Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2014 ước đạt 606 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã đạt 397,4 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2013, và chiếm gần 24,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Thị trường xuất khẩu
Quý 1/2014, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 146 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái xuất sang 135 thị trường. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều tăng trưởng khả quan (11 - 74%). Top 3 thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm 56% giá trị xuất khẩu, tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 54,4%. Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 56,1% và 16,6%.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt nhưng từ đầu năm tới nay, mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm lại liên tục bị các thị trường lớn như Nhật Bản, EU cảnh báo vì phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép. Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad): Chưa đầy 4 tháng đầu năm 2014, đã có tới 11 lô hàng tôm nuôi xuất khẩu vào hai thị trường trên bị cảnh báo.
Nafiqad cho rằng, mặc dù Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, nhưng việc tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cho thấy có tình trạng lạm dụng Oxytetracycline trong quá trình nuôi và không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định.
Để giải quyết vấn đề lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng hay bơm tạp chất vào sản phẩm thủy sản xuất khẩu, cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đưa ra những biện pháp “mạnh tay” đối với những cá nhân, DN có liên quan.
Cụ thể, VASEP có thể họp bàn lại, kiên quyết “điểm mặt chỉ tên” những doanh nghiệp còn tiêu thụ mặt hàng không đảm bảo chất lượng, tẩy chay các doanh nghiệp này. Còn phía cơ quan chức năng có thể siết chặt kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là buộc doanh nghiệp có sai phạm phải dừng xuất khẩu.
Mặt hàng xuất khẩu
Xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 1,65 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng mạnh (88%), cá tra hồi phục nhẹ, cá ngừ, mực bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác vẫn giảm sâu.
Xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, trên 48%, so với năm ngoái chiếm 34%, cá tra bị giảm tỷ trọng từ 31% xuống còn 25%, cá ngừ giảm mạnh từ 12% xuống còn 7%...
Đúng như dự đoán, xuất khẩu tôm chân trắng năm nay tiếp tục tăng mạnh do nông dân tăng diện tích nuôi sau khi đạt kết quả tốt trong năm trước. Xuất khẩu tôm chân trắng 3 tháng đầu năm đạt 481 triệu USD, tăng 212% so với cùng kỳ năm ngoái, tôm sú đạt 261 triệu USD, tăng 13%, đưa tổng xuất khẩu tôm lên 798 triệu USD, tăng 105%.
Xuất khẩu cá tra tháng 1 và tháng 3 giảm, chỉ tăng mạnh trong tháng 2, do vậy, tổng xuất khẩu 3 tháng tăng 5,2% so với cùng kỳ đạt 409 triệu USD.
Mặc dù hoạt động khai thác biển 3 tháng đầu năm khá thuận lợi, sản lượng khai thác khá cao, nhưng sản lượng cá ngừ - loài xuất khẩu chính lại giảm. Xuất khẩu cá ngừ 3 tháng đầu năm giảm 26% đạt 115 triệu USD, trong đó, sản phẩm cá ngừ tươi/đông lạnh (HS 03) ngày càng sụt giảm mạnh (giảm 33% trong 3 tháng).
Xuất khẩu mực, bạch tuộc tháng 3 tăng mạnh đưa tổng xuất khẩu 3 tháng tăng gần 6% đạt gần 92 triệu USD, xuất khẩu các mặt hàng cá biển khác đạt 204 triệu USD, tăng 20%.
Nuôi trồng thuỷ sản
4 tháng đầu năm 2014, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trong nước có khá nhiều thuận lợi. Sản lượng khai thác đạt 917 nghìn tấn, tăng 5,2 % so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương, sản lượng khai thác đều đạt khá. Cụ thể như, Cà Mau 160.000 tấn; Bà rịa Vũng Tàu 91.132 tấn; Bình Định 51.102 tấn; Bến Tre: 40.987 tấn; Bạc Liêu 39.655 tấn; Thanh Hóa: 29.070 tấn…
Tính tới hết tháng 4 năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên cả nước ước đạt 689 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kì năm trước.
Đáng chú ý hơn cả, hai mặt hàng thủy sản chủ lực là cá tra và tôm đều đón nhận những tín hiệu tích cực. Đối với tôm sú, theo báo cáo của các Sở NN&PTNT thuộc ĐBSCL, hầu hết sản lượng tôm sú 4 tháng đầu năm 2014 của các tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như Bến Tre: sản lượng 3.500 tấn (tăng 94%); Trà Vinh: sản lượng 435 tấn (tăng 76%), Kiên Giang: sản lượng 3.374 tấn (tăng 13,1%); Cà Mau: sản lượng 34.500 tấn (tăng 12,3%).
Sản lượng cá tra của các tỉnh ĐBSCL 4 tháng đầu năm 2014 cũng đạt 243 nghìn tấn. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bến Tre, Vĩnh Long, thời gian này cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống. Do giá thu mua cá tra nguyên liệu trong tháng tăng nhẹ, dao động từ 24.500-25.500 đồng/kg, người nuôi bắt đầu có lãi. Với giá như trên, người nuôi có lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg.