Tin tức
Giảm bớt sức ép cho thương mại điện tử
11/11/2016

(TBVTSG) - Đi theo xu hướng công nghệ chung của thế giới, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, chi phí hậu cần quá cao đang khiến cho loại hình mua bán trực tuyến chưa thật sự thu hút người tiêu dùng. Dịch vụ hậu cần đang trở thành yếu tố “níu chân” thương mại điện tử.
Tại cuộc hội thảo về định hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua ở Hà Nội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết lĩnh vực thương mại điện tử đã có những bước tiến vượt bậc; từ bước tạo lập hạ tầng ban đầu nay đã bước vào giai đoạn ứng dụng trong cộng đồng và doanh nghiệp. Kết quả từ thực tế cho thấy, hoạt động thương mại điện tử không còn chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước.
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công Nghệ thông tin, nói rằng Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh. Theo sự tính toán của các chuyên gia, khu vực này chiếm tỷ trọng 51,5% lượng giao dịch trực tuyến toàn cầu và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó với tỷ lệ tăng trưởng 30%/năm.
Tuy nhiên, tỷ trọng luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh trực tuyến chỉ khoảng 2,8% mặc dù nằm trong khu vực có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất toàn cầu.
Gánh nặng chi phí hậu cần
Theo cuộc khảo sát gần đây của nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb, hơn 40% số người tiêu dùng được hỏi đã cho rằng giá bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử vẫn cao hơn giá bên ngoài và họ không mấy mặn mà với hình thức mua sắm qua mạng này. Trên thực tế, việc phải tốn quá nhiều chi phí cho khâu hậu cần (logistics) đã khiến hình thức mua sắm trực tuyến không có lợi thế về giá so với việc mua hàng trực tiếp. Thậm chí, giá nhiều mặt hàng khuyến mãi trên mạng còn bị đẩy lên cao hơn sau khi cộng chi phí vận chuyển. Ví dụ, một món hàng được khách ở Cần Thơ đặt mua qua mạng, khi chuyển từ TPHCM về Cà Mau sẽ phải cõng thêm ít nhất 30.000 tiền phí giao nhận và tất nhiên khách hàng sẽ phải là người gánh khoản phí này.
Trong thương mại điện tử, khâu hậu cần còn được hiểu là quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong năm 2015, chi phí hậu cần ở Việt Nam tương đương 20,9% GDP và Việt Nam là một trong những nước có chi phí hậu cần cao nhất thế giới.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong những năm qua cũng cho thấy chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm 20-25% GDP, trong đó, chỉ riêng chi phí vận tải chiếm khoảng 60%. Chi phí hậu cần của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là khâu tổ chức hoạt động vận tải còn thiếu tính khoa học và linh hoạt, tỷ lệ xe chạy “rỗng” trên đường về chiếm hơn 30%. Đường bộ hiện nay vẫn là phương thức vận tải chính khi chiếm đến 80% tổng sản lượng hàng hóa vận tải. Tình trạng xe chạy rỗng như hiện nay không chỉ làm lãng phí nguồn lực xã hội, gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến giá thành hàng hóa cao hơn, kém cạnh tranh so với các nước khác, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định TPP, AEC và nhiều hiệp định song phương khác. Do đó, không có gì lạ khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước bị suy giảm bởi gánh nặng chi phí hậu cần. Hơn nữa, ngành hậu cần trong nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu kém như: sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu tính chuyên nghiệp, tỷ lệ áp dụng công nghệ trong khâu vận chuyển còn thấp, thời gian chuyển hàng kéo dài (nhất là về các khu vực nông thôn), các hình thức thanh toán chưa đa dạng, cước phí chuyển hàng cao… Tất cả những đặc điểm này cũng là những trở ngại lớn để phát triển ngành thương mại điện tử trong tương lai.
Những hướng tiếp cận mới
Để góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân và tạo điều kiện cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển, theo giới chuyên môn, cần loại bỏ những rào cản về hậu cần, khuyến khích sự ra đời của những tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần chỉ phục vụ riêng cho thương mại điện tử, xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa.
Mô hình xây dựng liên minh vận chuyển tại các địa phương được xem là một trong những hướng đi mới hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành hậu cần hiện nay. Theo các chuyên gia, việc xây dựng mạng lưới hậu cần chuyên nghiệp rộng khắp cả nước hiện nay là điều khó khăn và cần nhiều nguồn lực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành có thể áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ, tìm kiếm các đối tác tại các tỉnh thành, chuyển giao công nghệ để xây dựng liên minh vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng tại các tỉnh thành.
Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, để giải quyết tình trạng lãng phí của ngành vận tải hiện nay thì việc tập trung, kết hợp, đi chung, chia sẻ phương tiện vận tải là một xu thế tất yếu của xã hội. Ở các thành phố lớn cần có sàn giao dịch vận tải giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và các doanh nghiệp vận tải gặp nhau, kết nối dễ dàng hơn.
Sàn vận chuyển ra đời dựa trên thực trạng và nhu cầu chung của xã hội. Sàn này sẽ có sự tham gia của ba bên: nhà cung cấp dịch vụ, chủ hàng và chủ xe, giúp kết nối cung và cầu vận chuyển hàng hóa một cách hữu hiệu. Khác với các mô hình sàn giao dịch vận tải trước đó, sàn vận chuyển sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong hoạt động. Ví dụ, số hóa hoạt động kinh doanh và quản lý vận chuyển truyền thống; đơn giản hóa quy trình thông qua các phần mềm ứng dụng trực tuyến trên trang web và ứng dụng di dộng. Bên cạnh đó, sàn vận chuyển là mô hình hoàn toàn miễn phí đối với các cá nhân, tổ chức đăng ký giao dịch.
Sàn vận chuyển được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu đúng xu thế kinh tế chia sẻ để tối ưu hóa nguồn lực xã hội, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường cũng như góp phần giúp hàng hóa Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Cần sự phối hợp tốt hơn
Tại cuộc hội thảo mang tên “Dịch vụ hoàn tất đơn hàng” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức vào ngày 26-10 vừa qua ở TPHCM, các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như các công ty giao nhận hàng hóa cho rằng cần có sự phối hợp tốt hơn giữa hai bên để nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng cho người mua hàng trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, khâu hoàn tất đơn hàng phải ngày càng hoàn thiện hơn để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh doanh trực tuyến. Các khâu đóng gói, kho vận, giao nhận hàng hóa của chuỗi dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment) phải bảo đảm chất lượng dịch vụ, nhằm cung cấp sự trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng khi mua sắm qua mạng. “Ở giai đoạn phát triển này của ngành thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát cũng như dịch vụ hoàn tất đơn hàng đang chiếm vị trí quan trọng và cần phải được hoàn thiện”, ông nói.
Hiện tại, dịch vụ hoàn tất đơn hàng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, tính chuyên nghiệp, hình thức thanh toán, cước phí chuyển hàng. Phần lớn các doanh nghiệp thương mại điện tử đang thuê các đơn vị bên ngoài cung cấp các dịch vụ đóng gói, lưu kho, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại…
Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Công ty Haravan, đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến (trang web, phần mềm ứng dụng…), cho biết các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến cần có sự phối hợp với nhà vận chuyển hàng hóa để có được thời gian giao hàng tối ưu, đồng thời phải chọn cho mình một đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận tốt nhất, sử dụng giải pháp công nghệ thông tin để quản lý thời gian giao hàng, bảo đảm hàng hóa được giao tận tay người mua… Người đại diện công ty giao nhận Proship.vn cho rằng để có được một quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa hoàn chỉnh phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người bán, người giao hàng và người mua.
Theo lời nhận định của các nhà bán lẻ thì thương mại điện tử sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực bưu chính, giao nhận hàng hóa cùng với một số hoạt động kho vận, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa. Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng.

Thesaigontimes.vn
 
Ý kiến bạn đọc