Tin tức
Thị trường thiết bị chống trộm xe máy: Vì sao vẫn chỉ tiềm năng?
19/02/2014

Theo thống kê hồi tháng 4 năm ngoái của Bộ Giao Thông Vận Tải, lượng xe máy lưu thông trên cả nước đã hơn 37 triệu chiếc. Riêng ở khu vực Tp HCM, có hơn 5,6 triệu chiếc của dân địa phương và khoảng một triệu chiếc ở các tỉnh được người dân đưa vào khu vực này để kiếm sống.

Doanh thu chỉ riêng thị trường Tp HCM ước tính có thể lến đến hàng ngàn tỷ đồng, cộng với tình hình trộm cướp xe máy diễn biến ngày càng phức tạp đang là một thế cho thiết bị chống trộm, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp kinh doanh thiết bị nói trên tạo được tiếng vang trên thị trường.

Thiên thời, địa lợi…nhưng thiếu nhân hòa

Nhìn chung, trên thị trường hiện có hai giải pháp chống trộm phổ biến được áp dụng là sử dụng khóa từ và thiết bị dò tìm dựa trên công nghệ GPS. Theo đó, các thiết bị này có giá từ 1 triệu đến 1,7 triệu đồng đối với khóa từ và hơn 2,5 triệu đồng với thiết bị GPS, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc… Giai đoạn giữa năm 2013 đầu năm 2014, một số doanh nghiệp Việt như Định Vị Số, Tây Bắc Á… đưa vào thị trường các dòng sản phẩm tích hợp cả hai chức năng nói trên với giá tầm 2,5 triệu trở xuống.

Các thiết bị chống trộm do doanh nghiệp Việt sản xuất trong năm nay đều cam kết giải quyết bài toán hoạt động chập chờn và nhất là “ngốn” pin của các thiết bị của Trung Quốc. Như SmartBike của Định Vị Số, SETECH Việt tầm 4 tuần, Tây Bắc Á là 25 ngày… Tuy nhiên, các yếu tố này không đủ để các doanh nghiệp mạo hiểm sản xuất đại trà trong thời gian tới.

Ông Đinh Minh Quân, Chủ tịch công ty Định Vị Số cho biết sẽ xuất xưởng khoảng 2.000 sản phẩm trong năm 2014 để thăm dò thị trường. Tương tự, ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tây Bắc Á cho biết sẽ đưa ra 20.000 sản phẩm cũng chỉ để nghe ngóng thị trường.

Dè chừng là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp khi tiến hành thương mại hóa sản phẩm. Lý do đơn giản, khách hàng e ngại. Anh Sơn, sinh viên đại học Kiến trúc cho biết, các thiết bị chống trộm hiện đều đưa ra cam kết bảo vệ xe máy khi không sử dụng lẫn khi đang chạy bằng cách tắt máy từ xa. Với một vài biện pháp kỹ thuật, chiếc xe chỉ khởi động lại khi chủ nhân nó cho phép. Tuy nhiên, Sơn lo ngại rằng các tính năng này “dở chứng” tắt máy ngay cả khi anh đang sử dụng, “Lúc đó, tôi sẽ khởi động lại bằng cách nào ?”

Tương tự, Minh Tuấn, nhân viên kinh doanh, thắc mắc rằng anh sẽ tìm trợ giúp ở đâu nếu xe tự động tắt máy khi anh đang trên đường quốc lộ về quê ở Đồng Nai, nơi mà việc tìm các tiệm sửa xe là rất khó.

Ông Quân của Định Vị Số cho rằng, vấn đề cần phải giải quyết là bài toán niềm tin của khách hàng, dù các sản phẩm của công ty đã được thử nghiệm thực tế gần một năm trước. Ông Quân cũng cho rằng các kế hoạch kinh doanh của công ty sẽ thất bại nếu 1% trong số 2.000 sản phẩm đưa ra thị trường trong năm 2014 bị hỏng hóc mà không có hướng giải quyết kịp thời. Quân cho biết ông đang hình thành mạng lưới bảo trì ở nhiều nơi, gồm một số tỉnh lân cận.

Cùng chung quan điểm, ông Hùng của Tây Bắc Á cho rằng sau một thời gian gặp phải những phiền phức do thiết bị của Trung Quốc đem lại, người tiêu dùng có tâm lý xem xét cẩn thẩn đối với các thiết bị chống trộm cho xe máy. “Cần thêm thời gian để khách hàng trải nghiệm.”, ông Hùng nói.

Cửa hẹp cho nhà khởi nghiệp

Một lý do khác khiến thị trường chống trộm xe máy chưa sôi động được chính là số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia chưa nhiều, phần lớn thị trường thuộc về các nhà phân phối hàng Trung Quốc với chất lượng rất khó kiểm chứng. Tuy nhiên đây lại không phải là sân chơi dành cho các nhà khởi nghiệp.

Cách đây hai năm, Ngọc Thuần, một chuyên gia công nghệ từng hào hởi nói về dự án trăm tỷ đồng với thiết bị chống trộm. Anh và nhóm hơn 5 người, phần lớn là kỹ sư công nghệ các trường đại học hàng đầu miền Nam, đã thiết kế sản phẩm, đóng gói bao bì và chỉ chờ ngày ra mắt.

Tuy nhiên, sau hai tháng Thuần cho biết anh vẫn đang tìm cách bán sản phẩm ra thị trường vì chi phí bán hàng quá lớn. Theo kế hoạch anh phải có nhân viên bán hàng tại các cửa hàng xe máy của các hãng Yamaha, Honda… đó là chưa kể thiết lập hệ thống bảo trì, tổng đài tiếp nhận sự cố. Bởi với mức giá tầm 1,5 triệu đồng, việc bán hàng trực tuyến không phải dễ dàng nhất là khi các thiết bị chống trộm Trung Quốc đã có mặt ở thị trường với giá rất cạnh tranh.

Hai năm sau, các sản phẩm Trung Quốc đã bộc lộ điểm yếu về chất lượng, nhưng trở ngại không vì thế mà giảm, một số doanh nghiệp như Tây Bắc Á, cơ sở chống trộm KCT (doanh nghiệp nhập thiết bị từ Singapore)… đều có mặt tại các cửa hàng bán xe máy, thậm chí là ở các cơ quan công an có chức năng đăng ký xe máy mới. Chi phí bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối, bảo hành vẫn là bài toán khó giải đối với các nhà khởi nghiệp thiếu vốn và kinh nghiệm.

Kỳ vọng trong năm 2014

Nguyễn Hoàng Phúc, người phụ trách đối ngoại của dự án SmartBike cho biết anh đang lên kế hoạch tiếp thị len lỏi vào các địa điểm mà các doanh nghiệp đối thủ còn bỏ trống. Chiến thuật của Phúc là tiếp thị theo tiêu chí ít vốn. “Chợ, chỗ rửa xe, dán keo xe… đều có thể là địa điểm tiếp thị hữu hiệu đối với SmartBike.”, Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hùng của Tây Bắc Á cho biết song song với việc thăm dò sản phẩm, Tây Bắc Á cũng đang tìm kiếm các đối tác kinh doanh thiết bị chống trộm do công ty sản xuất trong thời gian tới. Một nguồn tin hành lang cho biết hiện SETECH Việt đang tìm kiếm trợ giúp từ Becamex TIC (Trung tâm công nghệ và Sáng kiến của Becamex) hồi đầu năm nay và đã nhận được sự đồng ý.

Hy vọng rằng sức trẻ của SmartBike, kinh nghiệm của Tây Bắc Á và SETECH Việt sau khi được Becamex TIC tư vấn sẽ đem lại những làn gió mới cho thị trường chống trộm xe máy trong năm 2014.

twenty.vn
Ý kiến bạn đọc