Thị trường ngoài nước
Sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Nga giai đoạn 2010-2015
22/03/2016
Về thứ hạng và tỷ trọng:
Hiện nay, Liên bang Nga đang là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 26 của Việt Nam, trong khi đó ở chiều ngược lại Nga là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 22 của các doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, tính tổng thể trong năm 2015 Nga là đối tác thương mại lớn thứ 22 trong tổng số khoảng 200 đối tác thương mại của Việt Nam và chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Bảng 1: Tỷ trọng và thứ hạng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam- Nga trong năm 2015 (sơ bộ)

Chỉ tiêu

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Xuất nhập khẩu

Tỷ trọng so với tổng kim ngạch của Việt Nam (%)

0,9

0,5

0,7

Thứ hạng trong tổng số các thị trường của Việt Nam

26

22

22

Thứ hạng trong tổng số các thị trường châu Âu của Việt Nam

9

2

3

Thứ hạng trong tổng số các thị trường APEC của Việt Nam

15

14

14

Về kim ngạch xuất nhập khẩu và tốc độ phát triển:
Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Nga giai đoạn 2010-2015 có dấu hiệu chững lại, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 3,6%/năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn 2010-2015 đạt bình quân 2,29 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,6%/năm, con số này chưa xứng tầm với tiềm năng của cả hai bên.
Cụ thể, năm 2010, kim ngạch buôn bán hàng hóa hai chiều Việt Nam –Nga đạt 1,83 tỷ USD và năm 2011 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm trước.
Bước sang năm 2012, giao thương hàng hóa giữa hai nước đạt được sự tăng trưởng cao nhất trong cả giai đoạn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,45 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011.
Năm 2013, thương mại hàng hóa giữa hai nước vẫn đạt được sự tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2012, chỉ tăng 12,6%, với kim ngạch đạt 2,76 tỷ USD.
Năm 2014 và năm 2015 là hai năm gặp khó khăn của nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ lực nên kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Nga bị suy giảm, không đạt được tốc độ tăng trưởng dương. Về xuất khẩu, khó khăn ở các nhóm mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại & linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các nhóm hàng xăng dầu các loại, sắt thép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng đều bị suy giảm. Như vậy, tính chung tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 là 2,55 tỷ USD, giảm 7,6% so với một năm trước đó. Năm 2015, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh làm cho kim ngạch buôn bán 2 chiều giữa Việt Nam và Nga tiếp tục giảm sâu, giảm 14,2% so với năm 2014 và chỉ đạt 2,18 tỷ USD.

Biểu đồ 2: Diễn biến kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại Việt Nam- Nga giai đoạn năm 2010-2015

(Ghi chú: Thực hiện theo Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/01/2009 nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam được thống kê và công bố theo nước xuất xứ.)
Về cán cân thương mại:
Kể từ năm 2010 trở về trước, Việt Nam luôn nhập siêu từ thị trường Nga. Từ năm 2011 đến nay,cán cân thương mại giữa hai thị trường đã đổi chiều. Việt Nam xuất siêu sang thị trường Nga, nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhanh hơn và giảm thì giảm chậm hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Tính chung từ năm 2011 đến năm 2015, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 11,6%/năm, trong khi nhập khẩu giảm bình quân 5,7% /năm. Năm 2015, cán cân thương mại Việt Nam với Nga thặng dự gần 700 triệu USD.
Về mặt hàng xuất khẩu:
Trước năm 2010, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thế mạnh như hàng nông sản, hàng thủy sản, hàng dệt may, giày dép...Kể từ năm 2010 đến nay, ngoài các nhóm hàng truyền thống kể trên thì các doanh nghiệp ở Việt Nam còn phát triển xuất khẩu sản xuất nhiều nhóm hàng như điện thoại các loại & linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu của 2 nhóm hàng này dẫn đầu trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga.
Biểu đồ 2: Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Nga năm 2015

Về mặt hàng nhập khẩu:
Trong nhiều năm qua, Việt Nam nhập khẩu các hàng hóa có xuất xứ từ Nga chủ yếu là những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: xăng dầu các loại; sắt thép các loại; phân bón các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng; sản phẩm từ dầu mỏ; quặng & khoáng sản;...
Biểu đồ 3: Cơ cấu nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam từ Nga năm 2015

 
Ý kiến bạn đọc