Tin tức
Cẩn trọng với đa cấp online - Mập mờ đa cấp thương mại điện tử
11/10/2016

Nhiều người tìm đến sàn thương mại điện tử noncenbao.com để đầu tư bằng phương thức mua hộ hàng hóa cho chủ sàn và không biết được số hàng đó sẽ bán lại cho ai
Ngày 10-10, tại trụ sở Công ty TNHH Thương mại điện tử Nông Thành Bảo Việt Nam (VN Noncenbao) ở số 18-20 Phước Hưng, quận 5, TP HCM có khá nhiều nhà đầu tư được một số người tư vấn phương thức đầu tư tài chính qua sàn noncenbao.com. Tấm bảng thông tin của VN Noncenbao cũng có một số thông báo về chức năng rút tiền, thời gian quyết toán tiền… và các chính sách dành cho hội viên phát triển thêm hội viên mới.
Giao dịch lòng vòng
Ông Đức, người đang đầu tư (hội viên) sàn này, mách nước tôi rằng kênh tiền gửi đa cấp online có mức sinh lời rất cao. Khi chúng tôi ngỏ ý làm hội viên, ông Đức liền giới thiệu bà Vân - một hội viên có “thâm niên” tại VN Noncenbao - để người này hướng dẫn luật “chơi” và cách thức giao dịch. Bà Vân bảo người mới không thể tiếp xúc với nhân viên công ty mà phải thông qua hội viên cũ.
Người phụ nữ này giới thiệu với tôi các gói đầu tư từ 1.600 USD- 20.000 USD. Ví dụ, với số tiền 1.600 USD, nhà đầu tư được mở 7 ID, mỗi ID đóng phí 10 USD. Theo đó, nếu hội viên liên tục vận hành 7 ID để mua hàng hóa theo đúng cách thức do chủ sàn đặt ra thì trong tháng đầu tiên sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 220 USD. Từ tháng thứ 2 trở đi, ngoài lợi nhuận từ việc mua hàng, hội viên còn nhận thêm 26 USD/tháng (lãi suất 5%/tháng trên số tiền 520 USD).

Người dân đến tìm hiểu về cách thức đầu tư và kiếm tiền từ sàn noncenbao.com. Ảnh nhỏ: Những lời quảng cáo “có cánh” về Noncenbao trên website noncenbao.com
“Thế tiền sẽ nộp cho ai, có chứng từ không?” - tôi thắc mắc và ngay lập tức được bà Vân giải đáp: “Anh nộp trực tiếp bằng VNĐ cho công ty với tỉ giá cố định 23.000 đồng/USD và nhận phiếu thu tiền mua hàng từ VN Noncenbao. Sau đó, Noncenbao.com sẽ cho anh điểm KV (1 USD = 10 KV) để kích hoạt ID rồi đổi số điểm KV thành phiếu mua hàng. Khi mua hàng xong, anh được nhận thêm điểm PV, cứ 50 PV đổi được 25 USD và đó chính là lợi nhuận”. Bà Vân hướng dẫn rồi truy cập vào hệ thống của nocenbao.com kích hoạt 1 ID để đổi 2.994 KV thành nhiều phiếu mua hàng với tổng giá trị 299 USD và mua 3 sản phẩm.
“Thứ sáu hằng tuần, tôi sẽ truy cập hệ thống để xác nhận đã nhận hàng và đến thứ bảy, chủ sàn sẽ quyết toán thông báo số điểm KV của ID này, từ đó tôi sẽ tính ra lợi nhuận cho anh” - bà Vân nói. Ngoài ra, bà Vân còn cho tôi xem bảng lợi nhuận lên tới hàng ngàn USD của nhiều ID khác được thể hiện trên noncenbao.com.
Mua hộ hàng hóa cho chủ sàn
Khi một số nhà đầu tư thắc mắc chủ sàn làm gì để có lợi nhuận chi trả cho hội viên thì bà Vân cho biết qua 4 năm hoạt động, noncenbao.com đã thành công rực rỡ và hiện đang chào bán 400.000 sản phẩm của 1.500 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi năm, noncenbao.com thu về khoảng 30 triệu USD từ quảng cáo, tiền giới thiệu sản phẩm và đó chính dòng tiền để noncenbao.com trả lợi nhuận cho nhà đầu tư.
“Lỡ chủ sàn không cho rút vốn và lãi thì sao?” - tôi hỏi. Bà Vân khẳng định: “Không bao giờ xảy ra chuyện đó vì anh đã có chứng cứ là phiếu nộp tiền và có thể khởi kiện nếu chủ sàn không trả lại. Riêng việc rút tiền, anh có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Sau 3 ngày đặt lệnh, tiền sẽ về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, anh chỉ được rút 10% số vốn và lãi/lần và phải trả phí cho chủ sàn 1%” - bà Vân nói.
Theo tài liệu chúng tôi có được, noncenbao.com là sàn giao dịch điện tử quốc tế đa chức năng, trực thuộc Tập đoàn Noncen (Hồng Kông). Một số nhà đầu tư cho biết noncenbao.com được triển khai tại Việt Nam cách đây 3 tháng. Nhiều người từng thất bại trên các sàn đa cấp khác đã tìm đến noncenbao.com để đầu tư. Do việc vận hành tiền để mua hàng thiếu thành thạo nên họ thường giao các nhà đầu tư cũ hoặc nhân viên công nghệ thông tin của VN nongcenbao thực hiện với mức phí 5%/lợi nhuận.
Nhiều hội viên cho rằng với cách thức giao dịch như trên tức họ đã mua hộ hàng cho chủ sàn. Còn chủ sàn có bán lại số hàng hóa cho ai hay không thì hội viên không biết. Tuy nhiên, do số vốn bỏ ra ban đầu không nhiều, chủ sàn có nhân viên, trụ sở giao dịch cụ thể… nên họ tin tưởng tham gia với hy vọng thu về lợi nhuận cao.
Truy cập vào noncenbao.com, chúng tôi không thấy thông tin nào thể hiện luật “chơi”, cách thức giao dịch, số lượng khách hàng tham gia quảng bá sản phẩm, nguồn thu của chủ sàn ngoài việc giới thiệu chức năng kinh doanh, giá cả sản phẩm, chính sách tặng thưởng cho người phát triển khách hàng, chiến lược mở rộng thị trường…
TS Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) nhận định noncenbao.com có những điểm giống như các sàn huy động vốn đa cấp là hoạt động kinh doanh không rõ ràng, mua bán hàng hóa thiếu minh bạch và nhà đầu tư không nắm được quy trình kinh doanh của chủ sàn. Mặt khác, chủ sàn huy động vốn không có hợp đồng, không có bất kỳ cam kết nào với nhà đầu tư; kinh doanh thương mại điện tử không đúng quy định.
Theo ông Tín, giải pháp đặt ra là các cơ quan chức năng sớm tiến hành điều tra, truy tố và xét xử những hành vi huy động vốn vi phạm pháp luật nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Nhà nước nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo, phóng sự trên các kênh truyền thông nhằm tuyên truyền đến người dân hiểu và không tham gia các kênh đầu tư tài chính đa cấp.
Sẽ xử lý quyết liệt
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh
TP HCM cho biết tình trạng đa cấp tiền gửi với lãi suất cao hiện khá phổ biến, lôi kéo rất nhiều người dân tham gia và đã có người mất tiền. NHNN Chi nhánh TP đã báo cáo và kiến nghị NHNN có biện pháp quyết liệt xử lý loại hình huy động vốn đa cấp.
Ông Minh khuyến cáo người dân thận trọng trước những mời chào vốn ít lời nhiều từ các đối tượng đa cấp tiền gửi. Bởi lẽ, không có một tổ chức nào có đủ lợi nhuận để chi trả cho người gửi tiền với lãi suất 1%/ngày, trong khi lãi suất tiền gửi của các NH thương mại cao nhất chỉ khoảng 0,02%/ngày (8%/năm).
“Thời gian đầu, các tổ chức huy động vốn đa cấp thường trả vốn và lãi đầy đủ nhưng thực chất đây là tiền của người gửi sau chuyển cho người gửi trước. Đến một thời điểm nhất định, thị trường vắng bóng người gửi sau. Khi đó, người gửi trước sẽ lãnh đủ và không được pháp luật bảo vệ vì không đủ bằng chứng. Còn chủ của tổ chức huy động vốn thì bị bắt hoặc đổ thừa kinh doanh thua lỗ nhằm cao chạy xa bay, né tránh trách nhiệm trước pháp luật” - ông Minh nói.
Báo người lao động
 
Ý kiến bạn đọc