Tin tức
Website đánh giá địa điểm: giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?
02/04/2014

Trên thế giới, website đánh giá địa điểm đã xuất hiện từ khá lâu, dù được đánh giá có giá trị lớn (valuation), đa phần các trang web này đều phải đối mặt với vấn đề kinh doanh và lợi nhuận. Vậy những website tương tự ở Việt Nam đang phải giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?

Nhìn tổng thể, các website đánh giá địa điểm sử dụng location based service như Yelp, Foursquare, Trip Advisor, Agoda có mô hình hoạt động và kinh doanh gần giống nhau. Đó là việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đa dạng và cụ thể về địa điểm (theo lĩnh vực khác nhau: ăn uống, du lịch,…), sau đó xây dựng cộng đồng người dùng website thường xuyên và có sự tăng trưởng mạnh theo thời gian. Website đạt được độ nhận biết và sử dụng cao (nhận biết qua thông số: unique visitors, traffic, user – interactions) thì có thể chuyển sang giai đoạn khai thác kinh doanh. Hình thức kinh doanh chủ yếu của các website này là khai thác quảng cáo từ các doanh nghiệp; quảng cáo thương hiệu; bán deal (hình thức như groupon); thu phí sử dụng; hay nhận chiết khấu từ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Sau đó, có thể tiến tới mở rộng mô hình kinh doanh bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có 2 cách phổ biến và thông dụng nhất đó là phát hành cổ phiếu IPO và kêu gọi đầu tư từ cá nhân, tổ chức, quĩ tài chính.

Định hướng phát triển định hình cách thức kinh doanh

Ra đời từ năm 2004, Yelp.com được biết tới là một trong những website tiên phong trong lĩnh vực đánh giá địa điểm ăn uống sử dụng review và recommendation của người dùng để tạo nội dung cho website. Ban đầu Yelp chỉ khai thác thị trường địa phương (San Fransico, Mỹ), trong ngành nhà hàng, ẩm thực. Tới nay, sau 10 năm hoạt động Yelp đã bao phủ khắp nước Mỹ và phát triển sang thị trường Canada (năm 2010) cùng với việc mở rộng rất nhiều categories khác nhau (hiện có hơn 20 categories). Hiện tại Yelp có khoảng 66 triệu người dùng trên toàn thế giới (trong đó có tới 86.4% là người Mỹ), với tỉ lệ người truy cập hàng tháng lên tới 18 triệu người, hơn 5.7 triệu thiết bị di động sử dụng ứng dụng này của Yelp. Trang web này cũng thu thập được tổng cộng 25 triệu lượt đánh giá kể từ khi ra đời năm 2004[1].

Thế mạnh của Yelp ở chỗ website này là ở chỗ ban đầu đã có sự tập trung khai thác một lĩnh vực duy nhất và website có độ phủ thị trường rộng lớn. Yelp cung cấp thông tin những địa điểm đang được đánh giá tốt và có lượng người sử dụng cao. Khuyến khích người dùng viết review, đồng thời cung cấp thông tin về những sự kiện nổi bật, nhắc nhở người dùng về sự kiện, cũng như thông tin về những khuyến mãi mới đến người dùng. Tại Yelp, người dùng có thể kết bạn giống như trên Facebook và MySpace vậy, và từ đó có thể theo dõi người bạn của mình và xem những đánh giá của họ về những địa điểm họ tới trước khi cập nhập thông tin từ những người dùng khác trong cộng đồng Yelp.

Yelp trở thành kênh thông tin quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với việc kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương. Do đó, khi chuyển sang giai đoạn kinh doanh, Yelp bắt đầu khai thác bán quảng cáo cho các doanh nghiệp địa phương (local advertising), quảng cáo thương hiệu (brand advertising) và bán Yelp Deal (ra mắt năm 2010). Doanh thu năm 2013 của Yelp vào khoảng 232 triệu USD. Trong đó quảng cáo cho doanh nghiệp chiếm 80% trong tổng doanh thu[2].

Nhìn về Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, các website đánh giá địa điểm đã xuất hiện từ khá lâu với những tên tuổi quen thuộc như thodia.vn, diadiemanuong.com, place.vn, dendau.vn, foody.vn, Onone.vn, Lenken.vn, ProGuide.vn, anan-vietnam.com, amthuc365.vn, vnnavi.com, amthucgiaitri.com, monngonvietnam.com, ohyeap.vn, lozi.vn,… Tới thời điểm hiện tại, thị trường vẫn có sự canh tranh nhất định, tuy nhiên, đang ngày càng sàng lọc khắt khe hơn bởi đánh giá của người dùng.

Trong số đó, Foody.vn nổi lên như một trong những website đánh giá địa điểm đáng chú ý trong một năm trở lại đây. Ra đời tháng 8/2012 với phiên bản website, sau 3 tháng, ứng dụng chạy trên hệ điều hành iOS ra đời, Foody trở thành đơn vị đầu tiên phát hành ứng dụng mobile thu hút người dùng. Tới nay, Foody đã có ứng dụng chạy trên nền iOS, Android và Windows. Điểm mạnh của Foody nằm ở chỗ website, ứng dụng có giao diện khá bắt mắt, tập trung sâu (chỉ về ẩm thực); nội dung ngắn gọn, thực tế (chứ không phải là một bài viết giới thiệu dài); tập trung vào hình ảnh chất lượng; và có sự phân chia địa điểm trong category rõ ràng, chi tiết.

Theo chia sẻ của anh Đặng Hoàng Minh – founder của Foody, hiện Foody cung cấp hơn 51.000 địa điểm, đã có hơn 7 triệu unique visitors, với khoảng 60.000-70.000 lượt truy cập mỗi ngày, 1 triệu unique visitors mỗi tháng với số lượng review lên tới 56.000. Với lượng traffic này Foody đang là cái tên dẫn đầu trong việc tìm kiếm địa điểm ăn uống đối với người dùng và vì thế, Foody cũng đang được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc kinh doanh của Foody, anh Minh cho biết “Dù hiện tại, số lượng doanh nghiệp đề nghị hợp tác với Foody khá nhiều, nhưng đây vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp để chuyển sang kinh doanh. Hiện tại, Foody vẫn sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống và xây dựng nội dung chất lượng, nhằm thu hút thêm nhiều người dùng mới. Hiện Foody mới mở một chi nhánh phát triển ở Hà Nội, mục tiêu cung cấp nhiều hơn nữa thông tin địa điểm và chinh phục người dùng miền Bắc”. Anh cho biết thêm “Tới nay Foody đã được đưa vào khai thác kinh doanh được 6 tháng nhưng khá hạn chế. Hình thức chính vẫn là bán banner quảng cáo, khuyến mãi, điểm tin doanh nghiệp (trong phần tin tức – sự kiện),… và Foody cũng phải chọn lựa rất kĩ đối tác trước khi tiến hành hợp tác kinh doanh”. Hiện tại Foody vẫn chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ quĩ đầu tư CyberAgent Ventures để phát triển, nguồn thu từ kinh doanh chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng số tiền bỏ ra để đầu tư cho Foody.

 

Thị trường bỏ ngỏ

Hiện tại, ngoài Foody, rất nhiều các website khác đã khai thác kinh doanh, tuy nhiên, kết quả mang lại không mấy khả quan. Nguồn thu này vẫn không đủ để bù lại khoản tiền đầu tư lớn ban đầu cũng như tiếp tục phát triển nội dung, hoàn thiện hệ thống website. Nội dung không được xây dựng tốt là yếu tố khiến người dùng từ chối sử dụng sản phẩm, dẫn đến hệ lụy là khó khăn trong việc khai thác kinh doanh. Đó là bài học từ diadiemanuong.com và dendau.vn. Khi mô hình website dạng forum với những bài viết dài, không được update của diadiemanuong.com không còn lôi cuốn người dùng thường xuyên vào bình luận. Hay nội dung sơ sài và không giữ được tương tác với người dùng như dendau.vn. Ngay cả Foody vẫn phải tiếp tục cải thiện mình khi người dùng vẫn phàn nàn về hệ thống search của Foody chưa hoàn thiện, category sắp xếp chưa hiệu quả, chưa có ứng dụng lưu địa điểm để sử dụng offline hay chưa có recommender theo sở thích người dùng,… Và cũng không kém phần quan trọng, những website như Foody sẽ phải tính toán xem hình thức kinh doanh nào là phù hợp để tránh không làm “mất lòng” người dùng của mình.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam hiện tại vẫn còn rất tiềm năng với hơn 36 triệu người sử dụng internet chiếm 39% dân số (tính đến tháng 1/2014, Việt Nam có 92 triệu người) và theo dự tính tới năm 2016, con số này sẽ tăng lên 56 triệu người (Thống kê của VNPT)[3]. Trong đó, số lượng sử dụng smart phone chiếm 20% tổng dân số với 97% dùng cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin và 95% dùng cho việc tìm hiểu sản phẩm[4].

Thị trường trong 2 – 3 năm tới, theo đánh giá của anh P. – một người đã từng hoạt động trong lĩnh vực này, sẽ còn rất tiềm năng và đón chào những người chơi mới. Nhưng để duy trì hoạt động, nội dung website và nguồn tài chính không phải là vấn đề duy nhất, mà người chơi cần phải có định hướng rõ ràng, phù hợp với xu thế và tận dụng được điểm mạnh sản phẩm của mình. Foody đang làm được điều đó, và trong tương lai, nếu không có website nào cạnh tranh trực tiếp. Foody rất có thể sẽ thống lĩnh thị trường. Lúc đó, vấn đề thu lợi từ kinh doanh của Foody chỉ còn là vấn đề thời gian.

Vậy hướng đi nào là phù hợp? Thay vì xây dựng website như Yelp hay Diadiemanuong, có thể sử dụng app ứng dụng ngay từ đầu như Foursquare hay Ăn gì cũng được. Cách đi này sẽ tiết kiệm thời gian hơn và tận dụng được lợi thế thị trường sử dụng smart phone ngày càng cao. Nhưng lợi thế quan trọng nhất vẫn là sản phẩm – đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng, sẽ là yếu tố then chốt giúp những website, ứng dụng này tìm được chỗ đứng và khai thác kinh doanh hiệu quả hơn.

[1] http://social-networking.findthebest.com/compare/85-169/Foursquare-vs-Yelp-Inc
[2] http://streetfightmag.com/2013/05/06/how-does-yelp-make-money-and-where-is-it-going-next/
[3]http://moore.vn/Tin-tuc/Tin-thi-truong/tin-cong-nghe/572/Thong-ke-moi-nhat-ve-thi-truong-truc-tuyen-Viet-Nam.html
[4] http://www.vecita.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&id=501
http://www.businessinsider.com/yelp-analysis-2012-3
Ý kiến bạn đọc