1. Vấn đề kho vận và hàng hóa
- Thiếu hàng
Đặt mua online giúp nhiều người có thể mua cùng lúc, nghe có vẻ hay, nhưng thử tưởng tượng có 1000 khách đặt mua, trong khi tại kho chỉ còn 300 cái. Vậy 700 khách hàng còn lại sẽ tức giận thế nào khi họ nhận được lời từ chối, tệ hơn là trong số đấy rất nhiều người vì tin bạn nên đã thanh toán tiền qua thẻ rồi.
- Thừa hàng
Tỷ lệ khách đặt mua online rồi hủy không lấy khoảng 5-10%, thậm chí 20-30%, chắc chắn cao hơn rất nhiều so với bán lẻ truyền thống. Vấn đề đặt ra là làm sao tính toán/dự báo để hạn chế tối đa việc thừa hàng/tồn hàng.
- Nhầm hàng
Với bán online, danh mục hàng hóa là vô tận. Bạn có thể đăng bán bao nhiêu sản phẩm cũng không vấn đề. Nhưng nhiều hàng quá khiến bạn mất kiểm soát. Xử lý cho 100 đầu sản phẩm còn được, nhưng nếu là 10.000 hay 100.000 đầu sản phẩm?
- Hàng lỗi
Đặt mua trên web thấy ảnh đẹp long lanh. Đến khi nhận hàng thấy bị rách, bị vỡ, bị dập, bị hỏng… Chi phí để xử lý sự cố thường gấp mấy lần so với chi phí thông thường.
- Mất hàng
Quy mô lớn, danh mục hàng nhiều, nếu không có công nghệ kiểm soát thì chắc chắn xảy ra thất thoát trong kho.
- Cân bằng hàng hóa giữa các kho
Kho hàng được đặt nhiều nơi trên toàn quốc, ở các thành phố khác nhau. Hoàn toàn xảy ra trường hợp có sản phẩm ở kho Hà Nội thừa hàng, nhưng ở Tp. Hồ Chí Mình không còn hàng để bán. Vậy cần hệ thống thống kê, đưa ra cảnh báo để quản lý kho vận có các quyết định phù hợp.
- Hàng hóa luân chuyển liên tục
Dẫn đến việc kiểm kho rất khó khăn. Hiện tại các bên sẽ ngừng bộ phận vận hành để cho kiểm kho, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng dịch vụ.
- Chi phí vận hành đội lên cao
Xử lý khối lượng đơn hàng lớn, tất yếu phải có nhiều người nhiều bộ phận. Nếu thiếu đi quy trình khoa học, thì ma sát giữa các bộ phận lớn, chi phí tăng cao.
- Xử lý sự cố
Nhiều người nhiều bộ phận. Cùng với đơn hàng nhiều là khối lượng công việc lớn: tiếp nhận, bốc dỡ, gắn mã vạch (hoặc RFID), xếp kệ, nhặt hàng, đóng gói, chuyển đi. Giả định sự cố xảy ra thì làm sao biết ai sai? bộ phận nào chịu trách nhiệm?
- Xử lý sai vì thiếu thông suốt thông tin
Nhiều người nhiều bộ phận. Mặt khác công việc xử lý trong kho là rất nhiều, gắn kết chặt chẽ với nhau. Thông tin từ bộ phận này hoàn toàn tác động lên hiệu quả hoạt động của bộ phận khác. Ví dụ đơn hàng 5 sản phẩm, sau khách báo chỉ mua 3, nếu bộ phận nhặt hàng sớm có thông tin thì không cần nhặt 2 sản phẩm kia. Với tỷ lệ 5-10% hủy, và số % khác khách hàng đổi/trả, con số phát sinh do thiếu thông suốt thông tin là không nhỏ.