Tin tức
Quy định về chữ ký điện tử và Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
20/12/2014
1. Chữ ký điện tử là một công nghệ cho phép xác nhận người gửi và bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu. Về bản chất, chữ ký điện tử tương đương chữ ký tay, có các thuộc tính như: khả năng nhận dạng một người, tạo tính chắc chắn về mối quan hệ của người đó với hành vi ký và cho thấy việc người đó chấp nhận nội dung tài liệu ký. Có nhiều loại chữ ký điện tử khác nhau như chữ ký số, chữ ký sinh trắc học, chữ ký dựa trên số nhận dạng cá nhân (số PIN), chữ ký tạo bằng thẻ thông minh … Hiện nay, chữ ký số là loại chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến nhất.
Pháp luật thương mại điện tử cần có các quy định thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, cụ thể hoá các tiêu chí kỹ thuật và xác định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử. Có hai phương pháp xây dựng pháp luật về chữ ký điện tử: quy định chung dựa trên nguyên tắc trung lập về mặt công nghệ và quy định cụ thể về chữ ký số. UNCITRAL khuyến nghị sử dụng phương pháp thứ nhất để dự trù khả năng hình thành các công nghệ chữ ký điện tử mới. Hầu hết các nước theo khuyến nghị này.
2.Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử: Với sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ thông tin, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng. Phần lớn các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ như tác phẩm văn học - nghệ thuật, tài liệu khoa học - kỹ thuật, chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu có tính sáng tạo, nhãn hiệu thương mại, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế kiểu dáng công nghiệp … đều có thể xuất hiện dưới hình thức cho phép truyền tải dễ dàng qua Internet và các mạng mở khác. Nhiều vấn đề mới liên quan tới tên miền; tính năng liên kết, dẫn chiếu giữa các tài liệu trên môi trường nối mạng, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng… khiến các quy định về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước đây không còn phù hợp.
Để có thể bảo hộ tốt trong thương mại điện tử, pháp luật về sở hữu trí tuệ cần được điều chỉnh. Thứ nhất, việc hình thành những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mới như phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu nguồn đòi hỏi phải có những quy định mới thừa nhận và bảo hộ chúng, cách thức bảo hộ có thể như với đối tượng của quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp. Pháp luật cần chỉ rõ các thuộc tính cơ bản phân biệt với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác, xác lập các quyền nhân thân, quyền sở hữu và các nghĩa vụ liên quan, đưa ra các giới hạn, ngoại lệ đối với các quyền và nghĩa vụ, hình thành cơ chế xử lý vi phạm.
Thứ hai, nhiều đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có thể được biểu hiện dưới dạng các ứng dụng công nghệ thông tin như tên miền, giao diện website, từ khoá sử dụng để tìm kiếm thông tin và các ứng dụng công nghệ thông tin khác. Do pháp luật chưa quy định cụ thể (chưa xác định chúng thuộc đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nào) nên không biết cơ chế bảo hộ. Ví dụ: website có nên coi là hình thức biểu hiện của một tác phẩm nghệ thuật không? Tên miền của một công ty có được hưởng các cơ chế bảo hộ như nhãn hiệu thương mại không? ...
Ngoài ra, Internet và các mạng mở khác là môi trường lý tưởng cho việc trao đổi, chia sẻ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Một tác phẩm văn học có thể nhanh chóng bị phát tán trên Internet; các bí mật kinh doanh được lưu trên máy tính một công ty có thể bị tiết lộ ra bên ngoài qua kết nối Internet; một bản nhạc mới được phát hành, nếu đưa lên mạng thì ai cũng có thể tải về sử dụng… Môi trường mới tác động đến các quyền và nghĩa vụ liên quan tới mọi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.Vì vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ phải hình thành các quy định thêm về giới hạn, ngoại lệ thực hiện các quyền và nghĩa vụ cho phù hợp.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã có những nghiên cứu sâu về tác động của môi trường số hoá đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Năm 1996, WIPO đã thông qua hai hiệp định là Hiệp định về Quyền tác giả và Hiệp định về Tín hiệu ghi âm và biểu diễn, cùng có đủ thành viên tham gia và bắt đầu có hiệu lực trong năm 2002. Các hiệp định này có điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh trong môi trường Internet.Nhiều quốc gia đã chuyển tải các quy định của WIPO vào pháp luật quốc gia như Mỹ, châu Âu, Canađa.
 
Ý kiến bạn đọc