Các DN Việt Nam khi phát triển kênh trực tuyến phần lớn đều dựa vào nhận thức cảm tính nhiều hơn là hiểu rõ hành vi mua sắm thực sự của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc cung cấp sản phẩm trên kênh trực tuyến sẽ giúp các nhà bán lẻ tăng thêm tổng doanh thu.
Những chiếc hộp nhựa tiện dụng Lock & Lock đang có chương trình giảm giá, máy làm bánh mỳ hotdog kiêm luộc trứng phù hợp cho những bữa sáng nhanh của gia đình trẻ bán kèm voucher… là những sản phẩm thường thấy được giới thiệu trên các kênh truyền hình mua sắm như SCj mua sắm, TV shopping, hay Lotte Home Shopping.
Để sở hữu những sản phẩm này, khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng đến chương trình theo số máy cho sẵn sẽ có nhân viên chuyển hàng đến tận nơi và nhận tiền, hoặc cũng có thể thanh toán trực tuyến và nhận hàng sau đó…
Xu hướng mua sắm mới
Cách thức mua bán như vậy đang ngày càng trở nên phổ biến. Các kênh truyền hình trên đều mới hoạt động, tiếp bước các kênh bán hàng online đã ra đời từ trước và ngày càng nhân lên gấp bội về số lượng. Stéphane Roger, Giám đốc Toàn cầu của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, mặc dù kênh trực tuyến chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị thị trường hàng tiêu dùng nhanh hiện tại, nhưng kênh mua sắm này đang chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thậm chí, vị chuyên gia nói trên còn dự báo, tương lai sẽ nằm trong tay những thương hiệu và nhà bán lẻ nào có tầm nhìn, biết khai thác các cơ hội sẵn có của bán hàng trực tuyến để mở rộng thị trường mục tiêu. DN nào chậm chân trong việc tăng thị phần từ loại hình kinh doanh này sẽ chịu tổn thất lớn về doanh thu…
Thông qua phân tích, Kantar Worldpanel dự báo, đến năm 2016, các kênh mua sắm online sẽ đóng góp 5,2% tổng doanh thu thị trường hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu, với doanh thu lên đến 53 tỷ USD, tăng 17 tỷ USD (47%) so với mức hiện nay là 36 tỷ USD. Đặc biệt, ở hầu hết các nước, giỏ hàng online thường lớn gấp đôi so với giỏ hàng thông thường.
Thị trường châu Á hiện có mức tăng trưởng cao nhất. Trong đó, Hàn Quốc liên tục dẫn đầu khi các kênh trực tuyến đóng góp 13,8% tổng doanh thu từ bán hàng tiêu dùng nhanh. Hiện nay, 55% hộ gia đình Hàn Quốc có mua hàng tiêu dùng trực tuyến, một con số đặc biệt cao mà chưa nước nào trên thế giới có thể vươn tới được. Tiếp đến là Đài Loan với tăng trưởng 4,5%, Trung Quốc tăng trưởng 3,3%…
Còn tại thị trường châu Âu, Vương quốc Anh tiên phong trong mua sắm hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến. Người tiêu dùng ở Anh đặt hàng online trung bình một lần/tháng và giỏ hàng của họ lớn gấp 5 lần so với khi mua ở các điểm mua sắm khác. Tiếp đến là người tiêu dùng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…
Mức tăng trưởng doanh thu trực tuyến của thị trường hàng tiêu dùng nhanh cho thấy cơ hội lớn dành cho các nhà bán lẻ và DN. Bởi người tiêu dùng trực tuyến hiện nay thường là nhóm khách hàng có thu nhập từ trung bình khá đến cao. Họ có xu hướng chuộng các sản phẩm có thương hiệu hơn so với các sản phẩm nhãn hàng riêng. Đây là nền tảng vững chắc để các thương hiệu có thể phát triển tốt hơn nữa.
Ở Pháp, 55% người tiêu dùng trực tuyến tái sử dụng cùng một danh sách cho các giao dịch mua sắm khác nhau. Như vậy, điều quan trọng là các thương hiệu phải đảm bảo cho mình có một chỗ đứng trong danh sách mua sắm của người tiêu dùng để có thể đón đầu cơ hội từ mức tăng trưởng đã dự báo trước này.
Cơ hội cho các DN Việt
Với Việt Nam, thị trường hàng tiêu dùng trực tuyến hiện vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, với chỉ 2% hộ gia đình thành thị có sử dụng kênh trực tuyến để mua hàng tiêu dùng và chỉ chiếm khoảng 0,1% trong tổng tiêu dùng. Thói quen tiêu dùng, mua sắm bằng tiền mặt của người Việt Nam hiện chưa thay đổi nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn.
Trên thực tế trên 90% người tiêu dùng ở thị trường nông thôn vẫn có thói quen mua sắm tại các kênh truyền thống chợ, cửa hàng tạp hóa và thanh toán bằng tiền mặt.
Song, bất chấp văn hóa tiền mặt tại Việt Nam không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được, thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam vẫn đầy tiềm năng. Theo đánh giá của Vụ Thanh toán (NHNN), hiện nay số lượng người dùng thẻ tại Việt Nam đang tăng nhanh, lượng đã phát hành là 70 triệu thẻ. Hầu hết các thanh toán điện tử đều diễn ra ở một số thành thị lớn tại Việt Nam do người dân ở những vùng này tiếp cận nhiều với công nghệ cũng như thường xuyên sử dụng thẻ.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề lớn trong xu thế phát triển của công nghệ như vũ bão hiện nay. Bởi cùng với xu hướng mua sắm online đang thịnh hành ở giới trẻ, tỷ lệ kết nối internet tại Việt Nam khá cao (63% hộ gia đình thành thị Việt Nam có kết nối internet tại nhà); gần 2/3 số hộ gia đình ở thành thị có sở hữu điện thoại 3G… Đó là nền tảng tốt cho loại hình kinh doanh này phát triển, khi người tiêu dùng Việt Nam đã được kết nối tốt hơn với thế giới trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi.