Tin tức
Những yếu tố hỗ trợ việc tiếp cận các mạng bán lẻ
18/09/2013

Sự da dạng về hàng hóa, mẫu mã sản phẩm và sự tương đồng với hàng hóa trên các mạng bán lẻ:

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam truyền thống hiện nay của Việt Nam (xét các nhóm hàng có thể đưa lên mạng bán lẻ) bao gồm: hàng dệt may, da giầy; thủ công mỹ nghệ, nông sản (gạo, hoa); đồ điện tử, gia dụng; đồ nội thất; đồ chơi trẻ em; vali, túi xách; thực phẩm, bánh kẹo… Những nhóm hàng này rất phổ biến và gần như chiếm đến 85% tổng lượng hàng hóa chào bán trên các web bán lẻ. Trong khi đó, theo khảo sát đã nêu ở phần trên, các website bán lẻ chuyên doanh các nhóm sản phẩm của các tập đoàn, công ty chiếm đến 80%, đây là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. Trong số 80% các web chuyên doanh đó, hàng Dệt may, đồ da chiếm tỷ trọng 30%, hàng điện tử, gia dụng chiếm 27%, hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm trang trí chiếm 12,7%... Đây là những cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam nếu biết tiếp cận đúng cách. Ngoài ra, với 8% các web bán lẻ tổng hợp, trên 600 loại sản phẩm khác nhau, hàng hóa Việt Nam hiện tương đồng với 85% tổng lượng hàng hóa đang được chào bán trên các mạng bán lẻ tổng hợp này.

Xét về mẫu mã hàng hóa, các sản phẩm của Việt Nam đều rất đa dạng về mẫu mã, chất liệu tạo sản phẩm và khả năng mở rộng, sáng tạo thêm các loại mẫu mã luôn là ưu thế của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi tiếp cận các website bán lẻ, việc đa dạng mẫu mã, tạo sự cạnh tranh, so sánh ngay trên cùng một trang màn hình (same window) với các hàng hóa từ nước khác là rất quan trọng và có tác động đến lựa chọn tiêu dùng của khách hàng.

Xét một ví dụ điển hình về sản phẩm đèn lồng trang trí của Việt Nam, mẫu mã của đèn được thiết kế đa dạng, với trên 100 kiểu dáng, từ đủ mọi chất liệu, mầu sắc. Giá cả cũng đa dạng (thấp nhất khoảng 30 USD và cao nhất có thể lên đến 150 USD) – khảo sát qua Overstock.com.

Sự phát triển nhanh và đa dạng các website bán lẻ của Việt Nam:

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường mạng Việt Nam trở nên cực kỳ sôi động vì sự ra đời của hàng loạt các website bán lẻ với đa dạng loại hình sản phẩm từ chuyên doanh (nội thất, đồ điện tử) đến tổng hợp (kinh doanh đủ loại hàng, dịch vụ). Với sự phát triển của Internet và các phần mềm ứng dụng, hàng loạt các website bán lẻ như: chodientu.com, gophatdat.com, vnemart.com… đã ra đời, ít nhiều tạo ra một “sàn tập” cho cả người kinh doanh lẫn người dùng.

Mặc dù các website này có vòng đời rất ngắn, nhưng những giá trị thực tế mà chúng mang lại không thể phủ nhận được. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã làm quen được với việc kinh doanh qua mạng, khách hàng cũng có những thao tác trực tiếp để nắm bắt được nghiệp vụ mua bán hàng trực tuyến. Quan trọng nhất là các mạng này cho phép người dùng sử dụng các phương thức thanh toán mới (trực tuyến) và giao hàng mới. Các mạng này cũng đã đặt ra bài toán “an ninh mạng” để các doanh nghiệp có thể khai thác tốt hơn việc kinh doanh qua mạng internet.

Sự phát triển của Thương mại điện tử tạo ra cơ hội cho việc thay đổi phương thức bán hàng và tiếp cận đến các mạng toàn cầu

Từ năm 2009 đến nay, việc mua bán qua mạng đã trở thành một hình thức được người tiêu dùng ưa thích tại Việt Nam, đặc biệt là những người làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng tại các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo báo cáo Thương mại điện tử của Bộ Công Thương năm 2010, 49% các hộ gia đình đã kết nối Internet, 18% trong số đó sử dụng vào mục đích liên quan đến Thương mại điện tử và 4% từng sử dụng thanh toán trực tuyến hoặc các dịch vụ liên quan đến ngân hàng.

Việc bán hàng trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian qua tập trung nhiều vào các dịch vụ của các công ty, tập đoàn như: hàng không, du lịch. Các công ty đã tạo dần thói quen mua bán hàng cho người dùng và bản thân khách hàng cũng đang quen dần với các hình thức mua bán này.

Mạng thanh toán được mở rộng làm tăng khả năng khai thác các websie bán lẻ toàn cầu

Đối với giao dịch bán hàng trực tuyến, yếu tố quan trọng hàng đầu cần quan tâm là phương thức thanh toán và loại tiền thanh toán. Hầu hết các mạng bán lẻ toàn cầu đều sử dụng đồng USD làm đồng tiền thanh toán, cá biệt với các mạng chuyên doanh tại từng thị trường riêng có thể thanh toán bằng đồng bản tệ. Phương thức thanh toán dùng trong bán hàng trực tuyến rất đa dạng và vì hạn mức thanh toán nhỏ nên các loại hình thanh toán này ngày càng được mở rộng hơn. Có thể kể đến các hình thức thanh toán như: thẻ Visa, Master, tài khoản cá nhân, tài khoản trên điện thoại, mua thẻ thanh toán, tiền mặt… Để đáp ứng được đa dạng các hình thức thanh toán từ đa dạng các khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến cần phải có liên kết mạng thanh toán đủ mạnh để thu được tiền hàng. Không phải ngẫu nhiên mà các mạng bán lẻ toàn cầu đều có liên kết với các ngân hàng quốc gia các nước, có hệ thống mạng thanh toán thẻ kết nối với các băng thông mạng thanh toán toàn cầu.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đột phá trong lĩnh vực liên kết thanh toán toàn cầu với sự gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng thanh toán quốc tế như mạng Visa, Master. Các dịch vụ thẻ Debit Card – thẻ ghi nợ cho phép sử dụng ngoại tệ trong thanh toán và mạng thanh toán nối đến trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép doanh nghiệp Việt Nam khai thác được mảng mua bán hàng hóa trực tuyến.

Sự phát triển của công nghệ phần mềm đảm bảo an ninh mạng

Nhóm khảo sát đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ trên mạng tìm kiếm google về sự phát triển của công nghệ phần mềm và các ứng dụng đảm bảo an ninh mạng cho các nhà cung cấp, sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa qua mạng, kết quả thu được cho thấy mức độ phát triển của các dịch vụ này rất đáng nể trong những năm vừa qua

Có thể thấy, các dịch vụ hỗ trợ cho mua bán hàng trực tuyến đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội khi tham gia vào các mạng bán lẻ toàn cầu.

Sự liên kết với các tập đoàn, công ty bán lẻ toàn cầu theo cách truyền thống tạo tiền đề cho liên kết bán hàng điện tử

Thị trường bán lẻ hàng hóa của Việt Nam trong những năm qua đã được các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới quan tâm, đầu tư hoặc lên kế hoạch tiếp cận. Mặc dù các tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam hiện nay chưa có mạng bán lẻ trực tuyến nhưng sự liên kết này vẫn tạo ra các chuẩn mực nhất định để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đến các mạng bán lẻ toàn cầu. Điển hình như Walmart.com muốn thâm nhập thị trường Việt Nam trong năm 2012. Nếu việc liên kết truyền thống này được thiết lập thì Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng để tận dụng được mạng phân phối hàng hóa truyền thống của các tập đoàn này để xuất khẩu hàng hóa trực tuyến.

Ý kiến bạn đọc