Tin tức
VinE-com: “Thương mại điện tử hay là điện tử hoá thương mại?”
26/02/2014

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam từ lâu luôn được đánh giá là “mảnh đất vàng”, “đầy tiềm năng” với hơn 31 triệu người dùng (đông hơn dân số Úc và New Zealand cộng lại). Tuy nhiên, sự khai thác luôn chỉ dừng lại ở giai đoạn “tiềm năng”. Ngành Internet nói chung và TMĐT nói riêng thiếu hẳn sự đầu tư bài bản, lâu dài từ những công ty lớn cả trong và ngoài nước.

TMĐT 2013 với ước tính thị trường mua bán online vào khoảng 2.5 tỷ USD. Trong khi đó sự kì vọng thị trường cho 2014 là hơn 3.5 tỷ USD. Bên cạnh đó, 2014 từ lâu đã được các chuyên gia trong ngành cho là “năm bản lề” của một 2015 “đại nhảy vọt” của TMĐT Việt Nam với thị trường ước tính hơn 5 tỷ USD.

Tuy nhiên 2013 khép lại trong không khí ảm đạm với hàng loạt những dự án đóng cửa và tái cơ cấu (123.vn, project LANA, solo.vn etc.), với nhiều nhân sự cấp cao phải ra đi và sự “lỡ hẹn” bùng nổ của những dự án lớn.

Trong bối cảnh đó, việc VinGroup công bố đầu tư hơn 1000 tỷ vào lĩnh vực TMĐT, thành lập VinE-com và điều chuyển CEO hiện tại sang làm TMĐT đã làm nô nức tinh thần cả ngành công nghiệp Internet.

Như “nắng hạn” gặp “mưa rào”, từ công ty ra đến quán café, từ nhà ra đến tiệm net, các chuyên gia trong ngành ai ai cũng rôm rả bàn luận về những gì VinGroup và VinE-com sẽ làm trong thời gian tới.

Tuy nhiên cho đến giờ này, ngoại trừ các tin đồn, VinE-com vẫn khá kín tiếng cho những dự định tiếp theo của mình. Họ sẽ làm gì? Đầu tư vào lĩnh vực nào? Bán cái gì? Hình thức nào? B2C? C2C? Mua công ty nào… Tất cả vẫn chỉ là một dấu hỏi to lớn.

Tôi viết bài này, xin tản mạn một chút dựa trên hiểu biết của mình về những gì tôi nghĩ họ sẽ làm và những khó khăn mà họ có thể gặp phải, những bài toán mà họ phải đối mặt khi chân ướt chân ráo bước vào thị trường đầy “tiềm năng” và cũng lắm đại gia đã ngã xuống này.

Kì 1: Họ sẽ làm gì?

Nói đến VinGroup, người ta nghĩ ngay đến một “đại gia” bất động sản, sở hữu những trung tâm thương mại “khủng” với thương hiệu VinCom, khu du lịch VinPearl, bệnh viện VinMec và gần đây nhất là giáo dục với thương hiệu VinSchool.

Việc đầu tiên họ có thể làm với TMĐT là tạo ra một sân chơi online cho những thương hiệu (brand) và nhà bán lẻ (retailer) có mặt tại các trung tâm thương mại VinCom của họ. Một mô hình sàn TMĐT cao cấp với các dịch vụ khách hàng xuất sắc và tạo ra một giá trị “đáng đồng tiền bát gạo”. Giống như cách mà họ đã tạo ra với trải nghiệm offline

1. Tmall Việt Nam

Thứ gần gũi nhất với một khái niệm như vậy là Tmall – một website bán hàng cao cấp của Trung Quốc, thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba.

Tmall là tập trung tất cả những gì tinh hoa nhất, những thương hiệu nổi tiếng nhất và đem lại một trải nghiệm mua hàng online sang trọng nhất Trung Quốc. Trong đó người dùng mua trực tiếp từ nhà máy, showroom của các thương hiệu cao cấp. Website được trình bày như một trung tâm thương mại 11 tầng với hàng hoá từ thời trang nam nữ, mỹ phẩm, sách, điện tử, điện thoại cho đến trang trí nội thất, nữ trang và cả ô tô.

VinE-com có thể sẽ làm ngay và luôn một website listing toàn bộ các nhãn hàng cao cấp đang kinh doanh tại VinCom (Carlo Rino, Valentino, Giovani etc.). Trong đó việc khó nhất là tạo ra một thiết kế sang trọng, một trải nghiệm tuyệt vời, đồng thời đi kèm với dịch vụ bán hàng xuất sắc. Khách hàng tiềm năng (target customer) của VinCom là những người có hầu bao khủng, thuộc tầng lớp trung – thượng lưu, họ sẵn sàng chi trả cho những giá trị và dịch vụ vượt hơn hẳn những giá trị “thông thường”.

Bài toán đặt ra là VinE-com sẽ mang lại những giá trị vượt trội gì cho khách hàng và họ sẽ làm điều đó như thế nào? Tôi sẽ đi sâu vào chủ đề này hơn khi phân tích những khó khăn của họ.

2. Ảo hoá các trung tâm thương mại

Việc tiếp theo có lẽ họ sẽ làm là đưa những thông tin cơ bản của các khu thương mại VinCom, Mega Mall lên Internet.

Hãy tưởng tượng bạn đang dùng iPhone và bạn không biết tìm kiếm thông tin hàng hoá gì trong một khu thương mại khổng lồ như Mega Mall. Bạn vào ứng dụng do VinE-com viết, trong đó, qua chính thao tác của mình, bạn được đi vào tất cả các gian hàng theo đúng trật tự mà chúng được sắp sếp mà không phải đi một bước nào.

Trong đó hàng hoá sẽ được trưng bày trong các gian hàng “ảo” y hệt như cách chúng được treo ngoài đời. Và dĩ nhiên không gian trưng bày là vô hạn và thông tin về chất lượng, chất liệu, tính năng nhiều hơn bất kì một nhân viên bán hàng xuất sắc nào.

Hãy tưởng tượng bạn lên kế hoạch đi ăn trưa ở VinCom và chỉ với vài cú click chuột bạn vào được ngay menu của các nhà hàng sang trọng, biết được những khuyến mãi tốt nhất, giá cả cập nhật chính xác đến từng giây (real-time). Tuyệt vời hơn nữa là bạn có thể đặt bàn, chọn dịch vụ mà không phải tốn thời gian xếp hàng hay chờ đợi một phút nào.

Bạn không biết mua gì với 10 triệu trong tay? Dễ thôi, họ sẽ cho bạn biết có bao nhiêu món hàng trong tầm giá đó, đang có khuyến mãi và ưu đãi gì. Đặc biệt là tất cả sẽ sẵn sàng để xuất hiện tại cửa nhà bạn chỉ trong vòng vài giờ.

Những điều đó tôi tin đã và đang nằm trong chiến lược của VinE-com.

3. Kết nối tất cả các dịch vụ

VinGroup đang sở hữu những gói dịch vụ cao cấp và tốt nhất Việt Nam. TMĐT sẽ giúp họ kết nối tất cả những dịch vụ này.

Bạn sẽ sở hữu những tài khoản VIP mà tổng giá trị bạn tiêu cho các dịch vụ của VinGroup sẽ được cộng dồn, sẽ được quy đổi thành điểm (Loyalty points). Những điểm này sẽ được dùng để đổi e-voucher khi mua hàng, dịch vụ (Spa, Thẩm mỹ, Nhà hàng) và thậm chí là một chuyến đi chơi VinPearl miễn phí cho cả gia đình.

4. Total eCommerce (TMĐT tổng lực)

Việc xây dựng mô hình TMĐT của VinE-com sẽ không dừng lại ở chỉ một hay nhiều site. Trong đó, họ lấy sàn thương mại cao cấp làm nền tảng và xây dựng một hệ sinh thái các dịch vụ khác nhau của VinCom chung quanh nó.

Điều này chỉ có thể hoàn thành được khi và chỉ khi VinE-com sử dụng chiến thuật “tổng lực” trên mọi mặt trận: Internet, Mobile, báo chí, TVC, Marketing truyền thống etc.

Trong mô hình này, người dùng tham gia vào bất cứ phương tiện gì trong hệ sinh thái: cửa hàng, website, di động, Apps, Fan page… đều được định danh bằng một ID chung. Trong đó, hệ thống đủ thông minh để tổng hợp sở thích, tuổi tác, thu nhập, thói quen mua hàng, giới tính etc. để đưa ra đề nghị hàng hoá phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng. Khách hàng trước khi đến shop mua hàng sẽ có đầy đủ thông tin về sản phẩm mình cần mua như giá cả, màu sắc, kiểu dáng, các tuỳ chọn, thông tin sử dụng, bảo hành…

Thay vì tiếp cận với nhiều kênh mua hàng khác nhau, người dùng tiếp cận ngay với thương hiệu (brand) mà mình yêu thích. Sau khi đã quyết định mua hàng, việc lấy hàng tại shop hay tại nhà chỉ là chọn kênh mà họ thấy tiện nhất để tiếp cận. Chỉ một thay đổi nhỏ này sẽ mở ra những trải nghiệm vô cùng thú vị cho khách hàng. Nó giúp quá trình mua hàng trở nên đơn giản, thông tin phong phú. Khách hàng đi thẳng đến những gì mình yêu thích, không bị làm rối rắm bởi các thông tin không cần thiết và vì thế, khả năng mua hàng được bảo toàn trọn vẹn nhất. Tiếp theo đó, các kênh nhận hàng và thanh toán kết hợp lại cho họ những tuỳ chọn phù hợp nhất với sở thích của mình (thanh toán bằng thẻ tại nhà, mua online nhận hàng tại shop, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng, gửi quà đi xa…)

Điều này cần đòi hỏi tất cả các kênh online lẫn offline đều sử dụng chung một bộ dữ liệu và cùng chia sẻ chung các thông tin khách hàng. Nó đòi hỏi trình độ xử lý dữ liệu ưu việt và khả năng đáp ứng thông tin gần như tức thời. Bên cạnh đó, hệ thống máy chủ để chứa và xử lý các thông tin này có thể nói là khổng lồ. Chi phí đầu tư vì thế cũng sẽ vô cùng “khủng”.

Tuy nhiên câu chuyện thú vị ở đây là VinGroup chứ không phải chàng David nào khác đầu tư vào dự án này. Với 1.000 tỷ và có lẽ chỉ là đầu tư giai đoạn 1, tôi tin họ có đầy đủ ước mơ, tham vọng, tiềm lực và điều kiện để đưa TMĐT Việt Nam đến một tầm cao mới.

Sống là phải biết ước mơ. Có ai tính thuế mơ ước đâu !

“Stay hungry, stay foolish” – Steve Jobs

Ý kiến bạn đọc