Rào cản thương mại
Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp
30/09/2015
Tăng trưởng dự báo thấp hơn mục tiêu
 
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2014 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Australian Aid công bố ngày 11-2 nhận định: Tín hiệu phục hồi tăng trưởng đã rõ hơn song còn thấp xa so với mức trung bình 1999-2000 và xu thế tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét.
 
Ngoài ra, theo báo cáo này, tăng trưởng GDP thấp hơn mức trung bình và thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Tăng trưởng của Việt Nam từ 2012-2016 dự kiến chỉ hơn được Campuchia, Lào, Myanmar, và thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan.
 
Mặt khác, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá: Việt Nam vẫn chưa cải thiện về chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2008-2013 thấp đáng ngại.
 
Trong khi đó, yêu cầu tăng nhanh năng suất, nhất là năng suất lao động đã trở nên không thể chần chừ. Báo cáo chỉ ra rằng: Để duy trì thành tích tăng trưởng đã đạt được trong thời gian gần đây, Việt Nam sẽ phải tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lên gần 1,5 lần.
 
Khi so sánh với Trung Quốc, báo cáo cho thấy GDP bình quân đầu người cửa Việt Nam có khoảng cách ngày càng nới rộng ra. Còn so sánh tỷ lệ GDP của Việt Nam với Trung Quốc, thì GDP Việt Nam ngày càng nhỏ so với Trung Quốc, tức là chúng ta yếu đi cả về tuyệt đối và tương đối.
 
Nhìn vào kinh tế 2015, báo cáo đưa ra dự báo: Trong điều kiện “bình thường”, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2015 dự báo ở mức 6,07% (mục tiêu đặt ra là 6,2%), tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 11,2%, thấp hơn so với năm 2014.
 
Đáng lưu ý, thâm hụt thương mại dự kiến sẽ ở mức 3,9 tỷ USD, chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Còn mức tăng giá tiêu dùng (CPI) là khoảng 4,14%, cao hơn so với năm 2014.
 
Củng cố trật tự và kỷ luật thị trường
 
Năm 2014, việc thay đổi thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam được đẩy mạnh hơn. Tác động của những chính sách đó, theo TS Cung, đó là quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng và được đảm bảo một cách chắc chắn hơn. Doanh nghiệp thực sự được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm. Đồng thời, những rào cản gia nhập thị trường đã giảm, tạo thuận lợi hơn trong kinh doanh…
 
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp được tự quyết nhiều hơn đối với các vấn đề nội bộ; giảm rủi ro pháp lý, tăng mức độ an toàn trong đầu tư, kinh doanh…
 
Song để hiện thực hóa các tác động của cải cách thể chế, theo TS Nguyễn Đình Cung, một trong các điều kiện cần là cán bộ, công chức cần tôn trọng luật, không làm méo mó, sai lệch nội dung của luật, không làm trái luật…
 
Trong bối cảnh mới, báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 chỉ ra rằng ưu tiên chính sách  nên tập trung hơn vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.
 
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tự do hóa thị trường… khởi xướng từ năm 2014 vẫn cần được duy trì và làm sâu sắc hơn.
 
Trên nền tảng ấy, báo cáo đưa ra thông điệp chính sách của các năm 2015-2016 là cần nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu tạo lập, củng cố trật tự và kỷ luật thị trường.
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/ 
Ý kiến bạn đọc