Rào cản thương mại
Rào cản thương mại đối với cá da trơn
12/12/2013

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại, trong đó có điều khoản chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp (USDA). Ðây được coi là hàng rào thương mại nhằm bảo vệ lợi ích người nuôi cá da trơn của Mỹ và gây khó cho cá tra, cá ba sa xuất khẩu của Việt Nam.

Nguy cơ từ "tiêu chuẩn tương đồng"

Chương trình giám sát cá da trơn lần đầu tiên được đưa vào Luật Nông trại 2008 của Mỹ, với quyền giám sát thuộc FDA. Tuy nhiên, hơn một năm nay, để bảo hộ người nuôi cá tại các bang nuôi trồng thủy sản lớn của Mỹ, các nhóm lợi ích đã vận động Chính phủ Mỹ đưa chương trình giám sát cá da trơn vào Dự thảo Luật Nông trại 2013 với điều khoản chuyển việc giám sát từ FDA sang USDA. Khi đó, tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ đã kiên quyết đấu tranh bác bỏ, yêu cầu phía Mỹ đưa việc giám sát cá da trơn trở về cho cơ quan FDA. Ðến tháng 6-2013, Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua việc bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, đến ngày 4-2-2014 vừa qua, sau cuộc họp của Thượng viện Mỹ, dự luật đã được thông qua, bao gồm cả điều khoản trách nhiệm giám sát phẩm chất cá da trơn nhập cảng vào Hoa Kỳ sẽ được chuyển giao từ FDA sang USDA. Với điều khoản này, cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải đáp ứng "tiêu chuẩn tương đồng" do USDA đưa ra từ quy trình sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu. Nếu không, Mỹ sẽ không cho phép nhập khẩu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Nguyễn Việt Thắng: Nếu dự luật được ký và đưa vào thực hiện sẽ gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Bởi lẽ, sản phẩm cá tra của Việt Nam tuy đã đạt được những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nhất định từ Mỹ và các nước châu Âu nhưng nếu để "đọ sức" ngang hàng với các tiêu chuẩn do USDA đưa ra cho các sản phẩm cá da trơn nội địa thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Nhất là trong điều kiện sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của nước ta chưa vận hành theo một quy trình khép kín, vẫn còn quá nhiều các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, thiếu điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là về tiêu chuẩn con giống và xác định xuất xứ nguồn gốc sản phẩm.

Chất lượng là yếu tố sống còn

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cho nên nếu thị trường này bị khép lại thì chắc chắn sẽ là một "cú sốc" lớn cho ngành hàng xuất khẩu cá tra, kéo theo đó là nguy cơ thất nghiệp của hàng trăm nghìn công nhân, nông dân. Nhận thức rõ thách thức này, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, Hiệp hội cá tra sẽ sớm tổ chức cuộc họp và lên tiếng phản đối điều khoản này. Về phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội khẳng định, sẽ kiên quyết đấu tranh để phía Mỹ đưa chương trình giám sát cá da trơn trở về FDA. Bởi bản thân chương trình giám sát này phải phù hợp với thực tế. Không thể áp dụng tương đồng tất cả các tiêu chuẩn của cá da trơn tại Mỹ lên cá tra, các ba sa của Việt Nam vì điều kiện nuôi của mỗi nước khác nhau với khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Việt Nam là một nước có bề dày truyền thống nuôi cá tra trong một thời gian dài và thực tế đã được người tiêu dùng Mỹ và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao về chất lượng sản phẩm thì không có lý gì phải chịu những yêu cầu phi lý từ thị trường Mỹ. Còn trong tình huống xấu nhất, nếu dự luật được ký ban hành thì phía Mỹ cần phải đưa ra lộ trình thực hiện cho ngành cá tra nước ta chứ không thể áp dụng trong ngày một ngày hai. Ông Trương Ðình Hòe cũng khẳng định, đây thực chất là một hình thức bảo hộ từ phía Mỹ cho các sản phẩm cá da trơn nội địa chứ không xuất phát từ yêu cầu về chất lượng.

Ý kiến bạn đọc