Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu nông sản đối diện và vượt qua khó khăn
24/07/2014

Xuất khẩu nông sản dự báo sẽ khó khăn trong những tháng tới. Nhưng việc đa dạng hóa thị trường đang được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt và là nhiệm vụ trọng tâm của nửa năm còn lại sẽ giúp nông sản Việt Nam vượt qua khó khăn và hoàn thành mục tiêu đề ra.

Khó khăn

Hiệp hội Sắn cho biết, tới nay giao dịch trầm lắng do các doanh nghiệp không thỏa thuận được đầu ra cho đơn đặt hàng mới. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy khu vực miền Trung - Tây Nguyên phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn. Theo đó, lượng hàng phía nam ra cảng Hải Phòng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, lượng hàng tồn kho tinh bột sắn đang ở con số khoảng 150 nghìn tấn trong đó có đơn vị tồn nhiều nhất cũng phải trên 20 nghìn tấn. Ví dụ Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tồn 27.000 tấn; Công ty Thực phẩm và Đầu tư Fococev HCM tồn kho 25.0000 tấn.

Vẫn theo Hiệp hội, tình hình xuất khẩu thời gian tới tiếp tục trầm lắng do khách hàng ít. Nguyên nhân được chỉ ra: 85% thị phần xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã và đang mở rộng thị trường nhập khẩu theo cách mua lại hoặc đầu tư mới các nhà máy tinh bột sắn ở Campuchia, châu Phi… Điều đó tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp liên quan trực tiếp trong nước. Trong mối tương quan khác, Thái Lan là nước xuất khẩu tinh bột sắn lớn nhất thế giới đã tiếp tục điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất và xúc tiến xuất khẩu ưu tiên, điều này càng khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn Việt Nam trong việc cạnh tranh.

Với mặt hàng gạo, ngay từ đầu năm hạt gạo Việt Nam đã vấp phải không ít khó khăn khi tìm kiếm thị trường. Đến giữa tháng 7/2014, lũy kế xuất khẩu gạo đạt 3,26 triệu tấn, trị giá FOB 1,408 tỷ USD, trị giá CIF 1,485 tỷ USD. Để hoàn thành được mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo năm nay không hề đơn giản. Xuất khẩu gạo cuối năm trông chờ sự trở lại ở các thị trường truyền thống. Nhưng hiện nay, cả gạo cấp thấp cũng như cấp cao của các nước Ấn Độ, Pakistan, Myanmar... lại bán giá thấp hơn gạo Việt Nam. Nguy cơ cạn dần thị trường hình như đang hiển hiện. Trong khi đó các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật lại đang đối diện với điều tra về chi phí sản xuất, nguồn đầu vào, các cơ chế tính giá và tiếp thị... Vì thế, khi đặt trong mối tương quan với gạo Thái Lan, gạo Việt Nam lại thua điểm.

Cùng với đà khó khăn chung, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết đơn giá và số lượng đơn hàng xuất khẩu đang giảm với tỷ lệ tương ứng 10% và 33%, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Do lượng hàng ứ đọng nên sản phẩm cao su bị các doanh nghiệp nhập khẩu ép giá từ 3.000 USD/tấn (thời điểm tháng 6/2013), đến nay chỉ còn 1.984 USD/tấn.  Công ty CP cao su Tây Ninh (TRC), một trong những đơn vị xuất khẩu cao su hàng đầu cũng cho biết đang gặp khó khăn về đầu ra. Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2014 sẽ thừa khoảng 714.000 tấn.  Điều này khiến cho đầu ra của cao su Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất vất vả.

Hiện một số nước vốn nhập khẩu hàng nông sản nhiều, nay đã quay sang thúc đẩy mặt hàng trong nước. Định hướng trong tương lai của Việt Nam là thay vì sản xuất và xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản giá rẻ, chưa qua chế biến, số lượng nhiều, cần chuyển sang sản xuất những mặt hàng nông sản chất lượng cao đã qua chế biến, giá cao và hướng tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Năm 2014 này, Bộ Công Thương tiếp tục ưu tiên phê duyệt 19 đề án xúc tiến thương mại quốc gia cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ là 25,64 tỷ đồng, chiếm 36,6% kinh phí dành cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Để duy trì, mở rộng thị trường, tăng trị giá và hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong và ngoài nước nhằm ký kết hợp đồng xuất khẩu. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của sản phẩm tạo cơ hội tìm kiếm thêm các khách hàng mới tiềm năng.

Vượt qua khó khăn thông qua mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Trái với nhiều dự đoán ban đầu, trong sáu tháng đầu năm 2014, bức tranh chung về xuất khẩu nông sản nước ta tiếp tục ghi nhận những nét khả quan: Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,01 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là trong các tháng 5 và 6-2014, lĩnh vực xuất khẩu nông sản bắt đầu gặp khó khăn, nhất là đối với một số thị trường truyền thống lớn, và dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài. Vì vậy mới đây Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đánh giá và đưa ra những giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là đối với nhóm hàng nông sản thời điểm hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Nhất là, việc đa dạng hóa thị trường đang được triển khai quyết liệt và là nhiệm vụ trọng tâm của nửa năm còn lại, bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường mới, trước hết là những thị trường quen thuộc trong khối ASEAN như Inđônêxia, Philipine... và rộng ra là các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả những thị trường khó tính như EU.

Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết, tuy nhiên muốn vào được những thị trường khó tính này, chúng ta cần nỗ lực, vượt qua các "rào cản kỹ thuật", vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm... của họ. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã rút ra những bài học đắt giá trong việc đưa hàng nông sản Việt Nam (tôm, gạo, thủy hải sản...) vào một số thị trường nhưng sau đó bị tạm ngưng, thậm chí bị trả lại vì không bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, để tăng giá trị sản phẩm và bám rễ ở thị trường mới, thì từ nhà sản xuất đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản phải tự khẳng định mình bằng việc sản xuất được các mặt hàng có chất lượng cao, bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng các nước sở tại yên tâm.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các công ty đầu tư sản xuất các loại nông sản xuất khẩu. Như doanh nghiệp muốn đầu tư hệ thống sản xuất nông sản hiện đại để xuất khẩu khép kín theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản, nhưng hiện vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ khuyến khích cụ thể; hoặc nếu có thì về mặt pháp lý vẫn gặp quá nhiều khó khăn, nhất là mặt thủ tục vay vốn xuất nhập khẩu thiết bị...

Vẫn biết trong bối cảnh hiện nay, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản là bộn bề gian khó, nhưng nếu nhận được sự đồng thuận từ hơn 90 triệu người tiêu dùng trong nước và hàng triệu triệu khách hàng nước ngoài thì việc tiêu thụ nông sản Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội tăng trưởng.

Ý kiến bạn đọc