Tin tức
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang "ngược chiều" với thế giới
09/09/2015

Theo số liệu khảo sát được Google và đối tác là công ty nghiên cứu TNS công bố hồi tháng 9/2014, cứ mỗi 3 người Việt Nam thì có tối thiểu 1 người hiện sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị vốn được xem là góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng tốc độ phổ cập Internet đạt mức 44%, tăng mạnh từ con số 12% của hơn 10 năm trước.

Thành tích này cũng chính là cơ sở mà giới chuyên gia tin rằng sẽ qua đó thúc đẩy hàng loạt dịch vụ trực tuyến phát triển trong tương lai, đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT) trên nền tảng di động.

Trong báo cáo tổng kết tình hình TMĐT năm 2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương từng cho biết doanh thu TMĐT (mô hình B2C) của năm tương ứng đạt khoảng 2,7 tỳ USD và dự báo cán mốc 4 tỷ USD trong 2015.

Trước thực tế này, vào hôm 20/8 tại TP.HCM. Haravan đã đứng ra tổ chức chương trình "Networking Liên minh Thương mại điện tử" với mục đích tạo một khối liên minh giữa các doanh nghiệp tham gia, đồng thời cung cấp một số giải pháp để có thể phát triển TMĐT tại Việt Nam một cách tốt và hiệu quả hơn nữa.

Đại diện công ty Haravan cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng như kinh doanh qua mạng, thì việc liên kết các thành phần đang hoạt động trong môi trường thương mại điện tử về cơ bản có thể giúp người kinh doanh online cùng nhau giải quyết các vấn đề khó khăn và rào cản trong thực tế hoạt động.

Theo các chuyên gia tham dự buổi offline, khó khăn lớn nhất của các cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi triển khai TMĐT chính là làm thế nào để tiếp cận đúng đối tượng, làm sao để bán được hàng cho đối tượng này và khi lượng khách hàng ở các kênh nhiều lên thì làm sao để quản lý chặt chẽ, chăm sóc được hết mọi khách hàng và đặc biệt là làm sao để nhóm khách hàng của mình không rơi vào tay đối thủ.

 
 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - trong phần trình bày của mình đã nêu vấn đề rằng, những người kinh doanh trực tuyến hiện nay cần phải biết rõ một bức tranh TMĐT tổng thể, để từ đó biết được chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề gì và với ai, và cái gì sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề còn tồn đọng bởi theo vị chuyên gia này thì không có nơi nào làm thương mại điện tử như Việt Nam.

"Trong khi các quốc gia phát triển ngày càng chú trọng vào ứng dụng thương mại điện tử thì Việt Nam lại làm ngược lại, phát triển các giải pháp offline cùng với online để đáp ứng nhu cầu khách hàng", ông Dũng nhận định.

Ông Huỳnh Lâm Hồ - Giám đốc Haravan khẳng định, Liên minh TMĐT sẽ giúp giải quyết những trăn trở của khách hàng, tức người kinh doanh trực tuyến. "Khi mà những nhà cung cấp dịch vụ  sẵn sàng giúp hoàn thiện mô hình TMĐT thì khách hàng sẽ đón nhận phương thức kinh doanh này một cách dễ dàng", ông Hồ nhấn mạnh.

Là đơn vị đồng hành với Liên minh TMĐT, đại diện Intel Việt Nam là ông Phạm An Dương – Giám đốc marketing bày tỏ kỳ vọng TMĐT sẽ trở thành ngành nghề thực sự bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới, và Intel cũng sẽ đóng góp một phần trong sự thành công đó bằng việc cung cấp các thiết bị điện tử.

Theo lời ông Dương, đối với buổi offline lần này, Intel mong muốn thúc đẩy sự phối hợp nhiều hơn nữa những hoạt động chung của các đơn vị cùng cung cấp giải pháp kinh doanh trực tuyến.

 
 

Về phía các nhà bán hàng cũng như doanh nghiệp, khá nhiều ý kiến được nêu ra tại buổi offline cũng đã chỉ ra rằng việc thanh toán trực tuyến hiện là rào cản để phát triển TMĐT bởi vẫn còn khá đông khách mua hàng vẫn còn lựa chọn phương thức trả tiền mặt khi nhận hàng (COD).

Theo nhìn nhận của ông Dũng, câu chuyện đến lúc này không còn là vấn đề công nghệ hay dịch vụ của nhà cung cấp, mà thuộc về lòng tin của khách hàng đối với người bán, kèm theo đó là nghi ngại việc kết nối với các đơn vị thanh toán online còn nhiều khó khăn.

Ông Dũng cũng cho rằng đa phần mọi người thường nghĩ người bán lừa người mua, tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều người mua lừa người bán, đo  đó Hiệp hội TMĐT trong thời gian tới sẽ là nơi cũng cấp thông tin và chia sẻ các kinh nghiệm cũng như tư vấn giúp mọi người vấn đề về pháp lý.

Tán đồng với ý kiến này, đại diện cổng thanh toán 123Pay và Payoo cho rằng để thúc đẩy thanh toán online thì cần phát triển lòng tin của khách hàng, bên cạnh đó nhà cung cấp dịch vụ cũng cần đảm bảo các thao tác trong quá trình xử lý phải nhanh chóng và quan trọng bậc nhật vẫn là phải bảo đảm tính bảo mật cho người dùng đầu cuối, tức khách hàng tham gia mua sắm trực tuyến.

Ý kiến bạn đọc