Tin tức
Bưu chính tính chiêu “níu kéo” thị phần COD
03/09/2013
 

Để tăng khả năng cạnh tranh trong mảng dịch vụ vận chuyển, phát hàng thu tiền (COD) cho thương mại điện tử (TMĐT), gần đây một số doanh nghiệp (DN) bưu chính đã rục rịch “làm mới” dịch vụ COD
Nhiều doanh nghiệp bưu chính đã cải tiến, đổi mới dịch vụ COD theo hướng tạo thuận tiện cho khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
DN bưu chính “làm mới” dịch vụ COD

Trong bối cảnh TMĐT trên đà khởi sắc, thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển, phát hàng thu tiền phục vụ cho các giao dịch TMĐT có xu hướng cạnh tranh quyết liệt hơn với sự tham gia của ngày càng nhiều DN, các DN bưu chính đều nhận thức rõ áp lực phải cải tiến, đổi mới các dịch vụ, giải pháp hỗ trợ công đoạn vận chuyển và thanh toán của cả người bán cũng như người mua hàng qua mạng.

Mặt khác, theo chia sẻ của một số DN bán hàng trực tuyến cũng như lãnh đạo các DN bưu chính chuyển phát, sau gần chục năm được triển khai cung cấp, đến nay dịch vụ COD của DN bưu chính đã bộc lộ những hạn chế như: quy trình cung cấp dịch vụ thiếu linh hoạt; thời gian thu hồi tiền bán hàng cho website TMĐT bị chậm; thiếu hợp tác để cung cấp cho người mua online dịch vụ trả lại hàng; kỹ năng tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho các website bán hàng trực tuyến của đội ngũ nhân viên bưu chính đảm trách việc giao hàng còn kém…

Tại Bưu chính Viettel (ViettelPost), mặc dù ấp ủ từ năm 2009 dự định xây dựng một chiến lược phát triển bài bản đối với TMĐT, tuy nhiên đến năm 2012 ViettelPost mới khởi động thiết lập và triển khai giải pháp tổng thể giúp tháo gỡ khó khăn trong khâu giao nhận và thanh toán cho các website bán hàng qua mạng.

Trong quý IV/2012, bên cạnh việc điều chỉnh, sửa đổi chính sách giá dịch vụ COD  nhằm tạo mức giá cạnh tranh với các đối thủ, thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ; ViettelPost đã  tổ chức hội thảo giới thiệu “Giải pháp giao nhận đối với các doanh nghiệp TMĐT”, qua đó tìm hiểu nhu cầu đối với dịch vụ giao vận của hơn 70 DN bán hàng trực tuyến tham dự hội thảo. Đây là tiền đề quan trọng để ViettelPost đẩy mạnh phát triển dịch vụ COD cho các giao dịch TMĐT từ năm 2013.

Đặc biệt, nằm trong kế hoạch cải tiến, đổi mới dịch vụ COD theo hướng tạo thuận tiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các website TMĐT, vào cuối tháng 2/2013, ViettelPost đã hợp tác với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Theo đó, tới đây VietinBank sẽ trang bị trên 1.500 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) cho các bưu cục và đội ngũ nhân viên giao nhận của ViettelPost trên toàn quốc; Với thiết bị này khách hàng dùng dịch vụ COD của ViettelPost có thể dùng thẻ VietinBank để thanh toán cước qua POS và do đó tiền ViettelPost thu hộ từ người mua hàng sẽ nhanh chóng được chuyển trả về tài khoản của website TMĐT.

Cùng với đó, theo thỏa thuận hợp tác ký ngày 28/3/2013 giữa ViettelPost và Viettel Telecom, với việc gần 15.000 cộng tác viên của Viettel Telecom tham gia phát hàng cho bưu chính từ tháng 4 năm nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ, trong đó có dịch vụ giao nhận hàng cho TMĐT của Bưu chính Viettel đã “phủ” tới 100% xã/thôn/bản trên toàn quốc.

Ông Lương Ngọc Hải – Tổng giám đốc ViettelPost cho biết, những giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ COD cho các giao dịch TMĐT kể trên đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Doanh thu, sản lượng dịch vụ COD 4 tháng đầu năm đã bằng với cả năm 2012, chiếm hơn 3% tổng doanh thu chuyển phát. “Mục tiêu của ViettelPost là đến năm 2014, mảng dịch vụ COD cho các giao dịch TMĐT sẽ chiếm 30 – 40% tổng doanh thu dịch vụ chuyển phát”, ông Hải nói.

Còn tại Bưu điện TP.HCM, trong khi chờ công ty mẹ là VietnamPost có biện pháp giải quyết tình trạng chậm chuyển trả tiền cho khách hàng (các website TMĐT trên toàn mạng lưới), khoảng cuối năm 2010 đầu 2011, Bưu điện TP.HCM đã nghiên cứu và cho ra đời dịch vụ “Giao hàng thu tiền” – dịch vụ được cải tiến, phát triển trên cơ sở dịch vụ COD của VietnamPost. Ngoài việc có giá cước cạnh tranh, một ưu điểm nổi bật này của dịch vụ này chính là số tiền thu hộ được trả cho khách hàng sau 3 ngày kể từ ngày bưu gửi phát thành công.

Từ năm 2011, VietnamPost đã đề ra phương hướng cải tiến, đổi mới mạnh mẽ dịch vụ COD để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng và giành lại lợi thế cạnh tranh. Hiện tại, VietnamPost đã điều chỉnh, sửa đổi một số quy định nghiệp vụ đối với dịch vụ COD; nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý các dịch vụ theo hướng mở rộng những chức năng ứng dụng và khả năng xử lý giao dịch.

Đầu tháng 4/2013, VietnamPost đã ban hành mới bảng cước dịch vụ COD trong nước, sẽ được chính thức áp dụng từ ngày 1/6/2013. So với bảng cước hiện hành, bảng cước mới dịch vụ COD trong nước quy định các mức cước linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn như thay vì áp dụng chung 1 mức cước cơ bản là 1,5% số tiền nhờ thu và tối thiểu 20.000 đồng/bưu gửi như hiện nay, VietnamPost đã quy định chi tiết hơn về cước cơ bản dịch vụ thu hộ – chi hộ đối với khách hàng gửi bưu gửi COD liên tỉnh, trong đó cước COD theo lô (gửi nhiều bưu gửi từ một địa chỉ gửi đến cùng một địa chỉ nhận) bằng 1% số tiền nhờ thu, tối thiểu 15.000 đồng/lô; cước COD các trường hợp khác sẽ được tính theo các nấc tiền thu hộ – chi hộ.

Ngoài ra, việc thanh toán cước dịch vụ COD cũng được VietnamPost quy định linh hoạt với nhiều hình thức: người gửi trả trọn gói, người nhận trả trọn gói, người gửi và người nhận trả từng phần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Các DN bưu chính chuyển phát có quy mô nhỏ hơn như Kerry TTC Express (trước là Công ty CPN Tín Thành), Netco, SaigonPost, Hợp Nhất… cũng cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ COD theo hướng tạo thuận tiện cho các khách hàng, đồng thời áp dụng chính sách giá cước linh hoạt  nhằm “lôi kéo” khách hàng sử dụng dịch vụ của đơn vị mình.

Bưu chính nên chuyên tâm làm tốt khâu chuyển phát

Bên cạnh việc triển khai cung cấp dịch vụ COD, từ năm 2010, một số DN bưu chính đã đầu tư lập website để thử nghiệm tổ chức bán hàng trực tuyến như: ViettelPost (viettelpost.com.vn), Bưu điện Quảng Nam (quangnampost.com), Bưu điện TP.HCM (buudienonline.vn), Bưu điện Đắk Lắk (daklak.vnpost.vn), Bưu điện Tiền Giang (postshop.com.vn)…

Xét về hiệu quả kinh tế, tương tự như việc triển khai cung cấp dịch vụ COD trong giai đoạn trước, tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận thu được từ hướng thử nghiệm cung cấp dịch vụ, sản phẩm thông qua việc tự tổ chức kênh bán hàng online của đa số các DN bưu chính rất ít ỏi, không đáng kể.

Bình luận về kết quả khiêm tốn của của các DN bưu chính trong mảng dịch vụ hậu cần cho TMĐT, ông Nguyễn Hòa Bình – Tổng giám đốc Công ty PeaceSoft, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là các DN bưu chính trong nước chưa biết cách làm. Chính vì thế, các DN bưu chính cần và nên phối hợp, hợp tác với các đơn vị làm TMĐT chuyên nghiệp.

Trả lời về việc các DN bưu chính có nên đầu tư tự tổ chức, vận hành và kinh doanh trên website bán hàng trực tuyến hay không?, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Việc quản lý và vận hành một website TMĐT là vấn đề không dễ, đòi hỏi sự tự động hóa và chuyên môn hóa rất cao. Do đó, DN bưu chính nên chuyên tâm làm tốt việc cung ứng dịch vụ vận chuyển, phát hàng cho TMĐT, hơn là tự đứng ra mở website bán hàng trực tuyến để cạnh tranh với chính khách hàng của mình”.

Trao đổi với ICTnews tại thời điểm nhận chức vụ Tổng giám đốc VNPost Express (tháng 8/2012), ông Lê Quốc Anh cũng đã khẳng định, việc xây dựng một chiến lược bưu chính tham gia TMĐT không có nghĩa là DN sẽ triển khai bán một cái gì đó trên môi trường TMĐT. Mà quan trọng là DN bưu chính phải cung cấp được các giải pháp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động TMĐT, đáp ứng được nhu cầu của cả người mua và người bán hàng qua mạng.
Ý kiến bạn đọc