Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu đường Việt sụt giảm, thế giới lo hụt cung 6,8 triệu tấn
17/05/2016

Dự báo, sản lượng đường sẽ thiếu hụt 6,8 triệu tấn thay vì mức 4,7 triệu tấn dự báo trước đó, do sản lượng giảm ở Ấn Độ và Thái Lan. Tuy vậy, việc xuất khẩu đường của Việt Nam lại gặp khó khăn lớn khi Trung Quốc ra nhiều biện pháp hạn chế.

Đường Việt khó xuất sang Trung Quốc, tồn kho tăng

Sau khi ổn định trong tháng 1 và tháng 2, giá đường bán ra tại các nhà máy có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 200 đồng/kg) trở lại vào cuối tháng 3/2016, do một số nhà máy sẽ kết thúc vụ ép sớm bởi thiếu mía nguyên liệu, sản lượng đường dự kiến sẽ giảm.

Giá đường trong nước tăng nhờ hàng nhập lậu được kiểm soát một thời gian dài, tình hình tiêu thụ đường trong nước tốt giúp hỗ trợ giá đường đi lên.

Theo đó, giá đường RS loại 1 bán ra tại các nhà máy phía Bắc cuối tháng 3/2016 tăng 200 đồng/kg lên mức 13.700-14.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá đường cũng điều chỉnh tăng lên mức 13.800-14.000 đồng/kg. Giá đường bán ra tại các nhà máy phía Nam cũng tăng nhẹ 100 đồng/kg lên mức 14.000-14.500 đồng/kg.

Tồn kho đường đến ngày 11/3/2016 tại các nhà máy đường thuộc Hiệp hội vẫn đang tăng lên mức 245.619 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 12.793 tấn đường.

Vụ sản xuất 2015 - 2016, các nhà máy ép mía dự kiến đạt 1,56 triệu tấn đường, trong đó đường luyện là 750.000 tấn. Nguồn cung đạt 1,881 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn, cung vượt cầu khoảng 281.000 tấn. Cộng thêm lượng đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập về Việt Nam với thuế suất 2,5%.

Theo số liệu tính đến tháng 1/2016, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu đường vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng, với kim ngạch đạt 1,26 triệu USD, chiếm 54,3% tổng kim ngạch nhập. Nhập khẩu đường từ Lào đạt 0,62 triệu USD, chiếm 26,5% tổng kim ngạch.

Xuất khẩu đường của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục ngưng trệ. Được biết, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp chống nhập lậu đường từ các nước Đông Nam Á, từ 11/3 đến 31/12/2016. Quốc gia này cho rằng lạm phát đang chậm lại một phần lớn do sự bùng nổ nạn buôn lậu qua biên giới. Chiến dịch này thực hiện tập trung mạnh ở khu vực Quảng Tây, giáp với biên giới Việt Nam và biên giới Lào,..

Trong tháng 1/2016, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đường sang các thi trường Đài Loan, Hồng Kông với tổng kim ngạch chỉ đạt 0,02 triệu USD, giảm 91,9% so với tháng 12/2015 và giảm mạnh 99,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam dự báo giá bán đường sẽ có xu hướng tăng nhẹ thời gian tới.

Thiếu hụt đường thế giới dự kiến lên tới 6,8 triệu tấn, hàng loạt dự báo xám màu.

Từ tháng 10 năm 2015, giá đường thế giới đã tăng trở lại. Nguyên nhân đến từ các dự báo về việc suy giảm sản lượng và sự gia tăng về nhu cầu. Tiêu thụ đường được dự báo sẽ vượt sản xuất trong vụ 2015/2016 và thâm hụt sẽ tăng mạnh trong vụ tiếp theo. Nhu cầu ethanol tại thi trường Brazil cũg gia tăng khiến tăng lo ngại sản lượng đường nước này suy giảm.

Giữa tháng 3/2016, Ngân hàng Rabobank đã nâng con số dự báo về thiếu hụt lên 6,8 triệu tấn từ mức 4,7 triệu tấn dự báo trước đó, do sản lượng giảm ở Ấn Độ và Thái Lan. Cùng quan điểm với Rabobank, tổ chức Đường Quốc tế và một số tổ chức khác cũng dự báo thị trường năm 2016 sẽ thiếu hụt 2 đến 4 triệu tấn, do sản lượng ở Brazil bị thiệt hại.

Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2015/16 sẽ giảm 3 triệu tấn xuống mức 172,146 triệu tấn, giảm ở Brazil, Ấn Độ, liên minh EU và Ukraine; trong khi sản lượng đường tăng ở Australia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tổ chức này dự báo tiêu thụ sẽ đạt mức kỷ lục 172,768 triệu tấn, tồn kho giảm 4 triệu tấn, còn 39,598 triệu tấn.

Sản lượng mía tại nhiều quốc gia dự kiến sẽ giảm. Thái Lan sẽ phải đối mặt với sản lượng mía giảm dưới 100 triệu mét khối tấn trong vụ mùa 2015-2016 kết thúc vào tháng 9/2016, mức thấp nhất kể từ thời điểm năm 2011 - 2012. Trong quý 1/2016, khối lượng đường chỉ đạt khoảng 10%. Tình hình hạn hán kéo dài cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cây mía.

Dự báo sản lượng đường của Brazil sẽ giảm 950.000 tấn, xuống 35 triệu tấn. Khoảng 59% cây mía để sản xuất ethanol. Sản lượng đường Ấn Độ dự báo giảm 1,7 triệu tấn xuống 28,5 triệu tấn do năng suất thấp. Trong khi, tiêu thụ được dự báo sẽ lên mức kỷ lục 28 triệu tấn. Philippines cũng dự kiến sẽ nhập khẩu 169.385 tấn đường vào năm 2016, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước do thời tiết khô hạn bởi hiện tượng thời tiết El Nino.

Trong khi ở nhiều quốc gia dự kiến sẽ giảm sản lượng đường do thiếu mía nguyên liệu thì Châu Âu dự kiến sẽ trở lại thị trường đường thế giới vào năm 2017 sau khi hạn ngạch sản xuất và hạn chế xuất khẩu đường được dỡ bỏ. Một số công ty sản xuất đường tại EU đã công bố ý địh tăng sản lượng trong năm tới. Được sản xuất từ củ cải, đường tại khu vực này có ưu thế sản lượng cao và chi phí thấp. Giới phân tích cho rằng từ chỗ nhập khẩu đường ròng, liên minh này có thể trở thành nhà xuất khẩu ròng hàng đầu trong thời gian tới.

Nguồn: Người Đồng Hành

Ý kiến bạn đọc