Tin tức
Sự phát triển nhanh và đa dạng các website bán lẻ của Việt Nam
25/12/2013
 

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường mạng Việt Nam trở nên cực kỳ sôi động vì sự ra đời của hàng loạt các website bán lẻ với đa dạng loại hình sản phẩm từ chuyên doanh (nội thất, đồ điện tử) đến tổng hợp (kinh doanh đủ loại hàng, dịch vụ). Với sự phát triển của Internet và các phần mềm ứng dụng, hàng loạt các website bán lẻ như: chodientu.com, gophatdat.com, vnemart.com… đã ra đời, ít nhiều tạo ra một “sàn tập” cho cả người kinh doanh lẫn người dùng.

Mặc dù các website này có vòng đời rất ngắn, nhưng những giá trị thực tế mà chúng mang lại không thể phủ nhận được. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã làm quen được với việc kinh doanh qua mạng, khách hàng cũng có những thao tác trực tiếp để nắm bắt được nghiệp vụ mua bán hàng trực tuyến. Quan trọng nhất là các mạng này cho phép người dùng sử dụng các phương thức thanh toán mới (trực tuyến) và giao hàng mới. Các mạng này cũng đã đặt ra bài toán “an ninh mạng” để các doanh nghiệp có thể khai thác tốt hơn việc kinh doanh qua mạng internet.

Sự phát triển của Thương mại điện tử tạo ra cơ hội cho việc thay đổi phương thức bán hàng và tiếp cận đến các mạng toàn cầu

Từ năm 2009 đến nay, việc mua bán qua mạng đã trở thành một hình thức được người tiêu dùng ưa thích tại Việt Nam, đặc biệt là những người làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng tại các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo báo cáo Thương mại điện tử của Bộ Công Thương năm 2010, 49% các hộ gia đình đã kết nối Internet, 18% trong số đó sử dụng vào mục đích liên quan đến Thương mại điện tử và 4% từng sử dụng thanh toán trực tuyến hoặc các dịch vụ liên quan đến ngân hàng.

Việc bán hàng trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian qua tập trung nhiều vào các dịch vụ của các công ty, tập đoàn như: hàng không, du lịch. Các công ty đã tạo dần thói quen mua bán hàng cho người dùng và bản thân khách hàng cũng đang quen dần với các hình thức mua bán này.

Ý kiến bạn đọc