Thị trường xuất nhập khẩu
Rộng cửa xuất khẩu hàng Việt sang Slovakia
22/07/2016

 Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Slovakia đạt tổng 168 triệu USD, gồm các mặt hàng chủ yếu như: Hàng dệt, may; giày dép; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện. Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đứng đầu với giá trị đạt 67,1 triệu USD. Đứng thứ 2 là giày dép đạt 42,1 triệu USD. Nguyên phụ liệu dệt may đứng thứ 3 với giá trị đạt 35 triệu USD.

Nhìn lại từ năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Slovakia đạt 307,4 triệu USD, tăng trên 80% so với năm 2011. Đến năm 2013, kim ngạch đạt 407,3 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 391,7 triệu USD. Năm 2014, kim ngạch 2 chiều giảm nhẹ xuống còn 399,9 triệu USD và đến năm 2015 còn gần 300 triệu USD, trong đó Việt Nam vẫn xuất siêu 275,5 triệu USD.

Ở chiều nhập khẩu, năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu trên 18 triệu USD từ Slovakia với các sản phẩm như trang thiết bị, máy móc công nghiệp khai khoáng, vật liệu, tân dược, hóa chất, thực phẩm, bánh kẹo.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Slovakia vừa diễn ra tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Tính riêng về kinh tế, hai nước có tiềm năng rất lớn hợp tác thương mại vì không hề cạnh tranh trực tiếp mà các sản phẩm thế mạnh của mỗi bên mang tính bổ sung cho nhau rất cao. Hiện nay, dù quan hệ thương mại giữa hai nước có tăng trưởng nhưng còn hạn chế so với tiềm năng.

Năm 1993, Slovakia tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc. Việt Nam và Slovakia đã tuyên bố kế thừa các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây, lấy ngày 2/2/1950 là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Từ năm 1993 đến nay quan hệ giữa Việt Nam với Slovakia phát triển tích cực, hai bên đều coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã được xây dựng từ trước đây.

Hợp tác kinh tế-thương mại sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm trong quan hệ song phương. Năm 2016, hai nước sẽ phối hợp tổ chức Khóa họp lần thứ II Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và Cộng hòa Slovakia về hợp tác kinh tế tại Bratislava.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đánh giá, kim ngạch thương mại song phương còn thấp. Slovakia đề xuất thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Hai bên cởi mở hơn trong việc cấp thị thực nhằm hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp và người dân hai nước dễ dàng di chuyển đi du lịch, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác làm ăn lẫn nhau; sớm triển khai Hiệp định thương mại FTA Việt Nam - EU; thành lập những danh mục ưu tiên hợp tác hàng đầu giữa hai nước để giám sát quá trình triển khai; tăng cường trao đổi phái đoàn cấp cao, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đẩy mạnh quan hệ thương mại nhằm cải thiện kim ngạch của hai nước.

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Slovakia trong 6 năm qua là 33%. Việt Nam và Slovakia cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử, thông tin truyền thông. Đây là những hướng Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Slovakia sẽ thúc đẩy trong thời gian tới. Bộ Công Thương với tư cách Chủ tịch phân ban sẵn sàng tiếp nhận những nhu cầu cần hỗ trợ từ doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam là đối tác của Slovakia trong khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á. Hiện tại Slovakia là thành viên của EU, Slovakia là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào EU và châu Âu.

Nguồn: Báo VOV và tổng hợp

Ý kiến bạn đọc