Tại sao hiện nay rất nhiều người kinh doanh trực tuyến thất bại, thậm chí không bán được sản phẩm nào? Trong phần 1 của bài viết, tôi xin chia sẻ 5 nguyên nhân và hướng giải quyết giúp các bạn hoàn thiện, câu khách cho các gian hàng trực tuyến:
1. Chưa nắm bắt được thị trường:
Trước khi bước vào công việc kinh doanh, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu kỹ lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nhu cầu cho mặt hàng bạn chuẩn bị tung ra. Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định là có nên gia nhập thị trường này hay không và làm thế nào chiếm được thị phần trên thị trường này.
Đây là những yếu tố mà bạn cần xác định ngay từ đầu:
- Tính cạnh tranh trên thị trường:
Nắm rõ đối thủ của mình là ai, thị phần của họ có lớn không và sản phẩm của bạn có đặc điểm gì nổi bật để có thể cạnh tranh. Hãy dành thời gian để tìm hiểu các mối quan hệ, chất lượng sản phẩm, cách tiếp thị, hoạt động và dịch vụ khách hàng của họ.
- Tính bão hòa trên thị trường:
Định vị sản phẩm, thương hiệu của bạn trên thị trường. Chúng có khác biệt với những sản phẩm đang được bán không? Tìm ra thị trường bạn có thể khai thác để phát triển thương hiệu.
- Mô hình giá cả:
Để tạo ra lợi nhuận, giá sản phẩm của bạn phải lớn hơn chi phí phát sinh trong khi vẫn đủ thấp để thu hút khách hàng. Chi phí sản xuất, phân phối, tiếp thị, lương nhân viên, thuế, và các hoạt động chung kết hợp với chi phí dành cho bán hàng như phí vận chuyển, chương trình giảm giá cần được tính toán kỹ lưỡng trước khi định giá bán cho sản phẩm.
- Tính phổ biến của sản phẩm:
Nếu các cửa hàng địa phương đều bày bán sản phẩm mà bạn định kinh doanh thì chẳng có lý do gì để người tiêu dùng mua hàng từ trang web của bạn. Kinh doanh loại sản phẩm dễ tìm thấy tại các cửa hàng, siêu thị là một điều dại dột.
- Đối tượng mục tiêu:
Sản phẩm của bạn sẽ thu hút từng đối tượng cụ thể. Bằng việc tiếp thị tới đúng những đối tượng đó, bạn có thể nhanh chóng làm tăng doanh số bán hàng trực tuyến. Tốt nhất bạn nên tổ chức những cuộc khảo sát, thăm dò trước khi kinh doanh bất cứ mặt hàng nào. Nó sẽ giúp bạn xác định được đối tượng nào sẽ chọn mua sản phẩm của bạn.
- Mô hình kinh doanh không hiệu quả:
Mô hình kinh doanh cần thể hiện được điểm khác biệt của bạn với đối thủ cạnh tranh, cách bạn tiếp cận khách hàng, làm thế nào định giá cho sản phẩm, chiến lược bán hàng, chính sách giao hàng, dịch vụ khách hàng và tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Dựa trên những yếu tố này, bạn cần phác thảo kế hoạch, chiến lược kinh doanh nhắm tới các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, chính sách liên quan đến mô hình kinh doanh để làm sao đạt được từng mục tiêu đề ra.
2. Chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa:
Chuỗi cung ứng hàng hóa có thể tạo nên thành công hoặc làm bạn phá sản. Một chuỗi cung ứng không hiệu quả có thể lấy đi của bạn hàng trăm triệu đồng. Các chi phí liên quan đến kho lưu trữ, thời gian giao hàng, giá vận chuyển, đơn hoàn trả hàng hóa, hàng tồn kho, nhận nguyên liệu từ một nhà cung cấp khác hay tự sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của doanh nghiệp.
Chuỗi cung ứng sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu bạn phân tích đầy đủ quá trình sản xuất từ khâu nhập nguyên liệu thô, tới khâu sản xuất cho tới lúc đưa sản phẩm tới tay người dùng.
Một giáo sư tại học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã tạo ra một ứng dụng mô phỏng chuỗi cung ứng hàng hóa với tên gọi Beer Game. Với ứng dụng này, bạn có thể dễ dàng mường tượng một chuỗi cung ứng sẽ hoạt động như thế nào. Trò chơi này đã có trên các sản phẩm của Apple và có phiên bản chơi trực tuyến (http://beergame.bus.umich.edu/guide.htm)
3. Quảng cáo và tiếp thị:
Một quan niệm sai lầm phổ biến của các nhà bán lẻ trực tuyến là “if you build it they will come” (nếu bạn xây dựng cửa hàng thì khách hàng sẽ đến với bạn, hay nôm na trong Tiếng Việt có câu thành ngữ "hữu xạ tự nhiên hương"). Tuy nhiên, những quan niệm từ ngày đầu có Internet đã không còn đúng. Internet đã và đang phát triển mạnh trong vài thập kỷ qua. Cạnh tranh trực tuyến càng cao đồng nghĩa với việc tiếp thị và quảng cáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bạn phải đảm bảo có đủ ngân sách để quảng cáo sản phẩm trên nhiều kênh phương tiện (diễn đàn, mạng xã hội…) và áp dụng các chiến lược một cách đa dạng.
4. Chi phí và cơ sở hạ tầng:
Nhiều người kinh doanh trực tuyến nghĩ chi phí bỏ ra cho một gian hàng trực tuyến rẻ hơn chi phí cho loại cửa hàng truyền thống. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nhận định đó là sai lầm. Khi xét đến các yếu tố sau đây thì các website bán hàng cũng lấy đi của bạn tương đối nhiều tiền:
- Hosting
- Phát triển website
- Thiết kế đồ họa
- Duy trì website: cập nhật phần mềm, các tính năng mới và cập nhật trang web thường xuyên
- Nhập dữ liệu
- Chụp ảnh sản phẩm, quá trình hoạt động, hình ảnh gian hàng
- Quảng cáo và tiếp thị
- Kế toán/Thuế
- Chi phí cho nhân viên (lương, bảo hiểm…)
- Dịch vụ khách hàng
5. Thiếu tính bảo mật và độ tin cậy:
Khi xây dựng một gian hàng trực tuyến và thiết lập trang web, bạn phải đặt tính bảo mật lên hàng đầu. Rủi ro về bảo mật như phần mềm độc hại, các cách thức thanh toán chưa được biết tới và hacker sẽ khiến doanh số bán hàng sụt giảm.
Vì thế, việc lựa chọn được một giải pháp thanh toán phù hợp tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử và đảm bảo rằng website của bạn có chứng nhận uy tín từ tổ chức đáng tin cậy sẽ đóng góp phần nào vào doanh thu của một gian hàng trực tuyến.
Xây dựng và phát triển thành công một gian hàng trực tuyến đòi hỏi sự nghiên cứu về thị trường, cũng như sự am hiểu nhu cầu, tâm lý khách hàng.
Tại sao hiện nay rất nhiều người kinh doanh trực tuyến thất bại, thậm chí không bán được sản phẩm nào? Trong phần 2 của chủ đề này, tôi xin chia sẻ 5 lí do tiếp theo khiến gian hàng của bạn ít đơn đặt hàng.
6. Thiếu tính cá nhân:
Do bạn chủ yếu kinh doanh trực tuyến nên cơ hội được trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc khách hàng rất thấp. Trong trường hợp này, tính cá nhân trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng hỗ trợ quá trình bán hàng. Bạn có thể tạo pop-up, banner trên website với tính chất chào đón mọi người đến với gian hàng trực tuyến và đưa ra những lời khuyên, tư vấn cho từng cá nhân dựa vào lần truy cập trước của họ.
7. Thông tin mập mờ, thiếu minh bạch:
Đừng cho rằng những lời giới thiệu về cửa hàng, thông tin liên hệ trên website không quan trọng. Càng cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho khách hàng, bạn càng nâng cao uy tín cho gian hàng của mình.
Thử đặt mình vào địa vị của một người tiêu dùng và quyết định xem bạn có dám dùng sản phẩm, dịch vụ của một thương hiệu không uy tín và bạn không có chút thông tin, hình ảnh về chủ cửa hàng cũng như quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Điểm mấu chốt ở đây vẫn là nguồn và độ chính xác của thông tin bạn cung cấp.
8. Trải nghiệm người dùng không tốt:
Giao diện website rối rắm, lòe loẹt hoặc thao tác khó khăn sẽ làm giảm lượng truy cập vào website và dẫn đến tỷ lệ rời bỏ website (bounce rate) cao và tỷ lệ hủy quá trình hoàn tất giỏ hàng (abandoned carts) cao. Website được thiết kế thân thiện với người dùng giúp trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Dưới đây là một số yếu tố khiến website mất điểm đối với khách hàng:
- Lời kêu gọi hành động (Call-to-action: CTA) không rõ ràng.
- Giao diện website không bắt mắt.
- Chất lượng ảnh sản phẩm kém.
- Nguồn thông tin sản phẩm nghèo nàn.
- Điều hướng trên website phức tạp.
- Quá nhiều thông tin không cần thiết.
- Nội dung chủ yếu phục vụ công việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).
- Quá trình thanh toán phức tạp, bao gồm nhiều bước.
- Chức năng tìm kiếm trên website kém hiệu quả.
- Website/Hosting không ổn định.
- Không có giá cụ thể cho mỗi loại mặt hàng.
- Yêu cầu khách hàng cung cấp cùng loại thông tin nhiều lần.
- Bắt buộc phải tạo tài khoản mới có thể mua hàng.
- Tốc độ đường truyền chậm, không ổn định.
- Nhiều chức năng, tính năng, module không cần thiết khiến khách hàng phân tâm trong quá trình mua sản phẩm.
9. Chăm sóc, hỗ trợ khách hàng không chu đáo:
Dịch vụ chăm sóc khách hàng kém sẽ đẩy khách hàng đến với đối thủ cạnh tranh của bạn. Khi bắt đầu kinh doanh trực tuyến, bạn phải cụ thể hóa chính sách cho khách hàng để đảm bảo họ đang được phục vụ đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, phương thức hỗ trợ đa dạng (số máy hỗ trợ, địa chỉ email, hỗ trợ trực tuyến qua yahoo, skype…) đóng vai trò quan trọng trong công cuộc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
10. Ít chương trình khuyến mãi:
Một trong những bước phát triển thương hiệu là bạn phải nâng cao nhận thức và khuyến khích khách hàng của mình tham gia trực tuyến.
Các chương trình khuyến mãi trực tuyến như các cuộc thi, quà tặng, rút thăm trúng thưởng là một trong những công cụ tiếp thị tốt nhất bạn có thể sử dụng để tạo ra sự phấn khích cho người dùng xoay quanh thương hiệu của bạn, giúp xây dựng mối quan hệ với khách hàng ngày càng bền chặt.
Giải quyết được những vấn đề nêu trên sẽ phần nào giúp cửa hàng có nhiều khách tới mua hàng hơn và doanh thu cho doanh nghiệp cũng ngày một tăng lên.