Tin tức
Mua hàng trực tuyến: Vàng thau lẫn lộn
23/10/2016
Mới đây, Apple vừa đệ đơn kiện Công ty Mobile Star LLC xâm phạm đăng ký thương hiệu vì công ty này đã bán những củ sạc và dây cáp sạc giả thương hiệu Apple trên chợ trực tuyến Amazon và Groupon.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái là tình trạng đang khiến nhiều công ty và các nhà quản lý chợ trực tuyến đau đầu. Dễ dàng lựa chọn, thanh toán nhưng việc mua bán trên chợ trực tuyến lại rất… hên xui vì không kiểm soát được vấn đề “vàng thau lẫn lộn”.
Chín tháng qua, Apple đã âm thầm mua lại 100 sản phẩm gồm điện thoại, bộ sạc cáp Lightning được giới thiệu là hàng chính hãng trên Amazon. Apple khẳng định, 90% số này là hàng giả và khuyến cáo, sản phẩm giả có thể dẫn đến cháy nổ, gây rủi ro lớn cho cộng đồng.

Ảnh: Internet
Sau nhiều lần phản ánh chuyện hàng giả, hàng nhái, chỉ nhận được thái độ bất hợp tác của Mobile Star LLC, Apple quyết định làm mạnh tay. Apple cho biết, sẽ đòi khoản bồi thường 150.000 USD cho mỗi đăng ký tác quyền và 2 triệu USD cho mỗi đăng ký nhãn hiệu bị vi phạm. Đại diện Amazon đã trấn an dư luận là họ không chấp nhận việc mua bán hàng giả và cam kết hợp tác với nhà sản xuất, nhãn hàng, để đưa vụ việc ra ánh sáng. Tuy nhiên, hiện việc này vẫn chỉ là “lực bất tòng tâm”.
Tháng Bảy vừa qua, hãng giày Đức Birkenstock - một trong những khách hàng lớn của Amazon, cũng đã quyết định rút khỏi chợ trực tuyến này, vì Amazon không có biện pháp kịp thời và hữu hiệu để chống nạn hàng giả, hàng nhái trà trộn.
Áp lực giữ vững danh hiệu chợ trực tuyến lớn nhất thế giới trong bối cảnh đang xuất hiện rất nhiều trang web cạnh tranh khiến Amazon buộc phải “dung nạp” cả những nhà cung cấp kém chất lượng.
Jamie Whaley là một nạn nhân của sự cạnh tranh vô tội vạ trên Amazon. Cô từng có lợi nhuận mỗi năm 700.000 USD nhờ kinh doanh chăn nệm, nhưng vì có quá nhiều đối thủ nhái mẫu mã, doanh thu cô sụt giảm hẳn. Jamie buộc phải sa thải nhiều nhân công, ngậm ngùi hướng khách hàng đến trang web riêng của mình, do không cạnh tranh nổi với những trò bẩn mà đối thủ (phần lớn là nhà bán lẻ Trung Quốc) tung ra. Không chỉ “cướp trắng” thiết kế của Jaime, họ còn tung tiền cho người đăng bình luận, tâng bốc “hàng nhái” của mình lên mây.
Alibaba, sàn thương mại điện tử lớn nhất châu Á cũng nhiều phen lao đao vì những vụ kiện liên quan hàng giả, hàng nhái. Một trong số đó là vụ kiện từ Kering - đơn vị sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Gucci hay Yves Saint Laurent.
Alibaba từng là thành viên của Liên minh Chống hàng giả quốc tế (IACC), nhưng tháng Năm vừa rồi, IACC đã ngưng vị trí thành viên của Alibaba vì mâu thuẫn trong điều kiện ràng buộc. Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba cũng phải thừa nhận, cuộc chiến bảo vệ quyền được sở hữu sản phẩm có xuất xứ đúng nguồn gốc cho người tiêu dùng là không dễ. Đã vậy, ông còn cho rằng, hàng giả-nhái của Trung Quốc trong nhiều trường hợp còn… tốt hơn hàng thật(?!).
Trước mắt, người tiêu dùng chỉ còn cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ, khi muốn mua hàng trên Amazon hay bất kỳ trang thương mại điện tử nào. Nhiều chuyên gia thương mại điện tử cảnh báo, việc mua hàng trên mạng luôn tiềm ẩn rủi ro về chất lượng. Ngoài những dấu hiệu về nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển, người mua cần chủ động tìm hiểu nguồn gốc cung cấp, yêu cầu hình ảnh, chứng từ. Bên cạnh những nỗ lực của các trang thương mại trực tuyến, người tiêu dùng cũng cần biết đòi hỏi những đảm bảo, mới có thể giảm bớt rủi ro.
(Theo Patently Apple, Fortune, Mac Rumors, CNBC)
 
Ý kiến bạn đọc