Trong vòng 2 thập kỷ qua, các công ty châu Á đã thành công vang dội. Tuy nhiên, giờ đây họ cần cải cách để trở nên thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn và tiến ra toàn cầu nhiều hơn.
Năm 2012, các tổ chức nghiên cứu của Mỹ dự đoán rằng châu Á sẽ sớm trở thành các đối thủ nặng ký trên thương trường quốc tế. Năm 2030, châu Á được dự đoán vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu gộp lại trên phương diện sức mạnh toàn cầu (dựa trên GDP, quy mô dân số, chi tiêu cho quốc phòng và đầu tư vào công nghệ). Họ coi đây là một kết luận hiển nhiên mang tính tất yếu.
Dẫu vậy, những dự báo này dường như quá lạc quan so với những gì diễn ra trên thực tế. Hòa bình – nền tảng giúp nền kinh tế khu vực bùng nổ suốt 20 năm qua – đang bị đe dọa bởi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và những nước láng giềng. Vì tranh chấp biển đảo, các doanh nghiệp Nhật Bản tháo chạy khỏi Trung Quốc. Hai yếu tố chính tạo nên kỳ tích của các doanh nghiệp châu Á là lực lượng lao động và vốn đang trở nên đắt đỏ. Tiền lương tăng lên và qui mô lao động ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ sớm bị thu hẹp do hiện tượng già hóa dân số. Lãi suất trên toàn thế giới sẽ sớm tăng lên và các ngân hàng nhà nước ở Ấn Độ và Trung Quốc (vốn có rất nhiều nợ xấu) sẽ tăng chi phí đi vay.
Cho tới nay, thành công của các doanh nghiệp châu Á thậm chí còn gây nên “cơn đau đầu”. Tăng trưởng nhanh nhưng không đồng đều. Ví dụ, châu Á tạo ra 45% lượng khí thải carbon của toàn thế giới nhưng chỉ sở hữu 10% các thương hiệu lớn nhất. Ở các quốc gia mới nổi trên khắp châu Á xuất hiện tầng lớp trung lưu mới mong muốn “chủ nghĩa tư bản” ít tham nhũng hơn, ít nguy hiểm hơn và ít ô nhiễm hơn. Các nhà kinh tế học giờ đây lo lắng rằng Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình với thể chế yếu kém và thiếu vắng sáng tạo sẽ khiến quá trình phát triển bị chậm lại.
Nhà đầu tư cũng dự báo châu Á chuẩn bị bước qua những thay đổi rất lớn. Trong 3 năm gần đây, bị kéo tụt lại bởi các cổ phiếu “thuộc nền kinh tế già nua”, giá trị vốn hóa của cổ phiếu châu Á thấp hơn 40% so với cổ phiếu Mỹ. Khi Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ trong thời gian sắp tới, giá trị vốn hóa của công ty này sẽ tương đương với giá trị vốn hóa của toàn bộ các doanh nghiệp thép Trung Quốc. Các quỹ đầu tư ráo riết săn tìm các doanh nghiệp mới ở châu Á nhưng họ không thể tìm thấy đủ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu.
Trái ngược với những mâu thuẫn về ngoại giao, châu Á đang đoàn kết hơn bao giờ hết về góc độ kinh tế. 54% kim ngạch thương mại của châu Á là với quốc gia trong cùng châu Á, tăng mạnh so với tỷ lệ 25% của năm 1990. Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Mạng lưới chuỗi cung ứng dày đặc kết nối các tập đoàn đa quốc gia với những nhà máy Trung Quốc. Các nhà máy Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng đang trở thành một phần của “đại công xưởng châu Á”. Ấn Độ và Indonesia sẽ sớm gia nhập. Sự trỗi dậy của nhân dân tệ cũng giúp ích cho quá trình kết nối toàn châu Á.
Châu Á (bài viết này không tính đến Australia) không chỉ rộng lớn về lãnh thổ mà còn đa dạng về mọi mặt. Châu Á có các quốc gia giàu có và “đang già đi” (như Nhật Bản), nghèo hơn nhưng cũng “đang già đi” (như Trung Quốc) và cả những quốc gia còn non trẻ như Ấn Độ, Indonesia cho tới những nền kinh tế mới mở cửa như Myanmar.
Tất cả các lãnh đạo châu Á đều mong muốn cải cách, nhưng vì từ những xuất phát điểm khác nhau, thách thức mà họ phải đối mặt cũng khác nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn nền kinh tế thị trường, tiêu dùng, cải tiến và nhà nước pháp quyền đóng vai trò quan trọng hơn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang loay hoay tìm cách thoát khỏi lạm phát và bẫy dân số trong khi Thủ tướng mới của Ấn Độ và Indonesia sẽ phải đẩy mạnh công nghiệp hóa bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà sản xuất lớn. Thách thức mà họ gặp phải sẽ lớn hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc khi những nước này bước vào giai đoạn tương tự hồi cuối thế kỷ 20.
Các chính trị gia và nhà kinh tế học có thể nghĩ rằng họ là “tài xế” đưa đất nước đến đích, nhưng các doanh nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng. Trong thời kỳ 1960 – 80, Sony, Toyota và các doanh nghiệp khác của Nhật Bản là động lực chính tạo nên thành công của nền kinh tế. Kể từ những năm 1970, các chaebol của Hàn Quốc (đặc biệt là Hyundai và Samsung) đã thành công trong ngành đóng tàu và giờ đây là ô tô và điện thoại thông minh. Kể từ những năm 1990, lợi nhuận của các công ty công nghệ thông tin đã cứu Ấn Độ khỏi khủng hoảng cán cân thanh toán. Kể từ năm 2000, các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây đổ xô về châu Á và khiến hoạt động tiêu dùng bùng nổ.
Báo cáo đặc biệt này sẽ tập trung vào những công ty có vai trò định hình một châu Á hoàn toàn mới. Chính bản thân các công ty này sẽ phải cải cách theo 5 xu hướng mấu chốt ảnh hưởng đến toàn châu Á.
Thứ nhất, họ phải thích nghi với môi trường chính trị không mấy thuận lợi. Xu hướng thứ hai là dân số vàng không còn và chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng lên. Thứ ba, xã hội châu Á đang khao khát chuyển từ số lượng sang chất lượng với tầng lớp trung lưu có đòi hỏi một môi trường sống tốt hơn. Thứ tư, internet sẽ ảnh hưởng đến châu Á nhiều hơn so với các nước phát triển. Các ngành chưa phát triển đầy đủ như bán lẻ và logistics sẽ nhảy vọt từ giai đoạn tiền công nghiệp sang giai đoạn internet.
Thứ năm và cũng là xu hướng quan trọng nhất, rất nhiều doanh nghiệp châu Á sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu. Ngày nay, thị hiếu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội chứ không phải bởi những tấm biển quảng cáo. Do đó, các doanh nghiệp châu Á sẽ phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trên sân nhà bằng cách đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sức mạnh thương hiệu và công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).