Tin tức
Thiếu niềm tin vào thanh toán trực tuyến
24/11/2016
Người dân thực hiện thanh toán trực tuyến còn thấp là do thiếu niềm tin vào tính bảo mật của ngân hàng cũng như các thiết bị thanh toán thẻ
Ngày 24-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử (VEPF) 2016. Diễn đàn cho thấy còn rất nhiều giải pháp cần thúc đẩy để đạt được mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử từ nay đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Chỉ 1% dịch vụ công ứng dụng công nghệ điện tử
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện nay, Chính phủ đang cung cấp khoảng 125.000 dịch vụ công nhưng chỉ có 1.200 dịch vụ được ứng dụng công nghệ điện tử, chiếm chưa đến 1%. Đây là con số rất đáng suy ngẫm. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử từ nay đến năm 2020, được cộng đồng quốc tế đánh giá là có bước tiến nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với người dân do chưa có giải pháp thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân.

Yếu tố bảo mật là một trong những trở ngại khi người tiêu dùng thanh toán qua mạng Ảnh: Hoàng Triều
Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN, cho biết đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện gần 90% thanh toán qua ngân hàng, trong khi người dân mới chỉ có 7% giao dịch trên thị trường được thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử (TMĐT). Theo bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục TMĐT - Bộ Công Thương, tỉ lệ người dân thực hiện thanh toán trực tuyến còn thấp là do thiếu niềm tin vào tính bảo mật của ngân hàng cũng như các thiết bị thanh toán thẻ. Một khảo sát của cục cho thấy người dân tham gia TMĐT chủ yếu lên website chọn hàng nhưng đến khâu quan trọng nhất là thanh toán lại chọn hình thức trả bằng tiền mặt khi nhận hàng. “Những hiện tượng “một ngày đẹp trời, tiền trong thẻ biến mất” xảy ra trong thực tế đã khiến người dân nghi ngại, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng khi thanh toán trực tuyến” - bà Anh nói.
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết đang cùng NHNN xây dựng hạ tầng để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và kéo dài thời gian giao dịch liên ngân hàng lên 24/7. Theo đó, từ năm 2018 sẽ bắt đầu phát hành thẻ chip và đến hết năm 2020 sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ thẻ từ đã phát hành sang thẻ chip để tăng tính bảo mật. “Nếu không chuyển đổi thì Việt Nam trở thành vùng trũng, là thị trường mục tiêu của tội phạm thẻ. Điều này rất nguy hiểm” - ông Minh nói.
Chi phí sử dụng thẻ đắt đỏ
Trước đó, những hạn chế liên quan đến vấn đề thanh toán thẻ đã được Bộ Công Thương đưa ra trong một hội thảo tổ chức ngày 22-11. Ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại, cho biết số lượng thẻ đã phát hành ở Việt Nam lên đến gần 100 triệu thẻ nhưng chỉ khoảng 60%-70% có giao dịch. Doanh thu thanh toán thẻ 85% vẫn là rút tiền, 1 cây ATM có ngày nạp tới 2 tỉ đồng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ.
Đáng lưu ý là chi phí bình quân phát hành một thẻ ở Việt Nam theo thống kê vào khoảng 5 USD nhưng trong thực tế khoảng 10 USD, cao gấp 10 lần so với thế giới. Mặt khác, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao. Nếu cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… có thể thấy được chi phí sử dụng thẻ của người dân là rất lớn.
Chi phí sử dụng thẻ ở Việt Nam cũng rất cao. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp, lấy ví dụ khách hàng mua iPhone giá 20 triệu đồng phải chi thêm 600.000 đồng phí thanh toán, thêm phí giao nhận... dẫn tới giá bị đội lên. Nếu thẻ bị đánh cắp phải chờ thủ tục đối soát của ngân hàng để nhận lại tiền cũng mất 30-40 ngày. Đây là những lý do khiến việc thanh toán tiền mặt của người Việt Nam vẫn ở mức cao, khó giảm.
Phải thanh toán điện tử trong thu phí giao thông
Diễn đàn VEPF 2016 đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy thanh toán điện tử. Trong đó có giải pháp sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị; tiến tới việc người dân chỉ cần dùng 1 thẻ thanh toán duy nhất khi tham gia giao thông.
Người lao động
 
Ý kiến bạn đọc