Công nghiệp chế biến
Ngành da giày: xuất khẩu tăng, tiêu thụ nội địa giảm
12/08/2013

Bước sang quý III, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN da giày đã bắt đầu khởi sắc trở lại khi đơn hàng từ đối tác nước ngoài gia tăng và ổn định từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui từ hoạt động XK, tình hình sản xuất, kinh doanh nội địa của ngành này lại đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch XK giày dép đạt 4,75 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kì năm 2012. Tuy trong tháng 7, kim ngạch XK da giày ở một thị trường sụt giảm so với tháng 6 nhưng nhìn chung, XK da giày của Việt Nam vẫn tăng ở hầu hết các thị trường. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường XK chủ đạo của ngành da giày Việt Nam với kim ngạch đạt trên 1,2 tỉ USD, chiếm khoảng 30% trong tổng kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Anh với 291 triệu USD, tăng 5,4%; thứ 3 là Bỉ đạt trên 241 triệu USD, tăng 20,8%; sau đó là Đức với 229,1 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kì năm 2012.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN da giày sang quý III- 2013 bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi lượng đơn hàng XK gia tăng và ổn định từ nay đến cuối năm. Chủng loại giày, dép XK của Việt Nam chủ yếu là nhóm sản phẩm có đế ngoài và mũ giày bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, mũ giày bằng nguyên liệu dệt... Những tín hiệu khả quan này cùng nhiều cơ hội kinh doanh mới đang mở ra nhiều hy vọng cho ngành da giày có thể hoàn thành tốt mục tiêu kim ngạch XK năm 2013 với hơn 9 tỷ USD. Các thị trường truyền thống vẫn có lượng tiêu thụ lớn sản phẩm da giày từ Việt Nam như: Mỹ, Anh, Bỉ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của hoạt động XK, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nội địa của ngành da giày lại đang gặp phải không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư kí Hội Da giày TP.HCM cho biết, sản xuất, kinh doanh nội địa của ngành da giày từ đầu năm đến nay đã giảm từ 20% đến 30% so với cùng kì năm 2012. Nguyên nhân là do tình hình khó khăn chung nên sức mua giảm đáng kể khiến lượng hàng tồn kho tăng. Bên cạnh đó, thị trường nội địa của ngành da giày vẫn chịu áp lực cạnh tranh lớn từ hàng Trung Quốc giá rẻ được nhập qua đường tiểu ngạch.

Theo ông Khánh, ngành da giày nội địa hiện đang khó khăn và sẽ càng khó khăn hơn khi Việt Nam kí kết các Hiệp định tự do mở cửa thị trường. Để đón đầu cơ hội, các nhà XK Thái Lan đã dự định mở rộng thị trường tại Việt Nam để tận dụng các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Trong tháng 6 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp hội da giày Thái Lan đã tổ chức cho hơn 30 DN Thái Lan đến tìm hiểu thị trường Việt Nam. Phía đối tác Đài Loan cũng tích cực chuẩn bị để gia tăng lượng hàng vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với các cơ hội về XK, việc mở cửa thị trường theo các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do với mức thuế NK về 0% cũng sẽ là một thách thức lớn của ngành da giày nội địa. Cùng với sự tham gia ồ ạt của DN các nước nằm trong khối TPP và EU, các DN sản xuất, kinh doanh giày dép nội địa sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn do thiếu vốn đầu tư, thiếu mặt bằng sản xuất và công nghệ lạc hậu. Để có thể đứng vững trong cuộc chơi lớn này ngay từ bây giờ các DN phải đầu tư về công nghệ để có thể sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, đặc biệt là phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình mới có thể gia tăng được thị phần nội địa và phát triển bền vững.

Ý kiến bạn đọc