Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu thủy sản: Rào cản khắp lối
19/08/2016

 So với năm trước, mặc dù năm nay xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên thủy sản Việt  Nam đã và đang phải đối mặt với không ít rào cản, khó khăn đến từ hầu hết thị trường chủ lực.

Từ Mỹ, EU...

Theo Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 7, giá trị xuất khẩuthủy sản đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩuThủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Với đà này, xuất khẩuthủy sản cả năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là XK hiện đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, rào cản tại các thị trường lớn.

Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, khó khăn đến từ quy định mới đây yêu cầu tất cả các sản phẩm cá ngừ xuất khẩuvào Hoa Kỳ phải có đủ điều kiện dãn nhãn “An toàn cá heo" (Dolphin Safe). Theo ông Hòe, quy định đã có, các DN xuất khẩuthủy sản buộc phải tuân thủ, tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có sự can thiệp nhằm hạn chế tác động mang tính quá đà hoặc lạm dụng quy định, tạo rào cản không cần thiết cho xuất khẩucá ngừ của Việt Nam.

Ngoài quy định về dán nhãn “An toàn cá heo”, rào cản nổi cộm ở thị trường Hoa Kỳ còn đến từ chương trình thanh tra cá da trơn theo Đạo luật Nông Trại 2014. “Bộ NN&PTNT đã có chủ trương sẽ chủ động cử đoàn công tác sang Hoa Kỳ để vận động hủy bỏ chương trình thanh tra cá da trơn, song dự kiến tới tháng 11 mới triển khai là quá muộn. Quá trình vận động này cần được tiến hành sớm hơn, thậm chí ngay trong tháng 8”, ông Hòe nói.

Tại thị trường EU, xuất khẩucá tra là một trong những vấn đề nổi cộm. Gần đây, xuất khẩucá tra sang EU đang có những biến động lớn. Có thời điểm phía Việt Nam thông báo sản lượng ít nên khách hàng EU tập trung mua vào và lưu giữ trong kho. Tuy nhiên trên thực tế có khi sản lượng cá tra lại khá nhiều, dẫn tới giá thu mua giảm đi. “Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng thống kê một cách cụ thể, cập nhật về sản lượng cá tra thực tế hiện nay ở vùng ĐBSCL để DN thu mua nước ngoài nắm được thông tin, điều tiết tiêu thụ, đồng thời cũng góp phần điều tiết hoạt động xuất khẩutrong nước tốt hơn. VASEP kiến nghị từ nay tới cuối năm cần hình thành hệ thống cơ sở thống kê số liệu chính xác cấp quốc gia”, ông Hòe nhấn mạnh.

…tới Australia, Trung Quốc

Không chỉ “vấp” ở hai thị trường “khó tính” là EU, Hoa Kỳ, thủy sản Việt Nam cũng không mấy suôn sẻ khi tiến vào nhiều thị trường khác, điển hình là Australia. Một số chuyên gia đánh giá, Australia là thị trường xuất khẩurất tiềm năng cho thủy sản, nhất là mặt hàng tôm. Tuy nhiên, hiện nay tôm Việt xuất khẩuvào Australia còn khá hạn chế. Điều này xuất phát từ việc Australia chưa công nhận Việt Nam là quốc gia sạch bệnh trên tôm. Để giải quyết vấn đề, phía Việt Nam cần sớm yêu cầu phía Australia công nhận Việt Nam là quốc gia sạch bệnh. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được nếu nỗ lực bởi thực tế Australia cũng có những mặt hàng mong muốn phía Việt Nam công nhận sạch bệnh để có thể thúc đẩy xuất khẩuvào Việt Nam.

Trung Quốc hiện nay đang là một trong 4 thị trường xuất khẩuthủy sản hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên xuất khẩuthủy sản, nhất là cá tra sang thị trường này cũng đang gặp không ít bấp bênh. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP: Một vài năm gần đây, phía Trung Quốc hoặc trực tiếp hoặc thông qua đại lý, doanh nghiệp Việt Nam để gom hàng thủy sản. Trung Quốc chủ yếu thu mua hàng nguyên liệu, mang tính chọn lọc, chọn size nhất định với mức giá cao hơn mặt bằng giá chung.

 “Việc chọn size này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do không còn đủ size để làm hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, điều đáng bàn là khi thu gom các mặt hàng như tôm, cá tra, Trung Quốc sử dụng thế mạnh về tài chính để đẩy mạnh thu mua, song chỉ thu mau trong khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ đột ngột điều chỉnh lượng mua. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bán. Có thể khi giá cao, người dân ồ ạt nuôi và khi lứa nuôi mới đến kỳ thu hoạch hàng lại ế, giá giảm, đẩy nhiều hộ nuôi vào cảnh bán dưới giá thành. Một trong những vấn đề bất ổn khi xuất khẩuhàng sang Trung Quốc còn là Trung Quốc chấp nhận mua hàng hóa mà không làm chặt vấn đề chất lượng. Nếu xảy ra vấn đề gì thì uy tín hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩuđi các quốc gia khác có thể bị ảnh hưởng”, ông Nam phân tích.

Để đẩy mạnh xuất khẩuthủy sản Việt Nam, ông Hòe cho rằng những khó khăn, vướng mắc nêu trên cần sớm được tháo gỡ. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng phải làm tốt hơn. Điển hình như câu chuyện cá chết tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, do truyền thông chủ yếu tràn ngập thông tin nguy hại mà không có nhiều thông tin chính thức, chuẩn xác mang tầm quốc gia để khẳng định hàng thủy sản xuất khẩuViệt Nam vẫn đảm bảo chất lượng tốt nên nhiều nhà nhập khẩu lăn tăn.

Theo Bộ NN&PTNT: Trong tháng 7 vừa qua, thị trường cá tra nguyên liệu trong tháng không có dấu hiệu khởi sắc, giá vẫn ở mức thấp. Giá cá tra trong size (700-900 g/kg) vẫn duy trì quanh mức 18.500-19.000 đ/kg (trả chậm), giảm khoảng 400 đ/kg so với tháng 6. Theo thông tin từ hộ nuôi, hiện lượng cá trong size 700-900 g/con của các hộ khá nhiều nên các hộ vẫn tích cực chào bán. Trong khi đó, cá tra quá lứa nằm trong ao không có người mua do thị trường Trung Quốc giảm mua, chỉ bán được ở mức giá 16.000- 17.000 đ/kg khiến người nuôi lỗ nặng.

Đối với mặt hàng tôm, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau trong tháng 7 không có biến động sau khi bất ngờ giảm mạnh vào giữa tháng 6, nguồn cung vẫn ở mức thấp. Cụ thể, giá tôm sú cỡ 20 con/kg giảm 2.000 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 6 xuống 278.000 đ/kg; cỡ 30 con/kg giữ nguyên mức 210.000 đ/kg; cỡ 40 con/kg giảm 1.000 đ/kg xuống 129.000 đ/kg. Tôm thẻ chân trắng cỡ 70 con/kg giảm 3.000 đ/kg xuống 127.000 đ/kg và cỡ 100 con/kg giảm 4.000 đ/kg xuống 96.000 đ/kg. Dự báo, giá tôm sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Nguồn: Báo Hải Quan

Ý kiến bạn đọc