|
||
Hiện tượng mới về công nghệ và văn hoá Mạng thông tin điện tử xuất hiện là một hiện tượng công nghệ mới của nhân loại. Sáng tạo này đánh dấu sự ra đời của vấn đề toàn cầu hoá về thông tin. Nó trở thành cơ sở hạ tầng cơ bản của xã hội thông tin hiện đại, tạo ra và làm thay đổi phương thức sản xuất, sinh hoạt của xã hội loài người. Con người xích lại gần nhau hơn, bất chấp khoảng cách giữa các quốc gia, lãnh thổ, châu lục... Các vạch chỉ giới, biên giới chỉ là những thuật ngữ của trái đất, không tồn tại trên mạng điện tử. Một không gian mới, một thế giới mới của nhân loại được hình thành. Cư dân của thế giới này được gọi là cư dân mạng. Bất kỳ ai muốn trở thành cư dân mạng, chỉ cần một động tác đơn giản trên thiết bị máy tính có “cổng” vào thì ước muốn sẽ trở thành hiện thực ngay lập tức. Tại môi trường này, họ được tiếp nhận tất cả những gì đang tồn tại, từ màu sắc, âm thanh đến hình ảnh. Họ cũng có thể sáng tạo ra những gì họ muốn... Môi trường mạng thông tin toàn cầu cũng cho phép tạo ra các Weblog (Blog cá nhân). Văn hoá mạng toàn cầu do đó trở nên dân chủ, công khai hơn bất kỳ thời gian nào. Theo một hãng dịch vụ tìm kiếm Weblog, danh mục theo dõi của họ có trên 3 triệu địa chỉ loại này. Ước tính bình quân cứ 5,8 giây có một Weblog được tạo ra từ một nơi nào đó của thế giới. Có khoảng 55% các Weblog loại này đưa thông tin hàng ngày, 3% đưa thông tin lên mạng theo từng giây. Nhiều Weblog của cá nhân hay một nhóm người đã sử dụng công cụ mới là các phương tiện kỹ thuật số để thực hiện hoạt động sáng tạo, chuyển tải tài sản trí tuệ lên mạng. Nhiều Weblog có đủ các loại hình văn học, nghệ thuật và khoa học, từ ca nhạc, sân khấu, điện ảnh, trò chơi đến tác phẩm văn học. Tuy nhiên, sức hấp dẫn từ những tiện ích này đã làm mê hồn nhiều công dân mặt đất. Có không ít kẻ mê muội, không ăn, không ngủ suốt ngày đêm với thế giới mới không phân biệt ngày đêm này. Có thể nói, mạng thông tin điện tử cũng là một hiện tượng văn hoá mới. Nó giúp cho môi trường văn hoá phát triển. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề toàn cầu của nhân loại cần đặt ra từ mặt trái thành tựu này. Mỗi quốc gia, mỗi cá nhân sẽ có cách ứng xử riêng, nhưng cần theo hướng tích cực để “thế giới ảo” có trật tự, có văn hoá lành mạnh, thân thiện và bền vững. Công cụ sáng tạo mới Tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra công cụ mới cho lao động sáng tạo. Theo truyền thống, con người phải dùng giấy, bút để viết văn, làm thơ và soạn nhạc, dùng bút lông và mực màu để vẽ tranh, dùng bút và thước để thiết kế công trình kiến trúc, xây dựng... Đó là công cụ truyền thống đã và đang được con người dùng để thực hiện các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học. Nay, công cụ mới là máy vi tính với các phần mềm tương thích, con người có thể thỏa chí thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình về bất kỳ loại hình văn học, nghệ thuật và khoa học nào. Một tiểu thuyết, bài thơ, bản nhạc, bức tranh nghệ thuật, một tác phẩm điện ảnh, sân khấu hay chương trình tạp kỹ, một phần mềm máy tính... đều được sáng tạo từ công cụ tiện ích này. Các toà lâu đài, đền chùa, miếu mạo, lăng tẩm, các công viên, sân gôn, các trò chơi kỳ thú, hấp dẫn đều có thể được sáng tạo trên màn hình và lưu trữ trong thế giới ảo, tuỳ theo sức tưởng tượng và năng lực sáng tạo của mỗi người. Công cụ sáng tạo này đã giải phóng sức lao động của xã hội loài người, rút ngắn thời gian sáng tạo, chuyển tải nhanh tư duy và chất xám của con người thành tác phẩm. Cũng chính công nghệ kỹ thuật số làm cho tác phẩm chuẩn xác và hoàn hảo hơn. Các bản sao kỹ thuật số có độ chính xác tuyệt đối. Với các thiết bị kỹ thuật số đa dạng và phong phú, con người có thể có nhiều vai trò khác nhau trong lao động sáng tạo. Nếu là tác phẩm điện ảnh thì họ có thể vừa là tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, họa sỹ trường quay, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, đồng thời là diễn viên, nhà phát hành và công chúng thưởng thức. Nhiều video clip được phát lên mạng thuộc dạng này. Công cụ sáng tạo này còn làm thay đổi các thuật ngữ thông thường. Nếu như trước đây, tác phẩm nhiếp ảnh là hình ảnh của thế giới khách quan được thể hiện trên vật liệu bắt sáng, thì nay định nghĩa đó không còn đúng nữa, bởi còn loại tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện trong môi trường kỹ thuật số. Tác phẩm nhiếp ảnh sau khi chụp bằng thiết bị kỹ thuật số, còn được sáng tạo tiếp bởi công cụ cắt, ghép hình ảnh, thậm chí thay đổi cả thời gian từ hạ sang đông hoặc bất kỳ mùa nào trong năm, tuỳ theo ý thích của tác giả. Công nghệ kỹ thuật số, môi trường kỹ thuật số, mạng internet quả là công cụ “lợi hại” của con người. Tính ưu việt không thể phủ nhận, nhưng không ít tổ chức, cá nhân đã lợi dụng nó để thể hiện quan điểm cá nhân lạc lõng, phi khoa học nghệ thuật, thậm chí bệnh hoạn. Cách thức mới trong lưu giữ và phổ biến tác phẩm đến công chúng Trong quá khứ, con người đã sử dụng nhiều cách thức phổ biến tác phẩm đến công chúng. Từ thời Trung cổ, những phát kiến về triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật đã được ghi chép trên vỏ cây (chỉ thảo), vách đá và chính trên da thịt mình, sau đó là thẻ tre, da thú, đất nung... Đó là hình thức sơ khai về sách để lưu truyền trong cư dân. Nhà chùa in sách kinh phật, triều đình in sách thánh hiền, sắc chỉ của vua trên giấy để phát hành đến công chúng. Con người dùng ngôn ngữ nói để kể cho nhau về các sự tích, hát cho nhau nghe một làn điệu dân ca, dùng cử chỉ, hành động để thực hiện các trò diễn, trò chơi dân gian... đó là cách lưu truyền văn học, nghệ thuật dân gian. Ngày nay, với công nghệ kỹ thuật số, mạng internet, con người đã đưa tác phẩm của mình, từ loại có ký tự đến loại có đường nét, hình khối, màu sắc, âm thanh, hình ảnh vào môi trường kỹ thuật số. Các tác phẩm dù ở bất kỳ dạng nào đều được số hoá để lưu trữ và hiển thị khi có nhu cầu tiếp cận. Việc lưu trữ tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số để sẵn sàng phục vụ công chúng hưởng thụ ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào do họ lựa chọn, là cách thức mới trong việc truyền đạt tác phẩm. Công chúng ở bất kỳ quốc gia nào, ở mọi lứa tuổi, không phân biệt ngày đêm, đều có thể tìm đến tác phẩm khi nó đang tồn tại trên mạng. Lợi dụng cách thức này, không ít trang tin điện tử, các Weblog đã phát tán những tin, bài, hình ảnh lạc lõng với thời cuộc, văn hoá truyền thống, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc thuộc bí mật cá nhân cũng đã bị phát tán trên mạng gây bất bình trong dư luận xã hội. Cách thức truyền đạt mới này tạo nên thương mại điện tử. Con người có thể quảng bá sản phẩm trí tuệ của mình trên mạng. Họ đưa ra các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bao gồm thông tin về tác giả, tác phẩm, về chủ sở hữu quyền, thể thức sử dụng tác phẩm, mức tiền bản quyền và các mã khoá nhằm ngăn chặn người khác tiếp cận tác phẩm khi chưa đáp ứng yêu cầu của họ. Thương mại điện tử đã lan nhanh tại các quốc gia phát triển, hy vọng trong tương lai thị trường này sẽ mở rộng và thành công tại Việt Nam. Cũng bắt nguồn từ cách thức mới này, không ít người với động cơ vụ lợi, đã bất chấp pháp luật và đạo đức hành nghề, đạo đức kinh doanh, thực hiện các hành vi tháo, dỡ, huỷ bỏ các thông tin quản lý quyền để tiếp cận tác phẩm, tuỳ tiện sao chép, sử dụng, kinh doanh bất hợp pháp tác phẩm trên mạng thông qua việc sao chép điện tử và phát hành bản sao điện tử. Tệ hại hơn là các “hacker” ngông cuồng phá hoại những trang tin điện tử, gây thiệt hại về tinh thần và vật chất cho nhiều cá nhân, tổ chức là chủ nhân của các trang thông tin điện tử. Là lĩnh vực mới, việc quản lý và thực thi pháp luật đối với mạng thông tin điện tử đang đặt ra nhiều vấn đề mang tính toàn cầu cần được giải quyết. Tại Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ từ cơ chế pháp luật, chính sách đến thực thi. Pháp luật và chính sách phải hướng đến sự phát triển lành mạnh của internet. Đó còn là ý thức và trách nhiệm công dân khi tham gia các quan hệ trong mạng thông tin điện tử toàn cầu. TS. VŨ MẠNH CHU Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả |
Tin tức
Văn hóa toàn cầu với mạng thông tin điện tử
08/11/2010
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
TIN TỨC CŨ