Công nghiệp chế biến
Giá các mặt hàng thiết yếu
20/08/2013

Trong tuần từ 27/7 đến 3/8/2013, tình hình giá dầu tăngdo nhu cầu tiêu thụ mạnh, vàng giảm và tình hình nông sản đầy biến động
Nông sản
Triển vọng thời tiết ở những khu vực trồng trọt của Mỹ khả quan khiến giá nông sản liên tiếp giảm trong tuần này.
Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 9 giảm 11,2 cent xuống 4,76 USD/bushel. Hợp đồng tháng 12, thời điểm sau thu hoạch giảm 3,25 cent, chốt phiên tại 4,6375 USD/bushel. Như vậy, tuần này giá ngô giảm 3,3%.
Giá đậu tương giao tháng 8 cũng giảm 26,75 cent xuống còn 13,31 USD/bushel, giá kỳ hạn giao hàng sau vụ thu hoạch tháng 11 giảm 11 cent, chốt tại 11,815 USD/bushel. Giá đậu tương giảm 1,4% trong tuần, ghi nhận 4 tuần giảm giá liên tiếp.
Riêng giá lúa mỳ giao tháng 9 tăng 2,5 cent so với phiên trước chốt tại 6,605 USD/bushel, tăng tổng cộng 1,6% trong tuần này. Giá lúa mỳ tăng do nhu cầu xuất khẩu cao. Nhật Bản vừa mua vào 90.000 tấn lúa mỳ trắng Mỹ hôm thứ 5 (1/8), đây là lần đầu tiên Nhật Bản mua trở lại sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đối với ngũ cốc nhập từ tiểu bang Oregon, Mỹ. Lệnh cấm này kéo dài 2 tháng do phát hiện chất biến đổi gen trong lúa mỳ trồng tại khu vực này
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch cuối tuần, 2/8 (kết thúc vào rạng sáng 3/8 giờ VN) sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm yếu gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tính chung trong tuần qua giá dầu vẫn tăng, và đồng cũng chốt phiên cuố tuần ở mức tăng và là tuần tăng giá đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Giá vàng giao ngay đảo chiều tăng vào lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, sau khi giảm nhẹ đầu phiên, bởi đồng USD giảm và số liệu việc làm Mỹ tháng 7 cho thấy thị trường việc làm Mỹ hồi phục chậm.
Số việc làm mới tháng 7 chỉ tăng 162.000, thấp hơn mức dự báo 184.000 theo khảo sát của Reuters.
Đậu tương tăng do hoạt động mua mang tính kỹ thuật sau khi giảm đầu tuần. Cà phê arabica tăng phiên đầu tiên trong vòng 6 phiên, từ mức thấp nhất 4 tuần.
Chỉ số 19 hàng hóa nguyên liệu Thomson Reuters-Jefferies CRB giảm nửa phần trăm phiên cuối tuần, do chịu áp lực bởi dầu giảm giá.
Năng lượng
Phiên cuối tuần, giá dầu WTI trên sàn Nymex giao tháng 9 giảm 95 cent, tương đương 0,9% xuống còn 106,94 USD/thùng. Tuy nhiên, tuần này, giá dầu WTI vẫn tăng 2,1%. Khối lượng giao dịch thấp hơn 13% so với trung bình 100 ngày.
Giá dầu Brent trên sàn ICE giảm 59 cent, hay 0,5%, kết thúc tuần ở mức 108,95 USD/thùng. Khối lượng giao dịch thấp hơn 26% so với khối lượng trung bình 100 ngày. Chênh lệch giá dầu Brent tiêu chuẩn của châu Âu với dầu WTI Mỹ nới rộng từ 1,65 USD/thùng lên 2,01 USD/thùng.
Những thông tin cho thấy thị trường việc làm Mỹ phục hồi chưa đủ mạnh gây lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, tình hình đình công căng thẳng ở Libya tiếp tục tạo áp lực lên nguồn cung. Việc đóng cửa các cảng biến xuất khẩu do đình công ước tính cắt giảm xuất khẩu khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày từ mức trung bình 1,425 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô Libya giảm 330.000 đến 800.000 thùng/ngày trong tháng 7, dựa trên tính toán của Bloomberg, ghi nhận sản lượng thấp nhất từ tháng 12/2011.
Theo khảo sát của Bloomberg, giá dầu WTI sẽ tăng trong tuần tới do triển vọng nhu cầu tiêu thụ mạnh. Trong 33 chuyên gia và nhà giao dịch được hỏi, 15 người dự báo giá dầu tăng đến hết 9/8, 13 người cho rằng giá sẽ giảm và 5 người dự đoán giá không đổi.
Vàng bạc
Giá vàng tại New York kết thúc tuần tăng 4,6 USD/oz, chốt ở 1.314,5 USD/oz. Trong phiên giao dịch, có lúc giá vàng rớt xuống mức 1.282 USD/oz, thấp nhất trong 2 tuần, nhưng sau đó đã bật tăng trở lại.
Những thông tin kém lạc quan từ Mỹ khiến các nhà đầu tư nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa thể sớm cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE) – yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Ngoài ra, giá vàng còn được đẩy lên khi tỷ giá đồng USD sụt giảm so với một loạt đồng tiền chủ chốt như USD và Yên Nhật.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, vàng đã giảm giá 1,8%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tục.
Quỹ tín thác (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tuần này bán ròng hơn 6 tấn vàng, giảm mức nắm giữ còn hơn 921 tấn, thấp nhất trong 4 năm. Số liệu của Reuters cho thấy, 8 ETF vàng lớn nhất đã bán ròng 19 triệu ounce vàng trong năm nay, tương đương giá trị 25 tỷ USD ở thời giá hiện tại.
Các nhà phân tích kỹ thuật đánh giá, hiện tại, giá vàng đang vấp phải ngưỡng kháng cự mạnh ở 1.320 USD/oz. Tuy nhiên, việc vượt qua mốc này có thể mở ra một đợt tăng giá mới cho vàng lên mức 1.450 USD/oz.
Trên thị trường Việt Nam, giá vàng phiên cuối tuần tăng mạnh hơn giá thế giới, với vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng, tại Hà Nội ở mức 37,6 triệu đồng/lượng mua vào và 37,8 triệu đồng/lượng bán ra, tại Tp.HCM ở mức lần lượt 37,5 triệu đồng/lượng và 37,7 triệu đồng/lượng. Tỷ giá USD bật tăng trở lại, qua mức 21.300 đồng.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần vàng SJC giảm khoảng 750.000 đồng/lượng.
Kim loại công nghiệp
Phiên cuối tuần, giá đồng tăng do đồng USD yếu và sản xuất Trung Quốc tháng 7 tăng mạnh hơn dự báo.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME tăng 7 USD/tấn, kết thúc tuần ở mức 7.005 USD/tấn, trong phiên có lúc giá lên 7.079 USD/tấn, cao nhất từ ngày 24/7. Giá đồng tăng 2,4% trong tuần này, là tuần đầu tiên tăng trong vòng 3 tuần, và tăng 1,9% trong tháng 7.
.Những thông tin chính tác động đến thị trường hàng hóa tuần qua
• Lĩnh vực sản xuất toàn cầu bước vào quý 3 tăng nhẹ,PMI đạt mức 50,8 trong tháng 7, từ mức 50,6 của tháng 6.
• Tại cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Washington, Chủ tịch Fed Ben Bernanke cùng các đồng nghiệp cũng cho rằng thị trường lao động đã có những bước tiến xa hơn trong khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức độ khiêm tốn. Do đó, đây chưa phải là thời điểm để cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu.
• Bộ Lao động Mỹ hôm qua thông báo số lượng việc làm chỉ tăng 162.000 trong tháng 7, tăng ít nhất 4 tháng. Trong khi các chuyên gia dự báo con số này là 185.000. Ngoài ra, người lao động Mỹ làm việc ít thời gian hơn và thu nhập mỗi giờ làm việc giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.
• Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 7 của nước này đạt 50,3 điểm, so với 50,1 điểm trong tháng 6 và vượt dự báo 49,8 điểm của các chuyên gia. Trên ngưỡng 50 cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng.
• Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nới lỏng chính sách để hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế khu vực đồng euro (eurozone). Tại cuộc họp chính sách hôm 1/8, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp ở 0,5%, đúng như dự báo của đa số các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg. Chủ tịch Mario Draghi cho biết, ECB sẽ không nâng lãi suất trong tương lai gần.
 
Ý kiến bạn đọc