nước rất khó cạnh tranh với các DN trong cùng khu vực.

Rõ ràng là nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2 - 3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý. Vì thế, kiến nghị chung của DN là Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1 - 2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Nếu lãi suất hợp lý cũng sẽ thúc đẩy chuyển hướng nguồn vốn cho vay của các ngân hàng vào khu vực DN nhỏ và vừa và khu vực sản xuất chứ không tập trung quá nhiều vào các DN lớn và khu vực kinh doanh bất động sản như hiện nay. Đồng thời, NHNN cần triển khai gói hỗ trợ từ tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường 2 - 3% cho DN khởi nghiệp và DN nhỏ theo định hướng trọng tâm của Chính phủ (tương tự như gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội).

Theo http://www.kinhtedothi.vn/

Ý kiến bạn đọc