Bất chấp nhiều khó khăn về thiên tai dịch bệnh và thị trường, rau quả Việt lại tăng tốc xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2016, với kim ngạch tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là những tín hiệu vui từ thị trường khi trái cây từng bước chinh phục được những thị trường khó tính.
Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh.
Nếu như tại thời điểm này năm 2005, Việt Nam xuất khẩu đến 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 235 triệu USD, thì năm 2016, đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 1,838 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014, và tăng 782,13% so với năm 2005 (2005-2015), trong đó trái cây chiếm trên 70%.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định, hiện đầu ra của trái cây Việt vào những thị trường khó tính mà chúng ta đã khơi thông gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc… tương đối ổn định.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỷ USD tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là các thị trường đều tăng khá, trong đó, xuất khẩu vào thị trường khó tính đạt gần 5.000 tấn quả tươi các loại tăng hơn 81% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2015 đạt hơn 1.000 tấn).
Các chuyên gia đánh giá, trong khi từ đầu năm đến nay, nhiều nông sản gặp khó về thị trường xuất khẩu thì rau quả nói chung và trái cây nói riêng trở thành điểm sáng cho bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Thêm vào đó, những tín hiệu vui về thị trường đối với trái vú sữa và xoài trên đất Mỹ khi mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ cho đăng Công báo Liên bang đề xuất xin ý kiến công chúng về việc sửa đổi các quy định cho phép trái vú sữa và trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ.
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích trong xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng, nhưng theo ông Hoàng Trung thì trái cây của chúng ta xuất đi các thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân do, phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta năng lực còn yếu, khi đối tác yêu cầu duy trì khối lượng lớn trong một thời gian dài thì thường không đáp ứng được.
TS. Nguyễn Hữu Đạt – Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, giá thành và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm quả tươi xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là thách thức lớn khi tham gia TPP.
Theo đó, trong số 12 nước tham gia TPP thì có 6 nước trong số này thuộc thị trường khó tính đối với việc nhập khẩu hoa quả tươi, nổi bật là Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand. Yêu cầu rau quả xuất đi nhóm thị trường này phải là sản xuất theo VietGAP và tuân thủ không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định.
Liên quan đến giá thành sản phẩm, ông Đạt phân tích, mức lợi nhuận bình quân cho doanh nghiệp xuất khẩu bình quân cho cả năm chiếm khoảng 7% tổng giá thành. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu là việc, các doanh nghiệp xuất đi các thị trường khó tính thường phải ký hợp đồng cho cả năm theo một mức giá không đổi. Nhưng giá nguyên liệu quả mua của nông dân lại thay đổi theo mùa, theo thời điểm trong năm.
Điều này dẫn đến tình trạng chung trong nhiều năm qua, là sẽ có các thời điểm doanh nghiệp xuất quả có lời và có những thời điểm phải chịu lỗ. Ví dụ, việc xuất khẩu nhãn đi Mỹ, nếu doanh nghiệp mua vào với giá thấp hơn 30.000 đồng/kg thì doanh nghiệp có lời khoảng 0,3 USD/kg nhưng nếu mua vào hơn 30.000 đồng/kg thì doanh nghiệp huề vốn hoặc lỗ vốn.
Cũng theo ông Đạt, 8 năm qua, chưa có lô xuất khẩu nào vi phạm quy định về dịch hại kiểm dịch thực vật, tuy nhiên những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tương đối phổ biến.
Ông Đạt cho hay, khi có một lô hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tỷ lệ kiểm tra hàng của doanh nghiệp sẽ bị tăng dần lên 50%, 100% thay vì mức kiểm tra 5% bình thường, dẫn đến việc hàng lấy ra trễ 4-5 ngày, kéo theo chất lượng giảm, có nguy cơ lỗ, mất hợp đồng số, giảm số lượng xuất khẩu.
Một lô vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm và bị ảnh hưởng tiếp theo, vì vậy, cần hết sức lưu ý vấn đề này.
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây Việt Nam sang các thị trường khó tính, ông Trung cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần cố gắng tiếp cận với nhiều nguồn lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp với những thị trường đã mở. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải gắn kết với vùng nguyên liệu và vùng trồng, làm ăn theo hướng lâu dài và bền vững.
Theo các chuyên gia, việc khơi thông được những thị trường khó tính được đánh giá sẽ mang lại lợi ích kép khi vừa tránh cho việc trái cây của chúng ta phụ thuộc vào một thị trường, mà còn giúp cho người nông dân thay đổi thói quen, phương thức sản xuất, chuyển từ bán cái mình có sang bán những gì thị trường cần.
Đây cũng là hướng đi tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng